Ông Sanjay Karla, Đại diện thường trú Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) tại Việt Nam
Tăng trưởng tín dụng chậm lại có phải là vấn đề nghiêm trọng với Việt Nam là câu hỏi được đưa ra trong buổi thảo luận triển vọng kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương do Ngân hàng Nhà nước và IMF phối hợp tổ chức ngày 5/5.
Theo số liệu mới nhất được công bố bởi Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 22/4, tín dụng toàn hệ thống đối với nền kinh tế tăng 0,62% so với cuối năm 2013. Trong báo cáo phân tích, Giám đốc điều hành - Phụ trách nghiên cứu Fiachar Mac Cana của chứng khoán TPHCM cho rằng, tín dụng tăng trưởng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái là đang lo ngại, phản ánh nhu cầu vay vốn nội địa là rất yếu.
Tuy nhiên, trả lời câu hỏi này, ông Sanjay Karla, đại diện IMF tại Việt Nam cho rằng, câu hỏi cần đặt ra đối với tăng trưởng tín dụng là tăng trưởng với chất lượng các khoản vay như thế nào chứ không chỉ là tăng trưởng với tốc độ bao nhiêu.
Ông Karla nhấn mạnh những vấn đề của hệ thống ngân hàng ảnh hưởng nhiều tới tăng trưởng kinh tế và vấn đề của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong thời gian qua không phải là tăng trưởng tín dụng chậm lại mà là nợ xấu cao.
Đại diện IMF tại Việt Nam cho rằng, các ngân hàng không biết cho đối tượng nào vay để đảm bảo chất lượng tín dụng. Đối với bên đi vay, khi đã có nợ xấu thì rất khó tiếp cận nguồn tín dụng này khi ngân hàng không muốn cho vay.
"Tăng trưởng tín dụng thấp ở Việt Nam không phải là từ cầu (bên đi vay) mà là từ cung khi các ngân hàng dè dặt không muốn cho vay", ông Karla nói.
Còn theo ông Romain Duval, Vụ châu Á và Thái Bình Dương của IMF, tăng trưởng tín dụng cao không phải là mục tiêu ưu tiên với Việt Nam mà là lành mạnh hóa hệ thống các tổ chức tín dụng thông qua việc minh bạch và làm sạch tài sản của các ngân hàng.
Thục Anh