- Việc giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất sẽ giúp nhiều doanh nghiệp bất động sản giảm bớt gánh nặng tài chính trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Thị trường bất động sản đóng băng khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng làm ăn thua lỗ dẫn đến nợ đọng thuế. Để hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã đưa ra gói giải pháp trong đó có đề xuất giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất để giúp doanh nghiệp dễ thở hơn.
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế năm 2011, nhiều doanh nghiệp bất động sản tại Hà Nội như HUD, Geleximco... nợ thuế, tiền sử dụng đất với số tiền lên đến gần nghìn tỷ đồng. Đơn cử, Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam (HUD) nợ gần 400 tỷ đồng, công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco) nợ hơn 220 tỷ đồng, công ty Phát triển đô thị quốc tế Việt Nam nợ 152 tỷ đồng, công ty Thương mại - dịch vụ Nam Cường nợ 69 tỷ đồng…
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính vừa đề xuất với Chính phủ gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp có tác động tài chính 29.000 tỷ đồng. Đồng thời, kiến nghị giảm thu ngân sách năm 2012 khoảng 9.000 tỷ đồng.
Cụ thể, các giải pháp về giãn thuế tác động khoảng 16.000 tỷ đồng (giãn thuế Giá trị gia tăng khoảng 12.030 tỷ đồng, giãn thuế thu nhập doanh nghiệp khoảng 3.000 tỷ đồng). Giải pháp miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế khoán đối với hộ và thuế môn bài 4.100 tỷ đồng. Giải pháp giảm 50% tiền thuế đất khoảng 1.500 tỷ đồng…
Đáng chú ý, Bộ Tài chính cũng đề xuất việc giãn thời hạn nộp thuế sử dụng đất đối với những nhà đầu tư thực sự khó khăn trong thời gian 12 tháng. Bộ Tài chính sẽ giao UBND các tỉnh, thành phố quyết định thông qua thường trực Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện sẽ căn cứ vào tình hình cân đối ngân sách của từng địa phương và phụ thuộc vào mức độ khó khăn của các dự án, nhóm dự án.
Mặc dù, đề xuất này đã được Chính phủ thông qua và sẽ trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp tới. Tuy nhiên, cộng đồng các doanh nghiệp đang hết sức quan tâm và đặt kỳ vọng đặc biệt các doanh nghiệp bất động sản.
Theo ông Nguyễn Chí Thanh – Tổng giám đốc công ty TNHH Cao ốc quốc tế Hồ Tây, nếu đề xuất giãn tiền sử dụng đất được thông qua thì doanh nghiệp bất động sản sẽ được hưởng lợi. Thay vì phải vay tiền ngân hàng để nộp tiền sử dụng đất doanh nghiệp có thể sử dụng đầu tư xây dựng công trình. Khi dự án hoàn thành, doanh nghiệp bán được hàng. Có tiền doanh nghiệp tiếp tục nộp tiền thuế cho nhà nướ.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch HĐQT công ty CP GP Invest cho biết, trong giai đoạn hiện nay doanh nghiệp bất động sản cực kỳ khó khăn do thị trường đóng băng lâu quá. Doanh nghiệp có cố gắng cũng chỉ chịu đựng được vài tháng nhưng nếu cố 1-2 năm thì không thể.
Khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp hiện nay là về chính sách, tiền sử dụng đất đối với các dự án đã khởi công mặc dù quyết định 192 cho giãn tiền sử dụng đất nhưng đến khi làm xong móng vẫn trả hết tiền. Nhưng nếu làm xong móng mà doanh nghiệp không bán được hàng có nghĩa doanh nghiệp vừa căng người lên trả tiền sử dụng đất và trả tiền móng.
Tiền sử dụng đất là số tiền rất lớn khi các nhà máy di dời đi thì đã phải trả tiền cho chủ đầu tư cũ một lượng tiền rất lớn thông thường chiếm 20% chi phí giá thành. Trong khi đó, ngay cả khi công trình xây dựng xong móng doanh nghiệp chưa đủ điều kiện để vay ngân hàng do chưa hình thành tài sản do vậy doanh nghiệp cực kỳ khó khăn. Nếu như tình hình tiếp tục không được khơi thông thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ chết.