Chứng khoán Mỹ tăng dẫn đầu là nhóm cổ phiếu tiêu dùng và công nghệ. Chỉ số S&P 500 lên cao nhất trong lịch sử sau số liệu sản xuất Mỹ tăng khiến giới đầu tư lạc quan hơn về khả năng chống chịu mùa đông khắc nghiệt của nền kinh tế. Kết thúc phiên giao dịch 1/4, S&P 500 tăng 0,7%, Dow Jones tăng 0,5%, Nasdaq tăng tới 1,6%. Khoảng 6,5 tỷ cổ phiếu giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ, thấp hơn 6% so với trung bình 3 tháng qua.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Thị trường tăng điểm do số liệu sản xuất tháng 3 khả quan. Chỉ số sản xuất của Viện quản lý Cung (ISM) tăng từ 53,2 điểm tháng 2 lên 53,7 điểm tháng 3, cho thấy công nghiệp đã chịu đựng tốt mùa đông khắc nghiệt trong quý I. Trong khi các báo cáo khác từ đi thuê đến sản lượng sản xuất được công bố trước đều cho thấy sự suy yếu trong năm nay do nhiệt độ xuống tới âm và các dẫn núi bị tuyết bao phủ hạn chế các hoạt động mua bán, di chuyển và gây khó khăn cho việc giao nhận các đơn đặt hàng sản phẩm. Dấu hiệu nền kinh tế Mỹ phục hồi đến trong khi hôm qua chủ tịch Cục dự trữ Liên bang (Fed) cho biết ngân hàng trung ương cần duy trì kích thích kinh tế một khoảng thời gian do thị trường lao động "chùng xuống đáng kể". Điều này càng kích thích chứng khoán Mỹ lên cao.
Walter Todd, giám đốc đầu tư tại Greenwood Capital Associates cho biết: "Mọi người đang chờ đợi xác nhận về việc những số liệu yếu kém chúng ta chứng khiến đầu năm nay thực tế là liên quan đến thời tiết. Các số liệu tốt hơn cho thấy sự suy yếu của nền kinh tế chỉ là tạm thời và chúng ta sẽ thấy nó đi lên".
Chứng khoán tăng điểm còn nhờ triển vọng kinh tế thế giới sau số liệu từ Trung Quốc và Mỹ. Tại Trung Quốc, chỉ số sản xuất do ngân hàng HSBC và Markit Economics công bố giảm xuống thấp nhất kể từ tháng 7 năm ngoái, thông tin này khuyến khích các nhà lãnh đạo nước này tăng cường các gói hỗ trợ kích thích kinh tế. Trong khi đó, tăng trưởng sản xuất khu vực châu Âu tháng 3 vẫn đứng vững ở mức cao nhất 3 năm qua.
Giá vàng thế giới giảm phiên thứ 5 liên tiếp, chuỗi giảm lâu nhất kể từ tháng 11 năm ngoái. Hiện giá đang ở quanh mốc thấp nhất 7 tuần do nhu cầu tiêu thụ làm tài sản cất giữ giá trị giảm. Trên sàn Comex, giá vàng giao tháng 6 giảm 0,3% chốt phiên tại 1.280 USD/oz, trước đó giá còn chạm 1.277,4 USD/oz, thấp nhất kể từ 11/2. Trên sàn Kitco, lúc 6h30 sáng nay, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á là 1.280,7 USD/oz, thấp hơn đóng cửa phiên trước 4,1 USD/oz.
Giá vàng giao ngay trên sàn Kitco lúc 6h30 sáng nay (đường màu xanh lá cây)
Howard Wen, chuyên gia phân tích tại công ty chứng khoán HSBC, Mỹ cho rằng: "Trong ngắn hạn giá vàng là tiêu cực. Sự sụt giảm giá kim loại quý này gần đây được giải thích rõ ràng là do sự kết hợp giữa căng thẳng chính trị và định hướng nâng lãi suất cơ bản lên cao của Fed". Hôm qua, các quỹ vàng ETF bán ra 6,4 tấn vàng, bán nhiều nhất kể từ tháng 12/2013.
Giá dầu thô giảm mạnh nhất 2 tuần do kỳ vọng dự trữ dầu thô Mỹ tăng tuần thứ 11 liên tiếp. Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao tháng 5 giảm 1,8% chốt phiên tại 99,74 USD/thùng. Giá dầu Brent của châu Âu giao cùng kỳ hạn giảm 2% xuống còn 105,62 USD/thùng. Chênh lệch giá 2 loại dầu thu hẹp còn 5,88 USD/thùng.
Phương Linh
Theo Bloomberg, Reuters