Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín vừa đề nghị Bộ Kế hoạch và
Đầu tư xem xét trình Thủ tướng trong năm 2012 đưa dự án xây dựng Trung
tâm điều khiển giao thông TP HCM vào danh mục sử dụng nguồn vốn ODA của Chính phủ Pháp.
Với tổng vốn đầu tư khoảng 187 triệu đôla (3.800 tỷ đồng), chủ đầu tư
dự án sẽ lắp đặt thiết bị giao thông tại hơn 1.000 giao lộ, xây dựng
trung tâm và hệ thống điều khiển đèn tín hiệu, quản lý xe buýt, thu phí
cầu đường điện tử, quản lý an toàn giao thông...
|
Các giao lộ trên các tuyến đường TP HCM sẽ được lắp đặt camera quan sát... |
Ông Lê Toàn, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho biết, đây
là một trong những dự án trọng điểm của thành phố, là giải pháp đột phá
của TP HCM để kéo giảm ùn tắc giao thông. Dự án sẽ được triển khai theo
hình thức phân kỳ trong 3 giai đoạn, thời gian dự kiến trong 5 năm
(2012-2017).
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia giao thông, với tình trạng kẹt xe
ngày càng nghiêm trọng như ở TP HCM, việc xây dựng trung tâm điều hành
giao thông hiện đại là rất cần thiết. Việc kiểm soát, phân luồng giao
thông tại các giao lộ (đặc biệt vào giờ cao điểm) sẽ dễ dàng hơn.
|
...tất cả thông tin về giao thông sẽ được chuyển về trung tâm điều khiển giao thông. |
Sau khi được đưa vào hoạt động, toàn bộ dữ liệu hình ảnh tại các giao
lộ sẽ được truyền về trung tâm điều hành giao thông. Việc phân tích
hình ảnh qua bộ nhớ ghi hình sẽ được cơ quan chức năng xử lý và điều
tiết trực tiếp hệ thống đèn tín hiệu tại các giao lộ, thay cho việc cảnh
sát giao thông phải túc trực để quan sát bấm đèn điều tiết.
Trước đây, TP HCM đã lắp đặt và đưa vào hoạt động camera ghi hình tại
một số giao lộ trung tâm thành phố để thuận tiện cho việc điều tiết và
ghi hình phạt nguội. Tuy nhiên, các chốt này được vận hành và điều khiển
độc lập, không liên kết thành một hệ thống. Do đó công tác quản lý, tổ
chức phân luồng giao thông, chống ùn tắc trên địa bàn chưa được đồng bộ.
Theo Sở Giao thông Vận tải TP HCM, toàn thành phố có hơn 1.400 giao
lộ, trong đó khoảng 590 giao lộ có đèn tín hiệu giao thông. Hiện, thành
phố tồn tại 2 hệ thống đèn hoạt động độc lập gồm: 400 đèn tín hiệu giao
thông do các Khu Quản lý giao thông đô thị quản lý và 159 đèn do Công an
thành phố quản lý, khai thác thông qua Trung tâm điều khiển tín hiệu
giao thông. Hiện tại 159 đèn do Công an thành phố quản lý đều gặp trục
trặc.
Cụ thể, trong 159 đèn có 48 chốt được lắp đặt từ năm 1998 (đưa vào
khai thác năm 2000) bằng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Pháp hiện “đắp
chiếu” vì bị mất tần số, còn 111 chốt đèn lắp đặt từ năm 2002 (đưa vào
khai thác tháng 6/2005) bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới cũng hư hỏng
vì bị các đơn vị thi công đào đường làm đứt hệ thống cáp nối từ chốt
đèn về trung tâm điều khiển. Bên cạnh đó, khả năng nhận biết, thu thập
lưu lượng xe của đầu dò không chính xác, dẫn đến chu kỳ đèn không phù
hợp với tình hình thực tế.
(Theo VnExpress)