Trình bày báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước tại phiên họp sáng 17/4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Quốc hội quyết định mức bội chi ngân sách nhà nước năm 2012 là 140.200 tỷ đồng, bằng 4,8% GDP. Quyết toán số bội chi là 154.126 tỷ đồng, so dự toán vượt 13.926 tỷ đồng, bằng 4,75% GDP thực tế, nằm trong tỷ lệ bội chi Quốc hội cho phép.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Tuy nhiên, thẩm tra sơ bộ, có ý kiến tại Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, số bội chi như báo cáo của Chính phủ chưa phản ánh hết tình hình bội chi như: chưa tính đủ số hoàn thuế giá trị gia tăng phát sinh trong năm, nợ đọng xây dựng cơ bản, tạm ứng vốn lớn chưa thu hồi.
Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ xác định lộ trình cụ thể để xử lý những khoản nợ và khoản ứng nêu trên nhằm bảo đảm tính chủ động trong điều hành ngân sách nhà nước, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.
Hai lần đề nghị “rút kinh nghiệm”
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển phân tích, mặc dù tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước tính trên GDP có giảm so với dự toán (4,8%) nhưng số bội chi lại tăng 13.926 tỷ đồng so với dự toán được Quốc hội quyết định.
“Việc Chính phủ điều hành tăng bội chi ngân sách Nhà nước trên cơ sở tăng giải ngân nguồn vốn ODA (tăng 17.143 tỷ đồng) theo báo cáo của Chính phủ là tích cực, nhưng việc chưa có ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi thực hiện là chưa phù hợp với khoản 2, điều 49 của Luật Ngân sách Nhà nước, đề nghị Chính phủ cần rút kinh nghiệm”, ông Hiển nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra.
Vẫn liên quan đến chi ngân sách, Chính phủ đề nghị cho phép quyết toán chi chuyển nguồn số tiền 383,02 tỷ đồng do việc thu hồi vốn của một số dự án chậm giải ngân để phân bổ cho một số dự án khác của các bộ, ngành.
Đồng ý với đề nghị này, song thường trực cơ quan thẩm tra lại thêm một lần đề nghị Chính phủ cần rút kinh nghiệm, trước khi thực hiện cần báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
Bên cạnh các nội dung trên, báo cáo thẩm tra sơ bộ còn chỉ ra khá nhiều căn bệnh đã được nêu từ các năm trước song vẫn chưa thuyên giảm đáng kể. Như, chi thường xuyên vẫn còn tình trạng lãng phí, chi sai chế độ quy định, không đúng mục đích.
Thu ngân sách chỉ tăng 1,9%, tương đương 14.072 tỷ đồng thì chi quản lý hành chính tại hầu hết các địa phương đều vượt dự toán, tăng 12,5%, tương đương 9.924 tỷ đồng. 20/34 tỉnh được kiểm toán có chi quản lý hành chính vượt trên 30%, báo cáo thẩm tra nêu rõ.
Kết quả kiểm toán do Tổng kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn trình bày cũng chỉ ra vô số các vi phạm trong thu chi ngân sách năm 2012.
Như, 24/34 địa phương được kiểm toán sử dụng nguồn cải cách tiền lương để chi thường xuyên, chi một số nhiệm vụ khác chưa đúng quy định 1.409 tỷ đồng.
Hay năm 2012 còn một số khoản thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước chưa được xử lý vào cân đối ngân sách nhà nước. Số quyết toán hoàn thuế giá trị gia tăng năm 2012 thấp hơn số thuế giá trị gia tăng thực hoàn đến 31/12/2012 là 33.478,34 tỷ đồng. Kiểm toán nhà nước cũng kiến nghị giảm chi trên 5.000 tỷ đồng và tăng thu trên 4.000 tỷ đồng đối với niên độ ngân sách 2012.
Mặc dù vậy, cả Kiểm toán Nhà nước và cơ quan thẩm tra vẫn thống nhất với các con số quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012 được Chính phủ trình.
Theo đó, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.058.140 tỷ đồng (bao gồm cả chuyển nguồn từ năm 2011 sang năm 2012, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2011, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước);
Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.170.924 tỷ đồng (bao gồm cả chuyển nguồn từ năm 2012 sang năm 2013);
Bội chi ngân sách nhà nước 154.126 tỷ đồng, bằng 4,75% GDP (không bao gồm kết dư ngân sách địa phương 41.342 tỷ đồng).
Có “sai phạm”, vẫn “nhất trí”
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị làm rõ, rằng tại sao chỉ ra nhiều tồn tại hạn chế và kiến nghị tăng thu, giảm chi nhiều tỷ đồng mà cuối cùng cả cơ quan thẩm tra và kiểm toán đều đi đến kết luận đồng ý với con số được Bộ Tài chính báo cáo.
Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển giải thích, theo quy định của luật thì phát hiện sai sót thời điểm nào thì xử lý tại thời điểm đó nên những kiến nghị về thu, chi ngân sách năm 2012 sẽ được xử lý vào năm 2013.
Về nguyên tắc đồng ý như vậy, nhưng nếu qua kiểm toán và thẩm tra phát hiện khoản chi hoàn toàn không đúng mà vẫn chấp nhận quyết toán chi thế này tức là chấp nhận thiếu sót đó?, Phó chủ tịch Uông Chu Lưu vấn băn khoăn.
Sợ nhất là không phát hiện ra chứ phát hiện ra là cương quyết thu hồi, Phó chủ tịch cứ yên tâm, Chủ nhiệm Hiển phát biểu.
Nhận xét hai cơ quan thẩm tra và kiểm toán đã đồng tình thì chả có gì để bàn về con số nữa, song Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nói ông thực sự chưa yên tâm khi nhìn vào tồn tại, vi phạm năm sau giống như năm trước và còn trầm trọng hơn. Nhiều khoản thu đạt rất thấp mà chưa nêu được lý do chính đáng, rồi nợ thuế, thất thu thuế cũng rất đáng lo ngại, ông Giàu nhận xét.
Cùng nỗi “vấn vương” như Phó chủ tịch Lưu và Chủ nhiệm Giàu, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước băn khoăn về thái độ của Quốc hội, khi mà “kiểm toán nêu ra một loạt sai phạm, nhưng khi biểu quyết lại nhất trí, năm nào cũng thế”.
“Năm sau, khi quyết toán ngân sách nhà nước 2013 thì Bộ trưởng Bộ Tài chính phải trả lời là tại sao cứ sai hết năm này sang năm khác và phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội”, ông Ksor Phước đề nghị.