|
Phối cảnh khu deport Nhổn. |
Dù đã được khởi công tới hai lần (2008 và
2010), nhưng tới nay khu deport dự án tuyến đường sắt thí điểm Hà Nội
(đoạn Nhổn – ga Hà Nội) vẫn còn nhiều cái “vướng”, nhất là việc giải
phóng mặt bằng.
Thất nghiệp vì nghiệm thu rồi bỏ đó
Để
chuẩn bị đất cho dự án, năm 2007, gia đình ông Nguyễn Hữu Trúc (thôn Hạ
- xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm, Hà Nội) có hơn 1.200m2 đất bị nghiệm thu,
nhưng tới nay vẫn chưa được thu hồi.
Ông Trúc cho biết, toàn bộ
diện tích đất hoa của nhà ông đều nằm trong diện quy hoạch của dự án,
tuy đã được nghiệm thu nhưng đến nay ông vẫn chưa nhận được một đồng nào
từ việc bồi thường giải phóng mặt bằng.
Do đó, toàn bộ khu đất này thuộc diện trả nhà tái định cư, trong khi nhà tái định cư thì “bây giờ chưa trả được”.
“Hiện
tại khu đất đó nhà tôi không trồng cấy gì được, để cho cỏ dại mọc. Dù
chưa được đền bù, nhưng đơn vị thi công đổ đất cát bao hết xung quanh,
chắn hết các đường nước, làm cả lô đất bị ngập úng. Ngoài ra, nước thải
của công trường cứ liên tục xả xuống ruộng, tôi phải bỏ, không ở nữa,
cũng đừng nói tới chuyện trồng cây”, ông Trúc than thở.
Khu đất
này là toàn bộ nguồn sống của gia đình ông, với 7 khẩu ăn của gia đình
đều phụ thuộc vào doanh thu từ trồng hoa trên lô đất đấy, nhưng 5 năm
qua gia đình ông Trúc đã không còn trồng hái gì được, nguồn thu của gia
đình cũng bay theo.
“Chẳng biết đến lúc nào họ mới thu hồi, đền bù xong để gia đình tôi có vốn mà chuyển nghề”, ông Trúc nói như mếu.
Xã gây thiệt hại cho dân?
Sau
khi nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng của hơn 1.000m2 đất để
phục vụ dự án đường sắt đô thị, ngày 29/11/2010, gia đình ông Nguyễn
Khắc Lượng (đội 12, thôn Hạ, xã Tây Tựu) đã làm đơn để xin thêm quyền
tái định cư đối với hộ gia đình bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông
nghiệp, theo quy định tại Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của
Chính phủ.
|
Khu deport Nhổn vẫn bị chậm tiến độ do chủ đầu tư chưa bàn giao hết mặt bằng cho đơn vị thi công. |
Tuy nhiên, sau năm lần bảy lượt trình đơn lên
UBND huyện Từ Liêm, ông Lượng vẫn chỉ nhận được câu trả lời là: “Đợi cơ
quan có thẩm quyền trả lời” hoặc “thời gian tố tụng khiếu nại đã hết”…
“Là
nông dân, ít hiểu biết về các quy định pháp luật, tôi chỉ mong các cơ
quan có thẩm quyền cho biết quyền lợi của gia đình mình được đến đâu,
việc mình kêu đòi là đúng hay sai? Nhưng cái cách hẹn rồi để đấy như thế
thì gây phiền hà cho dân quá!”, anh Nguyễn Khắc Kiên (con trai ông
Lượng, người trực tiếp làm đơn khiếu nại) bức xúc.
Không chỉ vậy,
một số hộ dân bị thu hồi đất cho dự án này cũng tỏ ra rất bức xúc, khi
diện tích đất chưa có sổ đỏ, lãnh đạo xã cho là đất “vượt hạn mức” so
với Nghị định 64/CP và quy vào “đất công ích”, chỉ được bồi thường 35
nghìn đồng/m2.
Trong văn bản số 119/2007-UB ngày 5/12/2007 do ông
Lê Văn Việt, Phó Chủ tịch xã Tây Tựu ký, về trả lời kiến nghị của các
hộ dân tại dự án này có khẳng định: “Về nguyên tắc chung, đền bù đất
nông nghiệp theo diện tích ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
nông nghiệp hoặc diện tích đất được giao trong phương án giao đất nông
nghiệp theo Nghị định 64/CP; Phần diện tích đất nông nghiệp dư ra của hộ
dân thuộc quỹ đất công ích, nên phương án bồi thường là 35 nghìn
đồng/m2”.
Tuy nhiên theo quyết định số 2673/QD-UB của UBND huyện
Từ Liêm (21/9/2005) lại không hề có quy định đất vượt hạn mức quy thành
đất công ích như ông Việt trả lời dân.
“Khi thực hiện giao đất
theo Nghị định 64, lãnh đạo xã chỉ thông báo định mức đến từng hộ, chứ
không chỉ rõ phần nào là đất công ích. Gia đình tôi có 1.159m2 nằm trong
diện giải phóng mặt bằng, thì xã nói tính mất 259m2 là đất vượt hạn mức
và bị xung vào đất công ích”, anh Chu Hữu Đặng (thôn Hạ, xã Tây Tựu)
cho biết thêm.
Còn anh Chu Hữu Hùng (thôn Hạ, xã Tây Tựu) cho
rằng: “Toàn bộ diện tích canh tác của chúng tôi được xã giao đã sử dụng
ổn định từ khi thực hiện Khoán 10 và từ đó tới nay, chúng tôi đóng góp
đầy đủ mọi nghĩa vụ về đất với Nhà nước. Không hiểu đất công ích mà xã
bảo nằm ở góc nào trên mảnh ruộng của chúng tôi”.
Qua tìm hiểu
chúng tôi được biết, không chỉ hộ gia đình anh Hùng mà ở xã Tây Tựu còn
nhiều hộ khác cũng bị quy thành đất công ích. Và họ chịu chấp nhận với
giá bồi thường vì không biết làm gì hơn.
Các dự án Metro thường... chậm tiến độ!
Đó
là khẳng định của bà Marie-Cécile Tardieu-Smith, Tham tán kinh tế,
Trưởng đại diện Cơ quan Kinh tế Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam (đơn vị
tài trợ vốn cho dự án), về dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành
phố Hà Nội (đoạn từ Nhổn đến ga Hà Nội - tuyến số 3).
|
Bà Marie-Cécile Tardieu-Smith, Tham tán kinh tế, Trưởng đại diện Cơ quan Kinh tế Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam. |
"Hiện nay, chúng tôi đang khảo sát địa chất công
trình, để chuẩn bị thiết kế kỹ thuật cho các ga ngầm và các đường hầm
thuộc phần ngầm của tuyến.
Trong quá trình thực hiện khảo sát và
thi công, các đơn vị sẽ sử dụng công nghệ hiện đại. Đồng thời, việc thi
công dự án sẽ được giám sát từng ngày một đảm bảo an toàn đúng kĩ thuật
và thiết kế.
Chúng tôi đã xác định phần thi công hầm ngầm sẽ sử
dụng máy khoan TBM, loại máy này sẽ tiến hành đồng thời việc đào hầm và
xây dựng tường hầm", bà Maria cho biết.
"Dự án đúng là có sự chậm
tiến độ do chưa có tổng thể mới. Đây là tuyến Metro thí điểm nên việc
triển khai chắc chắn không thể tránh khỏi chậm trễ.
Dự án chậm
tiến độ đã ảnh hưởng đến chi phí do biến động giá cả. Hiện nay, các đơn
vị có iên quan đang đánh giá, nghiên cứu về các chi phí đội giá, và làm
việc với UBND TP.Hà Nội về vấn đề này.
Về tổng giá trị dự án,
hiện chưa tính được chính xác các chi phí xây dựng tuyến đường sắt đô
thị số 3, do chưa có quyết định cuối cùng về công nghệ hoặc những chi
phí liên quan, chẳng hạn như đường lên xuống tại các ga ngầm và trên cao
có lắp thang máy cuốn hay không.
Chi phí cụ thể toàn dự án chỉ biết sau khi tổng gọi thầu vào tháng 9/2011. Phía Chính phủ Pháp không lo lắng về việc này.
Về
việc giải phóng mặt bằng phần ngầm chậm, bà Maria nói: "Phía tư vấn
Systra đã nghiên cứu kỹ lưỡng để thực hiện đoạn đi ngầm dưới đất, tránh
giải phóng mặt bằng.
|
Phối cảnh thiết kế nhà ga số 5 - đường Lê Đức Thọ, thuộc tuyến đường sắt đô thị số 3 (đoạn Nhổn - ga Hà Nội). |
Ngoài ra, để giảm chi phí, các đơn vị cũng đang
nghiên cứu trong việc cắt giảm các khoản mục đầu tư, các giải pháp kỹ
thuật không cần thiết, như các nhà ga ngầm có thể chỉ dùng cầu thang bộ
thay vì dùng thang máy".
Về công tác chống ngập và nguồn điện dự
phòng được bà Maria trả lời: Hệ thống Metro được xây dựng đảm bảo điều
kiện hoạt động khi có diễn biến thời tiết bất thường.
Hệ thống
ngầm sẽ có phần giếng và đường ống. Khi có mưa, nước sẽ được dồn về các
giếng, và từ đây nước sẽ được bơm vào hệ thống ống để đổ ra sông, hồ.
Bên cạnh đó, nhà ga ngầm sẽ được xây phần thềm cửa cao lên một chút so với mặt bằng chung để nước không thể tràn vào.
Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà
Nội (tuyến sô 3) có tổng chiều dài toàn tuyến 12,5km, trong đó 8,5km đi
trên cao (từ Nhổn đến Thủ Lệ) và 4km phần ngầm (từ Thủ Lệ đến Ga Hà
Nội), với 1 đề pô, 8 ga trên cao, 1 dốc chuyển tiếp và 4 ga ngầm.
Theo
tiến độ tổng thể mới, tháng 11/2011 sẽ khởi công xây dựng các công
trình kiến trúc của deport. Cuối tháng 2/2012, triển khai thi công phần
trên cao.
Tháng 11/2012, triển khai thi công phần ngầm. Sau đó,
các công tác xây dựng và hoàn thiện đúng theo tiến độ dự án sẽ tiếp tục
được thực hiện, đưa tuyến số 3 đi vào hoạt động vào cuối năm 2016 theo
đúng kế hoạch
Trong khi đó, khi trả lời chúng tôi, một đại điện
Công ty Vinaconex 2 (nhà thâu thi công khu deport tuyến đường sắt thí
điểm Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội) cho biết, hiện nay việc thi công bị
chậm trễ, vướng mắc chủ yếu là do chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao hết mặt
bằng cho đơn vị thi công. Đơn vị thi công phải thực hiện theo phương án
có mặt bằng tới đâu, thi công tới đấy. |
Đỗ Hòa - Trần Quân - Lê Việt