Đô thị hoá đang “giết” không gian công cộng Đô thị hoá đang “giết” không gian công cộng
27/10/2011
Việt Nam hiện có 750 đô thị, nhưng diện tích không gian công cộng
tại các đô thị rất thấp. Theo thống kê, Hà Nội chỉ còn 0,3% tổng diện
tích đất dành cho các công viên trong thành phố. Một số đô thị, không
gian công cộng chỉ tồn tại trên… bản vẽ!
Không gian công cộng chưa đủ 1m2/người
Theo Thạc sỹ Nguyễn Thị Hạnh, Phó Cục trưởng Cục phát triển đô thị, có
một thực trạng không mấy vui vẻ là diện tích không gian công cộng tại
các đô thị rất thấp. Theo thống kê, Hà Nội chỉ còn 0,3% tổng diện tích
đất dành cho các công viên trong thành phố, bình quân chưa đạt
1m2/người, chưa bằng một nửa của Bangkok (Thái Lan).
Trong khi đó, các công viên lớn của Hà Nội không phân bố đều trên lãnh
thổ thành phố, trong số 4 công viên lớn thì 3 công viên thuộc khu vực
trung tâm thành phố. Hà Nội mở rộng cũng chỉ có khoảng 60 công viên.
Thành phố Ban Mê Thuột có 9 khu không gian công cộng cấp đô thị thì
trong đó có 6 công viên.
Tình trạng hiếm không gian công cộng cũng diễn ra tại Đà Nẵng. Thống kê
cho thấy Đà Nẵng, đô thị loại I hiện có 11 công viên với mức tăng hàng
năm của đất vườn hoa công viên khoảng 2,3ha/năm. Đây là mức không đáng
kể theo đánh giá của chính chính quyền thành phố. Trong khi, theo bà
Hạnh thì các đô thị trên thế giới có không gian công cộng được xác định
với chỉ tiêu 40m2/người.
Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục tiếng là không gian công cộng nhưng đang được nhiều người biết đến như một đảo giao thông
|
Không phải việc phát triển đô thị với tốc độ chóng mặt chỉ có ở Việt
Nam, nhưng trong công tác quy hoạch phát triển đô thị, đối với khu vực
đô thị hiện hữu, giải pháp khôi phục các không gian công cộng bị sử dụng
không đúng chức năng chưa được quan tâm đúng mức. các khu vực di dời
ngoài nội đô chưa được xác định để trở thành các không gian gắn với các
hoạt động công cộng mà được sử dụng xây dựng các công trình cao tầng
nhiều chức năng. Điều này đã gây quá tải nhiều mặt cho đô thị.
Đối với khu vực phát triển mới đô thị, một thực trạng dễ nhận thấy hiện
nay là do xu thế của kinh tế thị trường quy hoạch các khu đô thị mới
thường có mật độ xây dựng cao, ưu tiên nhà ở và thương mại dịch vụ, cắt
giảm diện tích làm vườn hoa, công viên, sân bãi thể dục thể thao. Cũng
có một số quy hoạch khu đô thị đã có ý thức chú ý thiết kế các không
gian vui chơi, quảng trường, công viên cho khu ở đó, tuy nhiên trên thực
tế, nhiều không gian đó chỉ tồn tại ở bản vẽ quy hoạch, việc đầu tư xây
dựng thường được thực hiện theo quy hoạch điều chỉnh.
Một số nước trong đó có Nhật Bản, trong các toà nhà cao chọc trời, khi
được xây dựng đều quan tâm tổ chức không gian công cộng với các hoạt
động phong phú trong chiều cao của toà nhà. Trong khi đó tại Việt Nam,
các không gian công cộng hiện nay chỉ được mới chỉ mở rộng theo chiều
ngang và chiều cao, chiều sâu của đô thị hiện đại lại chưa được quan tâm
tính toán nhiều.
Không gian công cộng hay đảo giao thông?
Hiện nay, không gian công cộng trong cấu trúc đô thị là vấn đề còn nhiều
tranh luận, đặc biệt là tại các đô thị lớn, các đô thị mà chức năng của
chúng là trung tâm tổng hợp: hành chính, chính trị, kinh tế, văn hoá,
khoa học mà Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh là hai đại diện tiêu biểu.
Theo đó, ngoại trừ các công viên lớn thuộc thành phố như công viên Tao
Đàn (TP. Hồ Chí Minh), công viên Thống Nhất, Bách Thảo, không gian gắn
với tượng Lê Ninh- Lý Thái Tổ (Hà Nội)… các không gian công cộng tại hầu
hết các đô thị đang đóng vai trò là giao lộ giao thông trong cấu trúc
đô thị hơn là quảng trường có chức năng chuyên ngành như chính trị, tôn
giáo, vui chơi, giải trí và văn hoá lịch sử… Điển hình cho các giao lộ
giao thông này phải kể đến là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Cách
mạng Tháng Tám ở Hà Nội. Hầu hết người dân chỉ biết đến hai quảng trường
này như là một đảo giao thông hơn là một quảng trường đúng nghĩa.
Việc bị méo mó tính năng của các không gian công cộng có lẽ bắt nguồn từ
việc các không gian công cộng tại các thành phố như Hà Nội, TP. Hồ Chí
Minh, Đà Nẵng, Huế, Hội An… đều có hàng rào bao bọc, có vé vào cửa.
Chính việc áp đặt kiểu quản lý thu tiền này mà người dân không mặn mà
với các không gian công cộng dù ai cũng cần được hít thở không khí trong
lành, có không gian tách biệt với các phương tiện cơ giới.
Quảng trường Cách mạng Tháng Tám cũng chịu chung số phận.
Để khắc phục điều này, một khái niệm không hề mới đã xuất hiện, đó là xu hướng xã hội hoá các không gian công cộng.
Tại Mỹ và Anh, từ nửa sau thế kỷ 20 nhiều không gian công cộng đã được
giao cho các chủ đầu tư tư nhân khai thác quản lý. Hầu hết các không
gian công cộng tại những trung tâm thương mại- tài chính đều do các
doanh nghiệp tư nhân tạo lập đã đem lại hiệu quả lớn như quản lý tốt
hơn, chất lượng, quy mô và tính thẩm mỹ được nâng cao, giảm nhẹ gánh
nặng ngân sách cho chính quyền đô thị.
ThinhVuongcorp - Theo Vnmedia
|