Công tác tái định cư tốt sẽ giải quyết được bài toán thu hồi đất Những vấn đề được nhiều đại biểu mổ xẻ như: Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, xác định giá đất, công tác tái định cư còn nhiều khó khăn, bất cập; việc tính tiền sử dụng đất theo Nghị định 69/2009 của Chính phủ không còn phù hợp, gây nhiều khó khăn cho DN; lợi ích của Nhà nước và người dân có đất bị thu hồi chưa được đảm bảo tương xứng…
Cơ chế thu hồi đất phải rõ ràng
Về cơ chế thu hồi đất, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển cho rằng, hiện nay việc Nhà nước thu hồi đất và nhà đầu tư (NĐT) tự thỏa thuận để chuyển nhượng quyền sử dụng đất đều có những ưu điểm và hạn chế riêng. Tuy nhiên, hiện cơ chế thỏa thuận được thực hiện tại Tp.HCM khá tốt, hơn 40% dự án trên địa bàn TP là do nhà đầu tư tự thỏa thuận. “Cần góp ý để Luật Đất đai đợt này sửa đổi theo hướng sẽ khắc phục hạn chế của từng cơ chế một hoặc xem có nên duy trì song song 2 cơ chế hay không” - ông Hiển đề nghị.
Giám đốc Sở Tài Nguyên - Môi trường Đào Anh Kiệt cho biết, hiện TP phải thực hiện nhiều dự án xã hội, nên Nhà nước sẽ phải đứng ra thu hồi đất để thực hiện những dự án phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng… Còn đối với những dự án sản xuất kinh doanh phù hợp với quy hoạch, NĐT tự thỏa thuận. Theo ông Đào Anh Kiệt, phải có 2 cơ chế song song, vấn đề là làm sao để cả 2 cơ chế đều thực hiện tốt.
Nhiều ý kiến đồng tình giữ 2 cơ chế, tuy nhiên với yêu cầu phải sửa đổi ngay các vấn đề bức xúc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhất là đối với các dự án đã bồi thường trên 80% nhưng khó bồi thường phần đất còn lại.
Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu đề xuất 2 phương án cho phần diện tích còn lại: NĐT sẽ trả mức giá cao nhất đã bồi thường trong dự án, hoặc sẽ thuê công ty tư vấn thẩm định giá độc lập để thẩm định giá khu đất và NĐT bồi thường theo giá được công ty thẩm định.
“Cần phải có cơ chế thu hồi rõ ràng vì rất nhiều DN hiện nay bị “kẹt” nguyên dự án chỉ vì vài hộ không đồng ý giá. Có một số dự án DN đã đền bù trên 90%, những hộ dân cuối cùng đòi giá đất nông nghiệp lên đến 30 triệu đồng/m², trong khi đó sau khi đầu tư hạ tầng, làm dự án DN chỉ dự kiến bán 12 triệu đồng/m²" - ông Lê Hoàng Châu cho biết.
Với kinh nghiệm thỏa thuận mua đất với người dân thành công 100% của 8 dự án mà không gặp vướng mắc gì, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành cho rằng, cơ chế thỏa thuận hoàn toàn có thể thực hiện tốt đối với những DN thực hiện các dự án nhỏ. “Một số trường hợp đất ông bà để lại, người dân không muốn bán với mọi giá thì nên tính đến phương án đổi đất cho người dân theo phương thức 1.000m² đất nông nghiệp được đổi 200-250m² đất ở tại chỗ” - ông Nghĩa gợi ý.
Để địa phương xây dựng giá đất
Một vấn đề được nhiều người quan tâm đó là bảng giá đất. Nhiều đại biểu kiến nghị nên bãi bỏ việc công bố bảng giá đất mà TP công bố hàng năm, vì việc này làm cho các địa phương tốn nhiều công sức để xây dựng, nhưng lại không đáp ứng được tiêu chí sát giá thị trường trong điều kiện bình thường, đồng thời lại bị khống chế bởi khung giá đất của Chính phủ.
Cụ thể, theo bảng giá đất Tp.HCM năm 2012 quy định 3 con đường tại trung tâm quận 1 (Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ) có giá mút khung là 81 triệu đồng/m², giá thấp hơn nhiều lần so với giá đền bù cao nhất tại đường Đồng Khởi mà Nhà nước ban hành là hơn 370 triệu đồng/m².
Ông Đào Anh Kiệt cũng cho rằng, khung giá đất được xây dựng chưa sát với giá thị trường thì dứt khoát phải sửa. “Đề nghị Chính phủ bỏ khung giá đất hoặc để các địa phương linh hoạt xây dựng khung giá đất tiệm cận với giá thị trường, chứ bảng giá đất mà khu vực này cao gấp 4 lần, khu vực kia cao gấp 7 lần là bất cập” - ông Đào Anh Kiệt nói.
Theo luật sư Trương Thị Hòa, để các địa phương tự xây dựng bảng giá đất cũng khó, do đó Chính phủ nên có khung giá đất riêng cho từng địa phương để địa phương xây dựng giá đất theo khung đó và ổn định trong 5 năm.
|