Nhiều ngân hàng cắt giảm lãi suất huy động dưới trần.Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Theo biểu lãi suất mới của Ngân hàng Eximbank, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-3 tháng giảm từ 6%/năm xuống còn 5,7%/năm. Tương tự, lãi suất huy động kỳ hạn 4-5 tháng cũng hạ từ 6% xuống 5,98%/năm.
Tuy nhiên, khách hàng gửi sản phẩm tiền gửi, tiết kiệm thường, các hình thức lãnh lãi, kỳ hạn từ 1 tháng đến 3 tháng với mức tiền từ 50 triệu đồng trở lên, Eximbank áp dụng lãi suất thưởng thêm từ 0,1 - 0,3%/năm.
Cùng với Eximbank, Sacombank cũng tiến hành hạ lãi suất huy động đối với kỳ hạn 7 - 11 tháng. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 7 - 8 tháng được ngân hàng này giảm còn 6,55%/năm; kỳ hạn 9 - 10 tháng giảm còn 6,7%/năm và 11 tháng giảm còn 6,8%/năm.
Như vậy, sau quyết định hạ trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng của Ngân hàng Nhà nước hồi cuối tháng 3, thị trường ngân hàng đã có thêm nhiều ngân hàng tiến hành điều chỉnh hạ lãi suất các kỳ hạn ngắn. Ví dụ như tại ACB, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1,2 tháng hiện cũng chỉ duy trì ở mức 5,9%/năm; 3 tháng mới được hưởng lãi suất đúng trần quy định của Ngân hàng Nhà nước là 6%/năm.
Theo báo cáo hoạt động ngân hàng trong tuần từ 24 đến 28/3 của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng hiện nghiêm túc chấp hành quy định về hạ trần lãi suất huy động; trong đó, lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng của các ngân hàng thương mại Nhà nước và một số ngân hàng thương mại cổ phần lớn thấp hơn mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam.
Cũng theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, hiện nay, lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,8 - 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 5 - 6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng và dưới 6 tháng; 6 - 7,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng, kỳ hạn trên 12 tháng 7,5 - 8,3%/năm.
Lãi suất huy động giảm đã tạo điều kiện để các ngân hàng hạ thêm lãi suất cho vay. Nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, lãi suất cho vay bằng VND phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 8%/năm theo quy định; lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức khoảng 9 - 10,5%/năm đối với ngắn hạn; 11 - 12,5%/năm đối với trung và dài hạn.
Ngoài ra, một số ngân hàng thương mại tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay đối với một số doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả chỉ ở mức 6 - 7%/năm.
Báo cáo điều tra xu hướng kinh doanh đối với các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài của Việt Nam quý II/2014 do Ngân hàng Nhà nước vừa công bố cho hay, đa số các tổ chức tín dụng dự báo lãi suất huy động vốn và cho vay VND trong năm 2014 sẽ tiếp tục giảm nhẹ, mức giá bình quân sản phẩm, dịch vụ được các tổ chức tín dụng dự kiến tiếp tục giữ nguyên, thậm chí là giảm nhẹ trong quý I/2014, quý II/2014 và cả năm 2014 để thúc đẩy khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.
Trước lo ngại việc lãi suất huy động liên tục được các ngân hàng điều chỉnh giảm sẽ ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn, tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ ngày 1/4, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết: Tốc độ tăng trưởng huy động vốn của hệ thống các tổ chức tín dụng vẫn tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm nay.
Đặc biệt, trong nửa cuối tháng 3 vừa qua, huy động tiền gửi của hệ thống ngân hàng duy trì mức khả quan. Diễn biến này, theo đánh giá của vị tổng tư lệnh ngành ngân hàng, việc điều chỉnh giảm lãi suất huy động vừa qua không ảnh hưởng đến dòng tiền vào hệ thống ngân hàng.
“Sau khi điều chỉnh giảm 1% lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng và các mức lãi suất điều hành, mặt bằng chung lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng giảm từ 0,5 - 1%/năm ở các kỳ hạn khác nhau. Theo đó, mức lãi suất cho vay cũng phản ứng tích cực, giảm từ 0,5 đến trên 1%/năm”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho hay.
Nguyễn Hiền