Vàng, đất, USD... chọn gì? Vàng, đất, USD... chọn gì?
23/08/2011 07:00
“Tôi còn 2 lô đất, đã giảm giá đến 20%, có
nên bán đi hay không? Có tiền bây giờ gửi ngân hàng cũng rủi ro vì ngân
hàng đang không cho vay ra được. Vậy tôi nên đầu tư vào đâu?”.
Câu hỏi trên của một khách hàng tại cuộc hội thảo “Thị trường tài chính
tiền tệ Việt Nam - những thách thức và dự báo đến cuối năm 2011 và gợi ý
giải pháp cho NHTM/DN”. Tuy liên quan đến quyết định đầu tư của một cá
nhân nhưng câu hỏi đã làm nóng cuộc hội thảo vừa được tổ chức tại Hà Nội
sáng qua (21/8) vì đây là vấn đề mọi người đều quan tâm.
Đầu tư vào đâu trong bối cảnh hiện nay?
|
Vàng, USD: Khó đoán; BĐS lạc quan hơn
Về vàng: Diễn giả, TS Lê Xuân Nghĩa - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Giám sát tài
chính quốc gia đã dẫn lời một chuyên gia Đức nói rằng giá vàng còn có
thể đạt tới 2.300 USD/oz, thậm chí đến 2.500 USD/oz nếu nền kinh tế Mỹ
rơi vào suy thoái, nguy cơ khủng hoảng nợ châu Âu cận kề hoặc trở thành
hiện thực và đồng USD tiếp tục mất giá. Trong khi đó đối với người dân
Việt Nam, vàng vẫn là một phương tiện cất trữ ưa thích.
Theo khảo sát năm 2003 của Tổ chức Jica (Nhật) thì vàng chiếm 40% tài
sản tích trữ của dân Việt Nam. Tuy nhiên, cả ông Nghĩa và TS Trần Đình
Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế quốc gia - đều cho rằng vàng đã lên giá
rất mạnh rồi, nên khó đoán đã đến đỉnh hay chưa. Giá vàng sẽ lên tiếp
nếu tình hình tài chính thế giới còn bất ổn, hỗn loạn. Ngoài ra còn phụ
thuộc vào cách Mỹ ứng xử thế nào với USD.
Về ngoại tệ: Theo TS Lê Xuân Nghĩa thì khả năng VND mất giá nhiều (USD
lên giá) trong những tháng còn lại của năm 2011 là thấp vì những lý do:
Nhập siêu của Việt Nam đã có xu hướng giảm; thị trường ngoại hối đang
tương đối ổn định, dự trữ ngoại tệ của NHNN đã tăng đáng kể; thị trường
ngoại hối không phải lúc nào cũng có áp lực mà thường chỉ có áp lực cục
bộ.
Ông Thiên cũng cho biết, Chính phủ không có ý để tỉ giá thấp vì tỉ giá
liên quan đến kỳ vọng lạm phát. Nếu để tỉ giá thấp (VND mất giá) sẽ đưa
ra tín hiệu sai là lạm phát sẽ còn cao.
Ông Nghĩa dự đoán từ nay đến cuối năm tỉ giá VND/USD không quá 21.000
đồng/USD. Điều lo ngại nhất, theo ông Nghĩa, là liệu cung ngoại tệ ảo
thời gian qua (DN vay USD bán cho NH lấy VND, làm tăng cung USD) biến
thành cầu thực (DN bỏ VND ra mua USD trả nợ NH) vào thời điểm cuối năm
nay có gây áp lực mạnh lên tỉ giá hay không? TS Trần Đình Thiên cũng lưu
ý các nhà đầu tư nên chú ý đến đồng nhân dân tệ vì đây là đồng tiền có
thể đem lại lợi nhuận trong tương lai.
Về bất động sản: TS Lê Xuân Nghĩa có ý kiến khá lạc quan. Theo ông, hiện
nay thị trường BĐS của TPHCM đã có những tín hiệu đầu tiên của sự phục
hồi. Đây là thị trường luôn đi trước trong cả nước. Thị trường BĐS Hà
Nội thì vẫn đang trong xu hướng đi xuống. Tuy nhiên, nếu nền kinh tế
Việt Nam có dấu hiệu tăng trưởng ổn định thì BĐS chứ không phải là TTCK
sẽ là thị trường tăng giá đầu tiên. BĐS của Hà Nội sẽ có dấu hiệu phục
hồi vào giữa năm 2012 và về lâu dài thì kênh đầu tư BĐS luôn là kênh
mang lại lợi nhuận lớn và chắc chắn.
Ý kiến của TS Thiên và TS Nguyễn Trí Hiếu (chuyên gia tài chính) thì có
phần bi quan hơn. Mặc dù cho thời gian này là cơ hội của người mua BĐS,
nhưng ông Thiên cho rằng thanh khoản vẫn quan trọng hơn, đối với khách
hàng có 2 lô đất thì nên cân nhắc chuyển đổi thành tiền vì BĐS từ giờ
đến cuối năm còn chịu nhiều rủi ro từ chính sách, nguồn vốn tín dụng...
Còn ông Hiếu thì đưa thẳng ra lời khuyên là khách hàng nên bán đi để lấy
tiền vì theo ông giảm giá 20% chưa phải là đáy, đến quý IV năm nay
nhiều khả năng BĐS sẽ tiếp tục giảm, lúc đó có thể đất của khách hàng
giảm đến 30%. Kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng tín dụng nhà, đất dưới
chuẩn của Mỹ cho thấy đáy của khủng hoảng là nhà, đất giảm đến 50%.
Dòng vốn không hướng vào sản xuất - kinh doanh
Nhớ lại câu ca dao xưa của các cha ông ta. “Con cò, con vạc, con nông.
Ba con đều béo vặt lông con nào?”. Cho thấy sự lựa chọn bao giờ cũng khó
khăn, nhất là lựa chọn trong một môi trường kinh tế trong và ngoài nước
còn rất nhiều rủi ro, bất ổn như hiện nay.
TS Trần Đình Thiên có một sự trách móc rằng, tại mọi hội thảo đa phần
người Việt chỉ hỏi là sắp tới đầu tư vào cái gì? NHTM và các DN thì hỏi
mấy tháng nữa lãi suất giảm...? Rất ít người/tổ chức chú ý đến những vấn
đề mang tính dài hạn để từ đó chọn cho mình một chiến lược mang tính
phát triển bền vững.
Điều ông nói hoàn toàn đúng, nhưng với những biến động nhanh chóng, đảo
chiều rất nhanh trên thị trường tài chính thế giới và khó khăn nội tại
của nền kinh tế trong nước như hiện nay thì “nào ai biết ra sao ngày
sau”. Vì vậy, các nhà đầu vẫn luôn phải hỏi: Vàng, đô, đất... nên đầu tư
vào đâu? Lo ngại nhất ở đây là kênh tiền gửi ngân hàng và TTCK có vẻ
như không được quan tâm trong danh mục đầu tư của người dân. Điều này
cũng đồng nghĩa là dòng vốn tiếp tục đi tìm các kênh trú ẩn có tính sinh
lời cao mà ít đổ vào sản xuất-kinh doanh.
ThinhVuongcorp - Theo Lao Động
|