Ngân hàng 'đua' giữ chân khách gửi tiền Ngân hàng 'đua' giữ chân khách gửi tiền
Nhiều nhà băng đang ra sức tung ra những
"chiêu" để níu chân khách gửi tiền, trong bối cảnh huy động vốn khó
khăn. Khách hàng giờ đây thậm chí gửi tiền một ngày cũng được hưởng lãi
suất trần.
Gói "Tiết kiệm VND kỳ hạn 1 ngày" của Ngân hàng thương mại cổ phần An
Bình tung ra gần đây được cho là một trong những cách để "câu" khách gửi
tiền. Vẫn làm đúng luật quy định, nhà băng này áp dụng lãi suất cao
nhất vẫn chỉ 14% một năm, nhưng với các khoản từ 50 triệu đồng đến dưới 5
tỷ đồng gửi trong một ngày, khách sẽ được hưởng lãi suất từ 8 đến 12%
một năm.
Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Tây hôm 12/9 cũng bắt đầu đưa vào
thực hiện chương trình gửi tiết kiệm "Tiền gửi linh hoạt ngày". Kỳ hạn
đối với loại hình tiết kiệm này là 1-6 ngày, lãi suất áp dụng là 14% một
năm. Theo nhân viên tư vấn, loại hình tiết kiệm này phù hợp với gần như
tất cả các đối tượng, từ nhiều vốn đến ít vốn. Nhưng lợi thế nhất của
hình thức này là số tiền "ngày càng đẻ ra nhiều hơn" vì hình thức tính
lãi dựa trên tài khoản lãi nhập gốc.
Ngân hàng cho phép khách gửi theo ngày với lãi suất kịch trần. Ảnh: Hoàng Hà
|
Chẳng hạn, với 100 triệu đồng tiền gửi và gửi trong kỳ hạn một ngày,
sang ngày thứ hai, khách sẽ được tính lãi dựa trên số tiền 100 triệu ban
đầu, cộng với số lãi phát sinh ngày hôm trước. Chỉ sau chưa đầy một
ngày công bố mức 14%, Ngân hàng Phương Tây đã hạ xuống kỳ hạn 1 ngày còn
13,9. Công thức tính lãi là: Số tiền gửi x 0,139 : 365.
Ngày đầu tiên, lãi cho 100 triệu đồng sẽ khoảng 38.000 đồng. Tuy nhiên,
đến ngày kế tiếp, số tiền lãi sẽ cao hơn bởi lãi suất sẽ được tính trên
gốc cũ cộng với phần lãi mới phát sinh. Nhờ việc tính lãi suất lãi nhập
gốc, lãi tính cả tháng của khoản tiền gửi theo ngày với 14% một năm cũng
rất hấp dẫn so với các mức lãi suất chui mà các ngân hàng áp dụng trước
đây. Bên cạnh đó, loại hình này lại còn linh hoạt về thời gian, có thể
rút ra bất cứ lúc nào mà vẫn được hưởng lãi suất cao. Thực tế, xu hướng
tăng lãi suất cho các kỳ hạn ngắn không phải mới manh nha xuất hiện, mà
đã được nhiều ngân hàng "để ý" từ cách đây vài tháng. Song những ngày
gần đây, nhiều ngân hàng mới liên tục áp dụng sau khi Ngân hàng Nhà nước
"trảm" một số đơn vị huy động vượt trần.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh lãi suất đầu vào quy về một mối như
hiện nay, yếu tố níu chân khách hàng chính là dịch vụ, chất lượng và sự
sát cánh của nhà băng đối với khách. Không nói thẳng, nhưng lãnh đạo một
ngân hàng thương mại cổ phần tại Hà Nội chia sẻ, để giữ chân khách
hàng, cả khách vay và khách gửi tiền, đều nhờ chiến lược "không bỏ khách
lúc khó khăn".
Ông cho biết, không phải bây giờ đơn vị này mới áp dụng lãi suất cho vay
17-19%. Trước khi có gợi ý của Thống đốc, nhà băng này cũng đã cho khá
nhiều người vay tiền với lãi suất tương đương hoặc thấp hơn mức này, nên
nhiều khách hàng nhớ tới. Ông cũng tự tin cho hay, dù không phải là
ngân hàng nằm trong "top" các điểm áp dụng lãi suất vượt trần cao, nhưng
nguồn thanh khoản chưa khi nào gặp trục trặc.
Còn theo nhận định của ông Phùng Duy Khương, Giám đốc khối Ngân hàng cá
nhân của Maritime Bank, đối với các nhà băng không quá khó khăn về thanh
khoản, việc siết trần lãi suất huy động gần như lại là cơ hội cho các
đơn vị này. Do đó, nâng cao chất lượng phục vụ chắc chắn là vấn đề lưu
tâm hàng đầu của các ngân hàng hiện nay.
Ông Phan Đào Vũ, Tổng giám đốc Bảo Việt Bank cho rằng, khi không đơn vị
nào còn huy động vượt trần, việc đưa lãi suất về một mức sẽ buộc nhà
băng phải tìm cách khác để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, những đơn vị
đầy đủ về thanh khoản sẽ không tìm mọi cách để thu hút tiền gửi từ khách
hàng.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước, bằng thông tư mới ban hành đã chính thức
đưa ra các nút gỡ để những đơn vị khó khăn thật sự về thanh khoản có thể
tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ từ thị trường liên ngân hàng. Ngoài ra,
trước cuộc họp hôm 7/9, Ngân hàng Trung ương cũng úp mở về gói hỗ trợ
15.000 tỷ đồng và số dư thừa dự trữ bắt buộc khoảng 37.000 tỷ đồng để
"cứu" những nhà băng có khó khăn về nguồn vốn.
ThinhVuongcorp - VnExpress
|