Đầu năm 2011, thị trường bất động sản (BĐS) Hà Nội "sốt nóng" với
việc các dự án phía Tây tăng giá đến 30%. Thời điểm đó, dòng tiền được
huy động dưới nhiều hình thức và ùn ùn đổ vào các dự án. Thế nhưng, thị
trường BĐS hiện nay đang chứng kiến hàng loạt phi vụ thoái vốn.
Không chỉ các tập đoàn, công ty lớn, mà ngay cả các cá nhân cũng tìm mọi
biện pháp để giải phóng hàng, thu tiền về nhằm bảo toàn vốn và cơ cấu
lại danh mục đầu tư. Các chuyên gia đã đưa ra những cảnh báo về tác động
tiêu cực xung quanh động thái này.
Đua nhau đổ vào, đua nhau rút ra
Khi thị trường BĐS Hà Nội đang sôi động, đã có hàng trăm ngàn tỷ đồng
thuộc nhiều dòng vốn khác nhau đổ vào đây. Trong rất nhiều dòng vốn với
đủ quy mô lớn nhỏ khác nhau khi "nhà nhà buôn đất, người người buôn
đất", bên cạnh nguồn vốn đầu tư trung dài hạn, cũng đã có một lượng
không nhỏ nguồn vốn đầu tư ngắn hạn (nguồn vốn "nóng", thông thường có
thời hạn vài tháng đến dưới 1 năm) đổ vào thị trường này. Thậm chí, có
những giai đoạn nguồn vốn "nóng" còn lấn át nguồn vốn trung và dài hạn
trong việc chi phối sự vận động của thị trường BĐS, tạo ra những cơn
"sốt" nóng, làm gia tăng rủi ro trên thị trường tài chính, cả chính thức
và phi chính thức.
Thế nhưng, chỉ từ đầu quý II đến nay, thị trường BĐS Hà Nội đã quay
ngoắt 180 độ và rơi vào trạng thái "đóng băng". Thị trường tràn ngập
thông tin rao bán BĐS với các nội dung: chính chủ, giá thấp, cần bán
gấp, ưu tiên thanh toán tiền mặt…
Không bán được hàng để thu hồi vốn và trước sức ép của các chủ nợ, nhiều
nhà đầu tư cá nhân bắt đầu "bới lông tìm vết" trong các hợp đồng mua
bán để tìm ra kẽ hở, với mong muốn sớm thu hồi lại được những khoản đầu
tư đang ngày càng teo tóp theo tốc độ "rơi" của thị trường. Điển hình về
quá trình thoái vốn của nhà đầu tư cá nhân là việc một nhóm khách hàng
đã tìm cách khởi kiện chủ đầu tư Dự án Mulberry Lane (Hà Đông) vi phạm
Pháp lệnh Ngoại hối để đòi lại tiền đặt cọc căn hộ. Tại nhiều dự án, các
nhà đầu tư kiện chủ đầu tư không thực hiện đúng tiến độ dự án theo cam
kết.
Ở chiều ngược lại, khi giá BĐS giảm xuống xảy ra ở tất cả các phân khúc
của thị trường như đất nền, văn phòng cho thuê, mặt bằng bán lẻ, chứ
không chỉ căn hộ chung cư, cũng khiến các chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn.
Để thu hút được nguồn vốn, chủ đầu tư nhiều dự án đã phải áp dụng các
hình thức khuyến mại, chiết khấu, giá công bố bán ra đợt sau thấp hơn
đợt trước.
Minh bạch nguồn vốn
Đổ tiền đầu tư vào BĐS với mong muốn thu được nguồn lợi lớn từ đây,
nhiều nhà đầu tư ngắn hạn đã thực hiện chủ trương quay vòng vốn nhanh.
Tuy có đem lại lợi ích trước mắt, nhưng vô hình trung, chính họ đang
"đóng góp" một phần vào sự bất ổn của thị trường.
Ông Nguyễn Đình Ánh, Viện phó Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả
cho rằng, hiện nay có 4 nguồn vốn "nóng" tham gia thị trường BĐS gồm:
huy động, vay mượn trong dân cư; sử dụng vốn tự có; tín dụng ngân hàng;
chiếm dụng vốn. Tất cả các hình thức huy động vốn này đều mang tính rủi
ro cao. Trong đó, ông Ánh lưu ý, với tín dụng ngân hàng, đáng lo ngại là
rủi ro khi sử dụng tín dụng ngân hàng đầu tư ngắn hạn vào thị trường
BĐS. Rủi ro này gia tăng khi kết hợp với tỷ lệ rủi ro vốn rất cao đối
với những khoản đầu cơ ngắn hạn vào thị trường BĐS.
Bên cạnh đó, do sức hấp dẫn của lợi nhuận trên thị trường BĐS nên không
ít cá nhân và pháp nhân có động cơ chiếm dụng vốn tạm thời nhàn rỗi của
người khác trong quá trình luân chuyển các nguồn lực tài chính, thậm chí
cả nguồn lực tài chính của phía nước ngoài và Nhà nước, để đầu tư ngắn
hạn vào thị trường BĐS. Mọi việc sẽ bình thường nếu "phi vụ" đầu tư đó
thành công, song lợi nhuận cao luôn gắn liền với rủi ro cao, nên nếu
"phi vụ" đó không thành công thì người chiếm dụng vốn đầu tư "nóng" có
thể mất khả năng chi trả, nhất là khi lượng vốn chiếm dụng có quy mô
lớn; thậm chí có thể gây ra hiệu ứng dây chuyền sang cả hệ thống khi một
hay một vài cá nhân, tổ chức mất khả năng chi trả quá lớn.
Ông Ánh chỉ ra rằng, quy mô càng lớn, tốc độ càng cao, thời gian càng
ngắn và đặc biệt là tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn tham gia thị trường BĐS dựa
trên huy động những nguồn lực thiếu ổn định như vay nóng, tín dụng đen,
nguồn vốn mang tính chất đầu cơ cao… càng cao thì tác động càng tiêu
cực đến thị trường BĐS nói riêng và sự ổn định của thị trường tài chính -
tiền tệ nói chung, thậm chí có thể gây ra những hậu quả kinh tế - xã
hội khó lường. Vì vậy, việc quản lý đầu tư ngắn hạn vào thị trường BĐS
là rất quan trọng và cần thiết.
Tuy nhiên, ông Ánh cho rằng, nguồn vốn "nóng" đầu tư vào thị trường BĐS
hội tụ cả điều kiện chủ quan và khách quan cần và đủ để thị trường này
phát triển. Chính vì vậy, không thể đơn thuần ngăn cấm nguồn vốn "nóng"
đổ vào thị trường BĐS căn cứ vào những rủi ro mà nó đem lại bằng các
biện pháp hành chính hay pháp lý.
Chính vì vậy, ông Ánh kiến nghị, một trong những biện pháp khả thi là
quy định các luồng vốn đầu tư vào BĐS (cả ngắn hạn cũng như trung và dài
hạn) phải thông qua hệ thống tài chính chính thức (tương tự như quy
định liên quan tới giao dịch trên TTCK tập trung hiện nay) để quản lý và
giám sát hiệu quả hơn, đồng thời cũng tạo cơ sở để ngăn chặn và xử lý
những vi phạm trong hoạt động giao dịch liên quan tới BĐS, kể cả các
hoạt động lừa đảo hay rửa tiền. "Dĩ nhiên, quy định này chỉ thật sự hữu
hiệu khi giảm được tỷ trọng thị trường BĐS phi chính thức", ông Ánh nói.
Theo Đầu Tư Chứng Khoán