Trước đó, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã đầu tư cụm công nghiệp mía đường Hoàng Anh Attapeu trị giá 100 triệu USD tại Lào với công suất 7.000 tấn một ngày. Tuy nhiên, do khó khăn về mặt tiêu thụ, lãnh đạo doanh nghiệp này đã kiến nghị với Chính phủ xem xét cơ chế cho phép nhập khẩu hơn 100.000 tấn đường một năm từ Lào về Việt Nam để giải quyết đầu ra cho nhà máy.
Tại cuộc họp báo chiều 10/8, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho biết, Hoàng Anh Gia Lai đầu tư tại Lào, do đó các sản phẩm của doanh nghiệp này sẽ mang xuất xứ tại quốc gia này. Giữa Việt Nam và Lào có thỏa thuận ưu đãi thuế quan do có chung đường biên giới nên một số mặt hàng nhập khẩu từ Lào sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi 2,5% thay vì 5% như từ khu vực Asean.
"Nếu để nhập khẩu lượng đường hàng trăm nghìn tấn, thì chênh lệch thuế sẽ vào khoảng 35 tỷ đồng, con số này không phải quá lớn", ông Biên cho hay.
Tại công văn số 1240/BNN-CB, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có ý kiến với Bộ Công thương ưu tiên dùng hạn ngạch nhập khẩu đường hàng năm để nhập khẩu đường của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai sản xuất từ Lào về Việt Nam.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng khẳng định, nếu Hoàng Anh Gia Lai được phép nhập khẩu không có nghĩa là doanh nghiệp Việt Nam chỉ có sự lựa chọn duy nhất từ đầu mối này. Bởi lượng nhập khẩu đường phụ thuộc vào các đối tượng được phân giao, Nhà nước không phân giao cho các đơn vị xuất khẩu.
"Bộ Công Thương đang tổng hợp ý kiến để có phương án báo cáo Chính phủ trước khi trả lời. Hoàng Anh Gia Lai coi như một nhà đầu tư tại Lào. Chính phủ Việt Nam sẽ không đàm phán với Hoàng Anh Gia Lai mà đàm phán với Lào", ông Biên khẳng định.