Những vấn đề này đã được đặt ra tại buổi làm việc giữa đoàn đại biểu quốc hội TP.HCM với NH Nhà nước TP.HCM và các tổ chức tín dụng trên địa bàn chiều 12-5.
Chỉ cần đạt 6-7 điểm là cho vay
TS Trần Du Lịch, phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, nói hiện tạm xếp làm ba nhóm DN: nhóm DN tốt được NH cạnh tranh cho vay, nhóm 2 là các DN vừa và nhỏ đang vướng nợ xấu nhưng vẫn còn khả năng hồi phục. Nhóm 3 là các DN không còn khả năng cứu vãn. Trong đó nhóm DN thứ 2 cần cứu nhất và phải gỡ cho nhóm này thì kinh tế mới phục hồi được, nhưng nghịch lý là hiện NH không dám cho nhóm DN này vay.
Thu nợ nhiều hơn cho vay Theo các NH, không phải tín dụng thời gian qua không tăng mà do số thu nợ khá cao. Bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, phó tổng giám đốc NH Đông Á, cho biết ba tháng đầu năm tín dụng NH mới chỉ tăng 1%, tương đương 700 tỉ đồng, nhưng nếu phân tích kỹ thì trong số này các khoản nợ cũ thu về bao gồm cả những khoản nợ xấu là 400 tỉ đồng, còn giải ngân mới gần 1.000 tỉ đồng. Tại NH OCB, tháng 4 dư nợ cũng tăng âm nhưng nguyên nhân là do thu nợ cũ lớn hơn số giải ngân mới. Cụ thể, số nợ thu về là 1.150 tỉ đồng, trong đó 900 tỉ đồng thu từ khoản nợ cơ cấu từ năm 2012-2013, trong khi số giải ngân mới là 832 tỉ đồng. |
Trả lời câu hỏi này, đại diện Agribank TP.HCM nói nhiều DN đã ở tình trạng “ngáp ngáp”, nếu NH không bơm vốn sẽ chết. Nhưng nếu NH bơm vốn thì không đảm bảo tất cả đều phục hồi mà có thể có DN sống, có DN chết. Hơn nữa, nhóm DN này không đủ chuẩn cho vay, nếu NH bơm vốn là sai về mặt cơ chế, rất rủi ro cho NH. “Dù rất muốn nhưng NH không dám cho những DN này vay vì trong điều kiện hiện nay phải hết sức thận trọng” - ông này nói.
Ông Phan Huy Khang, tổng giám đốc Sacombank, cho biết việc sàng lọc đối tượng DN thuộc nhóm 2 mà ông Lịch nêu ra rất khó. “Có nhiều DN NH phải cân nhắc dữ lắm mà không dám vì họ không đủ tài sản đảm bảo, dự án không hợp lý. Vừa rồi NH cũng giảm mạnh dư nợ với ngành thủy sản, lúa gạo tại ĐBSCL vì quá rủi ro” - ông Khang nói.
“Tại sao DN nhỏ và vừa tiếp cận vốn NH khó? Sáu tháng qua dư nợ nhóm DN này không tăng dù NH có chủ trương đẩy mạnh. Có nhiều nguyên nhân, như NH chủ yếu dựa vào thế chấp, trong khi tài sản thế chấp thời gian qua giảm mạnh do thị trường giảm. Khi NH thẩm định lại tài sản thế chấp đã phải giảm dư nợ, số cho vay tăng thêm không đủ bù cho số đã giảm dẫn đến dư nợ cho nhóm này giảm xuống” - ông Đỗ Minh Toàn, tổng giám đốc ACB, lý giải.
Ông Đỗ Duy Hưng, tổng giám đốc NH Bản Việt, nói dù rất muốn cho vay ra nhưng thời gian qua nhiều DN sử dụng đồng vốn vay quá dễ dãi, không theo đúng phương án, từ đó dẫn đến mất cân đối dòng tiền, lâm vào khó khăn. Mà NH thẩm định thấy DN đầu tư lan man thì không dám cho vay chứ thực tế NH không quá cầu toàn. DN chỉ cần đạt 6-7 điểm là NH sẵn sàng cho vay rồi. “Hiện lãi suất cho vay bình quân của NH là 10,58%/năm, trong khi bình quân giá vốn là 6,52% và như vậy cho vay trung - dài hạn NH gần như không có lãi. Tuy nhiên, NH chấp nhận lợi nhuận giảm để giữ khách hàng, còn hơn giữ vốn mà không cho vay ra” - ông Hưng nói.
Xử lý tài sản thế chấp quá nhiêu khê
Tại hội nghị, các NH cũng kể ra hàng loạt câu chuyện sinh động về những nhiêu khê khi xử lý tài sản đảm bảo để thu nợ. Đại diện Agribank chi nhánh TP.HCM cho biết dù hợp đồng có quy định NH được toàn quyền định đoạt tài sản thế chấp nếu khách hàng không trả được nợ, nhưng thực tế ngay cả khi mất khả năng trả nợ nhưng nếu khách hàng không ký cho NH xử lý tài sản đảm bảo thì NH không làm gì được.
“Chưa kể những khoản nợ chây ỳ dẫn đến nợ gốc và lãi vượt quá giá trị tài sản thế chấp, NH và khách hàng phải dắt nhau ra tòa nhưng năm lần bảy lượt tòa án mời nhưng khách hàng vắng mặt nên không thể xử được. Có vụ kéo dài đến ba năm chưa ngã ngũ. Xử lý qua trung tâm đấu giá cũng khó vì khách hàng bắt tay với bên thẩm định nâng khống giá bán nên có khi cả năm không bán được” - vị này nói.
Ông Nguyễn Đình Tùng, tổng giám đốc NH Phương Đông, kể có trường hợp NH xong hết các thủ tục, đến phần thi hành án thì đột nhiên xuất hiện tình huống có người tự nhận đã mua tài sản đảm bảo bằng giấy tay từ trước. NH cất công điều tra thì phát hiện đó là thủ thuật của bên vay nhằm đẩy vụ án vào tình huống tranh chấp để kéo dài thời gian xử lý. Rồi có trường hợp người vay vắng mặt hoặc rời khỏi nơi cư trú, cắt hộ khẩu chuyển qua phường khác nên NH cũng không xử lý được nợ. NH phải nhờ cơ quan công an điều tra, xác minh chỗ ở mới mất cả năm trời mới xong.
Về câu hỏi có hay không tình trạng tài sản thế chấp trước đây được NH định giá quá cao, giờ NH không dám xử lý, các NH thừa nhận trong thực tế có nhưng không nhiều và các NH đều mong xử lý tài sản để thu nợ.
ÁNH HỒNG
Đã xử lý hơn 3.500 tỉ đồng nợ xấu Tại buổi làm việc, NH Nhà nước TP.HCM cho biết đến cuối tháng 3 đã xử lý được 3.534 tỉ đồng nợ xấu, trong đó thu nợ xấu bằng tiền là 910 tỉ, sử dụng quỹ dự phòng rủi ro là 501 tỉ, bán tài sản đảm bảo để thu nợ là 141 tỉ, bán nợ xấu cho VAMC là 487 tỉ, khoản khác là 1.490 tỉ. Đến ngày 31-3, tổng nợ xấu trên địa bàn TP là 46.403 tỉ đồng, chiếm 4,85% tổng dư nợ, trong đó nợ xấu được đảm bảo bằng hai nguồn quan trọng là quỹ dự phòng tín dụng và tài sản đảm bảo nợ vay. Hiện tài sản đảm bảo nợ vay cho khoản nợ xấu trên là 76.962 tỉ đồng. |