Đó là một trong những bày tỏ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại buổi tiếp xúc cử tri Q.1, Q.3 (TP.HCM) vào ngày 3.12.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm hỏi cử tri Q.1 (TP.HCM) - Ảnh: Diệp Đức Minh
|
Trong số hơn 30 ý kiến phát biểu của cử tri, có rất nhiều ý kiến tiếp tục xoáy sâu vào vấn đề kê khai tài sản, tham nhũng nhà công vụ, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, cải cách giáo dục và lĩnh vực y tế, đầu tư công... còn tồn tại nhiều bất cập.
Phản ánh qua báo chí
Cử tri rất hoan nghênh khi T.Ư mạnh dạn công khai “những vụ việc tiêu cực nổi trội”. Cử tri Trần Quân Ngọc đặt câu hỏi: “Việc kỷ luật Đảng sẽ tiếp tục như thế nào đối với các cá nhân sai phạm?”. Đặt vấn đề phải chăng T.Ư còn lấn cấn trong việc kê khai tài sản đối với cán bộ, cử tri Nguyễn Vạn Phú đề nghị: “Việc kê khai phải công bố cho toàn dân biết và giám sát. Phải quy hành vi chiếm nhà công vụ là tội tham nhũng và cần phải xử lý nghiêm. Phải công khai danh sách cán bộ ở nhà công vụ, nếu lúc về hưu mà không chịu trả thì dân sẽ biết”.
| | Tại buổi tiếp xúc, cử tri phản ánh thêm một tồn tại gây ra nhiều bức xúc, là có đến 90% án dân sự “tòa muốn xử thế nào cũng được”. Về vấn đề này, Chủ tịch nước cho rằng: “Nói 90% án mà tòa muốn xử thế nào cũng được, chắc là không đến mức đó đâu, nhưng chắc chắn một số vụ việc cụ thể thì có vấn đề. Nếu cơ quan tiến hành tố tụng sai thì phải xử lý thôi. Ông công an sai cũng sẽ bị khởi tố. Ông thẩm phán sai cũng sẽ phải ra trước vành móng ngựa”. | |
|
Chia sẻ với những bức xúc, kiến nghị chính đáng của cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: “Kê khai tài sản cán bộ thì T.Ư đã có chủ trương cụ thể. Hằng năm chúng tôi đều có kê khai bổ sung. Chủ trương hiện nay là công khai ở nơi công tác chứ chưa phổ biến rộng rãi. Tôi biết quý cô bác anh chị không bằng lòng. Nguyện vọng về công khai hóa tài sản là rất tốt vì chống được tiêu cực, bảo vệ thanh danh chế độ. Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh, đôn đốc giải quyết những mặt còn hạn chế”.
Giải trình với cử tri về vấn đề nhà công vụ, Chủ tịch nước cho rằng các cơ quan quản lý “đáng trách vì quản lý quá lỏng lẻo”. “Mình trách đồng chí nghỉ hưu đó không tự giác trả cũng có cơ sở, nhưng người đáng trách hơn là các cơ quan công quyền”, Chủ tịch nước bày tỏ và nói thêm: “Mong bà con cử tri tiếp tục theo dõi, phát hiện, cảnh báo. Những lúc như thế này thì cứ nói thẳng với chúng tôi, nếu không gặp thì gọi điện, gửi thư phản ánh hoặc liên hệ với các cơ quan chức năng, báo chí”.
“Vấn đề là ở khâu hành xử của người đặt bút ký”
Trước băn khoăn của cử tri về chủ trương cho người nước ngoài mua nhà ở VN, Chủ tịch nước khẳng định việc bán sẽ được thực hiện theo vùng, theo quy hoạch, theo đối tượng mà luật quy định. T.Ư sẽ có những văn bản hướng dẫn cụ thể chủ trương mới này của Quốc hội. Theo Chủ tịch nước, nhiều quốc gia trên thế giới đã làm (cho người nước ngoài mua nhà ở - PV), tạo đòn bẩy thúc đẩy kinh tế phát triển. Có những quốc gia mà bất động sản đóng góp đến 30% GDP của cả nền kinh tế. Tuy nhiên, ông cũng đặt vấn đề: “Nhưng nếu mình làm không khéo thì sẽ sinh bong bóng, đổ vỡ, nhưng mình bóp lại như thế nào đó mà không đúng quy luật thì gây thiệt hại cho nền kinh tế”.
Chủ tịch nước nói thêm: “Nhiều nước cũng đã làm chuyện này rất là hiệu quả mà người ta cũng an ninh quốc phòng như mình, cũng rất trật tự quốc gia, và kinh tế người ta đi lên ngon lành, thì vì sao mình không mở”. Ông nhấn mạnh: “Cái quan tâm nhất là quy hoạch nhưng quy hoạch thì không khó đâu, khoanh vùng riêng ra để kiểm soát. Chuyện này không khó nhưng vấn đề là ở khâu hành xử của người đặt bút ký”.
Đình Phú