Đó là nhận định của nhiều chuyên gia tại Hội nghị bất động sản 2015 chủ đề “Cơ hội đầu tư nửa thập niên tới” do Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư tổ chức vào hôm qua tại TP.HCM. TS Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng có 3 yếu tố đang hỗ trợ thị trường bất động sản.
Thị trường bất động sản đang có dấu hiệu hồi sinh - Ảnh: D.Đ.M |
Thứ nhất, kinh tế phục hồi rõ nét. Thứ hai là kết cấu hạ tầng, đặc biệt tại Hà Nội và TP.HCM đang ngày càng hoàn thiện. Điển hình là dự án metro tại TP.HCM, dù tiến độ có thể chậm lại 1- 2 năm nhưng giá bất động sản liên quan đã tăng 10 - 20%. Thứ ba là việc nới rộng luật cho người nước ngoài sở hữu nhà tại VN.
Chuyên gia tư vấn đầu tư, ông Nguyễn Nam Sơn, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Vietnam Capital Partners, cũng nhận định: “Luật Sở hữu nhà ở dành cho người nước ngoài đã có tác động tích cực vào thị trường bất động sản phân khúc trung và cao cấp. Với thị trường trong nước, xu hướng đầu tư mua thêm căn nhà thứ 2, thứ 3 đang quay trở lại. Căn hộ nghỉ dưỡng ven biển là lĩnh vực tăng trưởng mới cho bất động sản VN”. Ông Sơn cũng đưa ra 2 mốc thời gian: Năm 2015, những người khá giả sẽ tìm mua bất động sản và cho thuê lại. Năm 2020, giới nhà giàu và người nước ngoài sẽ mua bất động sản nghỉ dưỡng. Ông Marc Townsend, Tổng giám đốc CBRE VN, cũng đánh giá việc nhiều thay đổi về luật trong lĩnh vực bất động sản có hiệu lực vào tháng 7 tới sẽ tác động tích cực lên “sức khỏe” thị trường bất động sản VN. Cụ thể luật hiện hành quy định công ty có vốn đầu tư nước ngoài không được cho thuê lại tài sản không thuộc quyền sở hữu, hoặc công ty ngoại chỉ có thể sở hữu tòa nhà khi chính họ là nhà đầu tư. Nhưng đến tháng 7.2015, luật mới sẽ cho phép nhà đầu tư nước ngoài được phép cho thuê lại tài sản họ đang thuê, hoặc mua lại tòa nhà đã xây dựng để sử dụng.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế và bất động sản cũng cảnh báo từ dấu hiệu “nóng lên” của thị trường này. Cụ thể, trong 8.000 giao dịch thành công của quý 1/2015, theo các chuyên gia, có 30 - 40% mang tính đầu cơ. "Chính phủ hiện đang đứng trước lựa chọn quan trọng: một mặt muốn phục hồi thị trường bất động sản, mang làn gió mới cho nền kinh tế, nhưng mặt khác lại lo ngại nếu để phát triển quá nóng, sẽ trở tay không kịp”, ông Thành nhận định.