Cho rằng Sở Xây dựng TP HCM đã phát đi văn bản chưa chính xác về quyền sở hữu bãi để xe của khu phức hợp Saigon Pearl, Công ty Việt Nam Land SSG khẳng định có đủ cơ sở pháp lý sở hữu tầng hầm các tòa nhà và đề nghị Sở đính chính thông tin.
Sau khi Sở Xây dựng TP HCM có công văn hướng dẫn xử lý tranh chấp giữa Công ty Việt Nam Land SSG và cư dân khu phức hợp Saigon Pearl, xác định tầng hầm tòa nhà là sở hữu chung, chủ đầu tư Saigon Pearl không được toàn quyền sở hữu, còn khu thương mại doanh nghiệp phải nộp 2% quỹ bảo trì, Phó tổng giám đốc Công ty Việt Nam Land SSG, Lo Kwok Luen cho biết, Sở Xây dựng trích dẫn chưa đầy đủ các quy định về sở hữu tầng hầm, có thể gây hiểu nhầm dẫn đến tranh chấp tiềm ẩn về sau.
Một mặt, ông Lo Kwok Luen thừa nhận Sở Xây dựng TP HCM trích dẫn điểm b, khoản 3, điều 70 Luật Nhà ở năm 2005 quy định nơi để xe thuộc phần sở hữu chung nhà chung cư là đúng. Mặt khác, chủ đầu tư Saigon Pearl khẳng định Sở trích dẫn thiếu điểm c, khoản 2, điều 49 Nghị định 71 của Chính phủ. Theo đó, nơi để xe cần phân biệt rõ là nơi để xe gì. Cụ thể nơi để xe đạp, xe cho người tàn tật, động cơ hai bánh thuộc sở hữu chung. Đối với nơi đỗ ôtô phải xây dựng theo quy chuẩn và do chủ đầu tư quyết định thuộc sở hữu chung hoặc riêng.
Ngoài ra, tầng hầm được bố trí nhiều mục đích chứ không chỉ đơn thuần là bãi xe. Ông Lo Kwok Luen còn nhấn mạnh trong phụ lục hợp đồng mua bán căn hộ giữa Việt Nam Land SSG với cư dân cũng xác định tầng hầm thuộc sở hữu chủ đầu tư.
|
Chủ đầu tư Saigon Pearl tuyên bố tầng hầm thuộc sở hữu riêng của doanh nghiệp và yêu cầu Sở Xây dựng TP HCM đính chính văn bản xác định tầng hầm thuộc sở hữu chung. Ảnh: Vũ Lê |
Dù phản đối văn bản hướng dẫn của Sở về quyền sở hữu tầng hầm Saigon Pearl, nhưng Công ty Việt Nam Land SSG chấp nhận thực hiện nghĩa vụ nộp phí bảo trì. Ông Lo Kwok Luen cho hay hiện doanh nghiệp đang chuyển nhượng phần diện tích thương mại và tạm tính mức phí bảo trì phải đóng lần lượt cho 3 tòa tháp Topaz, Sapphire, Ruby là 654 triệu - 705 triệu - 1 tỷ đồng.
Trao đổi với VnExpress.net, đại diện Ban quản trị tòa tháp Ruby cho biết: "Chúng tôi không chấp nhận cách tính quỹ bảo trì của chủ đầu tư vì theo đúng quy định số tiền phải nộp là 5 tỷ đồng".
Vị này giải thích, 2% quỹ bảo trì được quy định phải căn cứ trên giá bán căn hộ cao nhất, ước tính 55 triệu đồng mỗi m2. Do đó, không thể căn cứ vào mức giá Công ty Việt Nam Land SSG chuyển nhượng cho đối tác sau này để tính mức phí bảo trì.
Đại diện Ban quản trị tòa tháp Ruby cho biết thêm, hợp đồng mua bán căn hộ cư dân đã ký với chủ đầu tư vào năm 2009 trong khi Nghị định 71 có hiệu lực từ năm 2010. Luật bất hồi tố nên không thể căn cứ vào các quy định sau này để phân định quyền sở hữu tầng hầm.
Dự kiến đầu tháng 10 Sở Xây dựng TP HCM và Công ty Việt Nam Land SSG có buổi làm việc để làm rõ các quy định pháp luật xác định quyền sở hữu tầng hầm khu phức hợp Saigon Pearl.
Vũ Lê