Quy hoạch phân khu đô thị S5 cho thấy, ngoài việc phát
triển nhà ở, dân cư, trung tâm thương mại, dịch vụ công cộng khu đô thị,
phân khu còn đảm nhận chức năng dịch vụ công cộng cấp thành phố (nhà ga
đường sắt Ngọc Hồi) và đầu mối công trình kỹ thuật hạ tầng chính của
thành phố như sông, mương thoát nước, hồ điều hoà.
|
Một góc phường Yên Sở, quận Hoàng Mai. Ảnh: Hải Linh |
Khớp nối là việc khó nhất
Theo
kết luận của Hội đồng thẩm định quy hoạch phân khu đô thị TP Hà Nội
(Hội đồng) phân khu đô thị S5 thuộc địa giới hành chính các xã Tứ Hiệp,
Tam Hiệp, Vĩnh Quỳnh, Tả Thanh Oai, Thanh Liệt, Đại Áng, Ngọc Hồi, Ngũ
Hiệp, Liên Ninh (huyện Thanh Trì); xã Khánh Hà, Nhị Khê, Văn Bình,
Duyên Thái (huyện Thường Tín) và phường Yên Sở (quận Hoàng Mai), có quy
mô 3.182,68ha; dân số khoảng 256,7 nghìn người. Đây là một trong số 17
đồ án quy hoạch phân khu đã được Thành phố phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch
và là đồ án quy hoạch phân khu đầu tiên được tiến hành thẩm định.
Theo
đồ án Quy hoạch chung Xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 - tầm nhìn
đến năm 2050 (Quy hoạch chung), các yêu cầu và nguyên tắc phát triển
trong phân khu đô thị S5 là khu vực phát triển đô thị nằm trong phạm vi
của thành phố trung tâm bao gồm các khu vực đã và đang xây dựng như Khu
ĐTM Tứ Hiệp, Khu công nghiệp Ngọc Hồi, quy hoạch chi tiết hai bên trục
QL1A... cùng với các khu vực dự kiến phát triển xây dựng mới như Khu ĐTM
Liên Ninh, quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường Phan Trọng Tuệ. Quy
hoạch phân khu đô thị S5 kết nối đồng bộ về mặt kiến trúc, hạ tầng kỹ
thuật và các công trình công cộng khu vực theo hồ sơ Quy hoạch chung thủ
đô được phê duyệt.
Sau khi thẩm định, Hội đồng nhận định, khó
khăn và bất cập lớn nhất của đồ án quy hoạch trên là vấn đề khớp nối
đồng bộ với các quy hoạch ngành, chuyên ngành, quy hoạch mạng lưới...
Vấn đề xác định đồng bộ các khu chức năng, các chỉ tiêu quy hoạch kiến
trúc, hạ tầng kỹ thuật cho toàn phân khu đô thị S5, các khu vực cải tạo
chỉnh trang, các khu vực xây dựng mới; xác định nguyên tắc yêu cầu tổ
chức không gian kiến trúc cảnh quan cho các khu chức năng, các đồ án
điều chỉnh, các không gian đặc trưng của đô thị... cũng đang đặt ra
những thách thức lớn.
Hạn chế phát triển nhà ở gần nghĩa trang Văn Điển
Trên
địa bàn huyện Thanh Trì, theo đề xuất của Hội đồng, các khu đất nằm
trên đường 70, sát phía Đông, phía Tây nghĩa trang Văn Điển cần hạn chế
phát triển nhà ở. Các khu đất ở nên đề xuất chuyển chức năng sang đất
công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe để đảm bảo vệ sinh môi trường. Các khu
công nghiệp nằm trên địa bàn huyện Thanh Trì cần thực hiện theo quy
hoạch chung, giữ lại hoặc chuyển đổi sang đất công cộng. Theo đó, Khu
công nghiệp Ngọc Hồi (mở rộng) cần giữ nguyên chức năng là đất công
nghiệp, không chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất công cộng và hỗn hợp
như đề xuất. Đối với các khu công nghiệp nhỏ lẻ phía nam Khu công nghiệp
Ngọc Hồi cần đề xuất chuyển sang đất công cộng, cơ quan (theo phương án
đề xuất giữ nguyên là công nghiệp).
Đối với địa bàn huyện Thường
Tín, các khu đất công nghiệp hiện có phía Đông QL1A theo quy hoạch
chung nằm trong khu vực nêm xanh. Hội đồng thẩm định thống nhất cần
nghiên cứu định hướng chuyển đổi cho phù hợp. Hội đồng thẩm định cũng
lưu ý, theo kết quả rà soát đợt 1 các đồ án dự án đầu tư trên địa bàn
thành phố Hà Nội, cụm công nghiệp làng nghề Duyên Thái được xếp loại 1-
chấp nhận tồn tại, khuyến khích chuyển đổi phù hợp định hướng quy hoạch
chung. Hiện đã có một doanh nghiệp nằm trong cụm đề nghị di dời cơ sở
sản xuất và xin chuyển đổi sang đất thương mại, dịch vụ, nhà ở.
Cũng
trên địa bàn huyện Thường Tín, Hội đồng thẩm định đề xuất cần nghiên
cứu các tuyến giao thông mới trên cơ sở phù hợp với hiện trạng, hạn chế
giải phóng mặt bằng. Tuyến đường khu vực dự kiến cắt qua hai làng Khánh
Vân và Nhị Khê có diện tích GPMB lớn, khó khả thi. Vì vậy nên nghiên cứu
dịch chuyển lên phía Bắc kết hợp mở rộng tuyến đường liên xã hiện có.
(Theo KTĐT)