Đó là khuyến cáo của ông Bùi Ngọc Tuấn - phó tổng giám đốc dịch vụ tư vấn thuế, Deloitte VN - tại hội thảo Doanh nghiệp với xu hướng thanh tra thuế và kiểm tra hải quan ngày 20-8.
"Gánh nặng về luồng tiền" với DN
Tổng thu ngân sách năm 2014 dự kiến 782.700 tỉ đồng. Tính đến tháng 7-2014, tổng thu ngân sách ước tính 497.360 tỉ đồng, đạt 63,5% dự toán năm, trong đó xuất nhập khẩu đạt 140.000 tỉ đồng, thuế và các lĩnh vực khác đạt 399.550 tỉ đồng.
Nhìn những con số này có thể thấy ảnh hưởng quan trọng trong việc tăng thu thuế từ DN là việc cơ quan thuế siết chặt quy định, quy trình thu thuế của DN, đặc biệt ở khâu nhập khẩu.
Theo ông Bùi Ngọc Tuấn, dù thể hiện quyết tâm của Chính phủ là tăng thu ngân sách nhưng Luật hải quan, Luật thuế sửa đổi năm 2013 được ban hành cùng Thông tư 128/2013/TT-BTC quy định về thủ tục hải quan, tất cả các hàng hóa nhập khẩu phải nộp thuế ngay tại chỗ trước khi hàng hóa được thông quan năm ngoái là “gánh nặng về luồng tiền” đối với DN.
Cũng trong 7 tháng đầu năm 2014, chi ngân sách khoảng 586.000 tỉ đồng, nhưng bội chi ngân sách tăng khá lớn, khoảng 88.000 tỉ đồng, trong khi còn 5 tháng nữa mới hết năm. Điều này “đang gây áp lực rất lớn” cho cơ quan thuế và cơ quan hải quan - hai cơ quan chính thu ngân sách, ngoại trừ dầu thô xuất khẩu của VN.
Trông chờ vào thanh tra thuế và kiểm tra sau thông quan
Giai đoạn 2007-2013, chỉ tính riêng kiểm tra thuế nội địa, chưa tính đến thuế xuất nhập khẩu, kiểm tra sau thông quan, xu hướng các đơn vị được thanh tra, kiểm tra tăng rất cao, tỷ lệ tăng trung bình hàng năm 10%. Tính riêng năm 2013 đạt 12.200 đồng tỉ đồng, chưa tính các khoản tiền phạt, tiền chậm nộp… Ông Tuấn cho rằng “nếu thu đủ, con số còn lớn hơn rất nhiều”. |
Trong bối cảnh ngân sách vẫn bội chi, Thủ tướng Chính phủ trong văn bản số 25CT-TTg ngày 13-8-2014, đã chỉ thị ngành tài chính, cơ quan thuế, cơ quan hải quan phấn đấu thu vượt kế hoạch ngân sách năm 2014 khoảng 8-10%.
Tuy nhiên, trong 7 tháng đầu năm, tình hình sản xuất kinh doanh của DN chưa nhiều khởi sắc, việc tăng thu vượt kế hoạch ngân sách 8-10%, ước từ 63.000 - 78.000 tỉ đồng là “con số không hề nhỏ”. Vấn đề đặt ra, cái gì sẽ bù đắp phần tăng thu ngân sách.
Theo đó, để thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường của DN là rất khó, bởi tất cả đều nằm trong dự toán từ đầu năm các khoản thu của cơ quan thuế và hải quan. Nếu DN tăng trưởng tốt, lấy DN nọ bù DN kia, cũng chỉ tăng được vài phần trăm trên tổng thu ngân sách, khoảng 200.000 tỉ đồng.
Vì thế, để bù đắp được mức tăng 8-10% ngân sách, theo ông Tuấn “cơ quan thuế và cơ quan hải quan chỉ còn trông chờ vào thanh tra thuế và kiểm tra sau thông quan”.
Thời gian từ nay đến hết năm, ông Tuấn lưu ý, các DN, đặc biệt là những DN một vài năm gần đây chưa thanh tra thuế hoặc kiểm tra sau thông quan, cần rà soát, hoàn thiện sổ sách, chứng từ, trong trường hợp cơ quan thuế đến thanh tra.
VÂN NGUYỄN