Ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VN, bắt đầu câu chuyện với Tuổi Trẻ như vậy.
Ông Lộc nói:
"Với VN, năm 2014 sẽ là điểm gặp gỡ của yêu cầu và cơ hội cải cách. Nếu chúng ta kết hợp được hai gọng kìm (là nhu cầu cải cách để thích ứng TPP và yêu cầu tái cơ cấu đã được đặt ra mấy năm nay) và “làm thật”, cải thiện được môi trường kinh doanh, nâng cao được hiệu quả nền kinh tế... thì VN hoàn toàn có thể có một vị trí mới trên trường thế giới" Ông VŨ TIẾN LỘC |
- Năm 2013, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận những nỗ lực lớn lao của Chính phủ trong việc bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Lạm phát thấp nhất trong mười năm, lãi suất đã giảm được đáng kể.
Các nhà đầu tư cũng cảm thấy được khích lệ trước những nỗ lực trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng với các dự án lớn như mở rộng quốc lộ 1, mở rộng cảng hàng không Nội Bài...
Tuy nhiên, khó khăn còn đó, to lớn và thách thức, đe dọa hằng ngày. Bởi nhìn chung, mức lạm phát 6,04%, rồi lãi suất cho vay ra từ 9-12%... vẫn là cao so với các nước và khó cho nhiều doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp đóng cửa, giải thể vẫn còn cao, thậm chí cao hơn cả năm 2012.
Cải cách thủ tục hành chính, bãi bỏ các thủ tục phiền hà, giảm chi phí tuân thủ vẫn chưa có đột phá lớn. Cộng đồng doanh nghiệp đang rất cần những hành động cụ thể, những cải cách có tính thực tiễn hơn của các cấp chính quyền.
* Theo ông, năm 2014, giới doanh nhân trông đợi vấn đề cụ thể gì? Chúng ta luôn nói VN có rất nhiều tiềm năng, nhưng tiếc rằng vẫn ít tiềm năng được kích hoạt?
- Năm mới nhìn theo hướng kỳ vọng, theo tôi, VN vẫn còn nhiều cơ hội lớn lao mà nếu đủ nỗ lực, ta sẽ tận dụng được. Trước tiên, niềm tin đã dần khôi phục khi lạm phát giảm xuống. Cùng đó, VN đang đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do với EU... dù có thách thức nhưng sẽ đem lại một không gian phát triển rộng mở hơn.
Đặc biệt, dù muốn hay không, khi thực hiện những cam kết quốc tế mới, chắc chắn sẽ tạo áp lực thay đổi thể chế, tác động đến môi trường kinh doanh... Theo tôi, đây là một “gọng kìm” theo nghĩa tích cực, giúp VN cải cách.
Thứ hai, xu hướng phải thay đổi khi hội nhập sâu hơn lại “gặp” chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước của VN. Đây chính là “gọng kìm” thứ hai, và cũng là “làn gió mới” quan trọng nhất có thể giúp VN thịnh vượng.
Không sớm thì muộn, VN phải tái cơ cấu để phát triển bền vững trở lại. Nên việc xử lý các “đại án” tham nhũng, rồi thu cổ tức từ doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn hầu hết tại doanh nghiệp SCIC nắm giữ, lãnh đạo không cổ phần hóa sẽ cách chức... là động thái giúp giới doanh nhân bước đầu cảm nhận được tín hiệu tốt về cải cách.
* Các chuyên gia phân tích TPP đem lại cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Nếu không thay đổi, VN sẽ bị rớt lại đằng sau?
- TPP là động lực thúc đẩy một cuộc tái cấu trúc mới trong phạm vi cả khu vực, vì các nước đều phải thay đổi để thích ứng luật chơi mới, ai không theo kịp sẽ thua thiệt. Ngay Nhật Bản đang có mức bảo hộ nông nghiệp cao, họ sẽ phải gỡ bỏ theo hiệp định. VN sẽ có cơ hội hơn với lợi thế nông nghiệp của mình.
Đã có xu hướng đầu tư, chuyển giao nền nông nghiệp công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn từ Nhật Bản sang VN. Nếu tận dụng được làn sóng này, VN hoàn toàn có thể có một nền nông nghiệp hiện đại, có thương hiệu toàn cầu, tạo ra một lợi thế cạnh tranh mới, thu hút một số địa phương vào quỹ đạo phát triển, tạo nên những vùng kinh tế mới. Dệt may, rồi du lịch của VN cũng có thể có thêm lợi thế nếu tận dụng được cơ hội từ TPP...
* Để tận dụng được cơ hội, ông kiến nghị những cải cách cụ thể nào?
- Rất nhiều giải pháp đã được Chính phủ, Quốc hội, tổ chức đưa ra. Vấn đề là tổ chức làm tốt những điều chúng ta đã cam kết lâu nay, như tái cơ cấu, giảm tham nhũng, bớt thủ tục hành là chính...
Ngay như việc tưởng chúng ta đã làm được, như tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, chỉ hỏi ngược lại, doanh nghiệp tư đã được tiếp cận vốn, đất đai, cơ hội kinh doanh trong các ngành nghề “màu mỡ” thật bình đẳng chưa... sẽ thấy ngay thực tế. Ngoài ra, cần giảm thuế, phí; đảm bảo doanh nghiệp có thể đoán định được biến động lãi suất để hoạch định kế hoạch kinh doanh; tiếp tục đảm bảo ổn định vĩ mô...
Đặc biệt, phải cải cách bộ máy, giảm quy mô chi tiêu công, các bộ ngành nên giảm vai trò chỉ đạo kinh doanh, chỉ nên đóng vai trò lập chính sách, cung cấp những dịch vụ quan trọng...
Nói chung, triển vọng cho VN không ít, cơ hội đang ở phía trước, giải pháp cũng đã ở trong tay mình. Mong những cơ hội đó sẽ được nắm bắt và đem lại sự phát triển mới cho dân tộc, cho đất nước...
C.V.KÌNH thực hiện