Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng vừa có yêu cầu Cục Điều tiết điện lực phối hợp với Tổng cục Năng lượng - hai cơ quan trực thuộc bộ này nghiên cứu phương án điều chỉnh giá điện để xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Nguồn tin của PV Thanh Niên cũng cho biết Tập đoàn điện lực VN (EVN) đã có dự kiến điều chỉnh giá bán điện bình quân trong năm 2014 (vào tháng 12.2014) lên 1.652,19 đồng/kWh, tăng 9,5% so với giá bán điện bình quân hiện hành (1.508,85 đồng/kWh). Nếu được thông qua, mức tăng này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh và đời sống.
Yêu cầu của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng về việc lập phương án điều chỉnh giá là một bất ngờ, vì trước đó, trả lời Báo Thanh Niên trong thời gian họp tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 13, ông cho biết giá điện năm nay không tăng do việc phát điện của các nhà máy điện có lợi thế nhờ cả năm nước về các hồ chứa thủy điện nhiều, giảm được việc huy động sản lượng điện chạy dầu...
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư năng lượng VN cho rằng việc điều chỉnh giá điện lần này là do một số chi phí đầu vào của giá điện đã biến động. Cụ thể, mấy tháng gần đây, lượng nước về các hồ chứa thủy điện đã ít hơn, nhiều nhà máy phải chạy dầu, hơn nữa, các nhà máy nhiệt điện sử dụng than có chi phí ngày càng lớn do giá nhập khẩu than ngày càng cao và khó khăn hơn. Sắp tới, còn phải nhập rất nhiều than cho các nhà máy từ Bình Thuận trở vào... “Chúng tôi cũng đã đề xuất tăng giá điện nhưng mức tăng cũng không cao như EVN đề nghị. Việc điều chỉnh giá là cần thiết vì nếu không, ngành điện không thể cân đối vốn để đầu tư mỗi năm gần 200.000 tỉ đồng, tương ứng hơn 9 tỉ USD cho các nguồn phát, lưới truyền tải, phân phối, hơn nữa, cũng phải có nguồn thu để trả nợ vay”, ông Ngãi nói.
Ở góc độ khác, ông Trần Đình Long, Phó chủ tịch Hiệp hội Điện lực VN cho rằng việc EVN đề xuất tăng giá điện vào thời điểm này là đã có những tính toán để cân đối tài chính. Giá điện sau mấy năm liền tăng giá đang tiệm cận giá điện trung bình của các nước trong khu vực và khả năng điều chỉnh giá cao, nhiều lần như các năm trước đây không còn nữa. Theo ông Long, giá điện có thể còn phải điều chỉnh nhưng vào thời điểm cận Tết Nguyên đán, nếu xét tới lợi ích, tâm lý của người tiêu dùng, của các DN thì các cơ quan quản lý nên có tính toán, cân nhắc cho chính xác.
“Tuy nhiên, nếu tăng giá điện để cân bằng thu chi, cũng đã đến lúc phải tính đến các giải pháp đồng bộ hơn như đẩy mạnh cổ phần hóa, chứ chỉ tăng giá điện thì cũng đến lúc có giới hạn. Chúng ta cũng không thể để giá điện cao hơn giá điện trung bình của các nước trong khu vực được”, ông Long nói.
Khâu phản biện yếu Một chuyên gia kinh tế tỏ ra ngạc nhiên về việc đề xuất điều chỉnh giá điện vào thời điểm này. Ông nói: “Tôi biết là việc điều chỉnh này nhằm vào thời điểm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thấp nhưng quan niệm như vậy là nguy hiểm vì chúng ta phải biết chính vì sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) khó khăn, sức mua kiệt quệ nên chỉ số CPI mới thấp như vậy. Nếu điều chỉnh giá điện với mức dự kiến cao như vậy sẽ càng làm tình hình sản xuất, kinh doanh của DN và đời sống của người dân khó khăn hơn”. Chuyên gia này cũng cho rằng khâu phản biện chính sách cho đề xuất điều chỉnh giá lần này là yếu vì năm nay, các yếu tố đầu vào của giá điện khá ổn định: thủy điện có nguồn nước về nhiều, hơn nữa, cơ cấu phát điện của VN chủ yếu là thủy điện (40%), chi phí thấp hơn các nước; giá dầu giảm mạnh, tỷ giá thì ổn định... Nên giá điện không giảm mà giữ nguyên đã là một vấn đề. Nay lại điều chỉnh tăng là không hợp lý. |