Nghị quyết nêu mục tiêu tổng quát năm 2016 là đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn năm trước, đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Tốc độ tăng GDP năm 2016 cần đạt 6,7%, xuất khẩu tăng 10%, nhập siêu dưới 5% kim ngạch xuất khẩu, lạm phát dưới 5%, vốn đầu tư toàn xã hội bằng 31% GDP.
Nếu đạt mục tiêu này, 2016 sẽ là năm kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao nhất kể từ 2008, hướng tới thực hiện kế hoạch 2016-2020 với chỉ tiêu GDP được Chính phủ dự kiến tăng 6,5-7%. Các chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu, nhập siêu và lạm phát vẫn được duy trì như các năm gần đây.
|
Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016 được quốc hội thông qua với hơn 90% tán thành. Ảnh: Giang Huy |
Thừa ủy quyền đọc dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016, Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế - Nguyễn Văn Phúc cho hay Chính phủ phải điều hành linh hoạt các chính sách để đạt và vượt chỉ tiêu, xử lý nợ xấu, kiểm soát nợ công, tăng cường kiểm tra giám sát các khoản vay, đặc biệt là các khoản vay mới; tiếp tục cơ cấu và dự toán các khoản chi, đảm bảo chi đầu tư nhanh hơn; tập trung thu hút dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sử dụng công nghệ cao...
Trong quan hệ thương mại, nhà điều hành cần giải quyết nạn nhập siêu với các thị trường có mức thâm hụt lớn. Việt Nam cũng phấn đấu nâng chỉ số môi trường kinh doanh lên tốp đầu khu vực ASEAN; đẩy nhanh tái cơ cấu, sắp xếp, tiếp tục bán vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước, sử dụng một phần vốn thu được cho đầu tư phát triển.
Chính phủ cũng được yêu cầu trình kế hoạch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020, trong đó rà soát ban hành chính sách đủ mạnh để tái cơ cấu nông nghiệp, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng thương mại... Trước đó, Quốc hội cũng thông qua các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của năm 2015 với 13 trong 14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, như GDP ước tăng 6,5%, lạm phát 1,5-2,5%.
Một số đại biểu đề xuất Quốc hội thành lập Ủy ban giám sát đặc biệt quá trình tái cơ cấu ngân hàng, trong đó có vệc mua lại nhà băng giá 0 đồng. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết ý kiến này đã được tiếp thu và Quốc hội sẽ bổ sung vào Nghị quyết việc tăng cường giám sát sát, quản lý vốn tại các ngân hàng yếu kém, đảm bảo an toàn hệ thống.
Về ý kiến đề nghị giảm biên chế trong các cơ quan Nhà nước để giảm chi thường xuyên, nâng cao năng lực quản lý bộ máy, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu cho hay hiện Chính phủ đã đề cập vấn đề này, song cần nghiên cứu chính sách cho các cơ quan được giữ lại một phần thu nhập để nâng lương công chức, góp phần tăng năng suất lao động.
Liên quan đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020, Quốc hội cho biết Nghị quyết sẽ được Chính phủ trình và thông qua tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII.
Phương Linh - Chí Hiếu