Ngày 22-7 vừa qua, 3 quyết định của UBND
TPHCM liên quan đến công tác cung cấp thông tin quy hoạch và thẩm quyền
phê duyệt quy hoạch trên địa bàn TP đã chính thức có hiệu lực. Để bạn
đọc hiểu rõ hơn, chúng tôi xin trích giới thiệu một số nội dung cơ bản
của các quyết định này.
Quyết định 48/2011 về cấp giấy phép quy hoạch
Chủ đầu tư dự án tại các khu vực trong đô thị chưa có quy hoạch phân khu
tỷ lệ 1/2.000 và chưa có quy hoạch chi tiết 1/500, các dự án hoặc công
trình tập trung tại khu vực trong đô thị có quy hoạch phân khu tỷ lệ
1/2.000 hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 nhưng chưa đủ căn
cứ để lập quy hoạch chi tiết 1/500 hoặc bản vẽ tổng thể mặt bằng, các
dự án xây dựng công trình riêng lẻ trong đô thị chưa có quy hoạch chi
tiết 1/500 hoặc thiết kế đô thị (trừ nhà ở riêng lẻ), các dự án xây dựng
trong các khu vực đã có quy hoạch chi tiết 1/500 được phê duyệt nhưng
cần điều chỉnh ranh giới hoặc một số chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô
thị, phải xin giấy phép quy hoạch.
Thông tin quy hoạch tại quận 1 rất cần thiết cho người dân và nhà đầu tư. Ảnh: Kim Ngân
|
UBND TPHCM ủy quyền cho Sở Quy hoạch Kiến trúc cấp giấy phép quy hoạch
cho các công trình xây dựng có quy mô 50 ha trở lên và các dự án xây
dựng có ý nghĩa quan trọng về kinh tế chính trị, văn hóa, xã hội, lịch
sử của thành phố, các dự án xây dựng công trình riêng lẻ trong khu vực
nội thành chưa có quy hoạch chi tiết 1/500 hoặc thiết kế đô thị (trừ nhà
ở riêng lẻ), các dự án xây dựng trong các khu vực nội thành đã có quy
hoạch chi tiết 1/500 được phê duyệt nhưng cần điều chỉnh ranh giới hoặc
một số chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị. Thời gian để Sở Quy hoạch
Kiến trúc cấp giấy phép là 45 ngày làm việc kể từ khi nhận đầy đủ hồ sơ
theo quy định.
UBND TPHCM ủy quyền cho Ban Quản lý đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Nam
TP, Thủ Thiêm, Tây Bắc Củ Chi, Khu Công nghệ cao, Khu Chế xuất và Công
nghiệp TP và các ban quản lý khu chức năng đô thị cấp giấy phép quy
hoạch cho các dự án đầu tư xây dựng nằm trong phạm vi ranh giới, diện
tích được giao quản lý. UBND các quận, huyện được cấp giấy phép quy
hoạch cho các công trình xây dựng nằm trong địa bàn quận, huyện, trừ các
trường hợp đã được Sở Quy hoạch Kiến trúc và các ban quản lý đô thị cấp
phép.
Thời hạn của giấy phép quy hoạch đối với các dự án xây dựng công trình
tập trung tối đa không quá 24 tháng kể từ ngày được cấp phép quy hoạch.
Thời hạn của giấy phép quy hoạch đối với các dự án xây dựng công trình
riêng lẻ không quá 12 tháng.
Quyết định 49/2011 về công khai và cung cấp thông tin quy hoạch
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được phê duyệt, các loại đồ án quy
hoạch được phê duyệt (lập mới, điều chỉnh tổng thể, điều chỉnh cục bộ),
đồ án thiết kế đô thị riêng phải được cơ quan có thẩm quyền công bố công
khai. Các cơ quan có trách nhiệm công khai thông tin quy hoạch: Sở Quy
hoạch Kiến trúc công bố đồ án quy hoạch chung TP, phối hợp với UBND các
quận, huyện công bố đồ án quy hoạch chung các quận, huyện; UBND các
quận, huyện công bố các khu chức năng đô thị, đồ án quy hoạch phân khu,
đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000, đồ án quy hoạch chi tiết
tỷ lệ 1/500; ban quản lý các đô thị công bố quy hoạch các khu vực nằm
trong phạm vi quản lý. Các đơn vị không được từ chối cung cấp thông tin
quy hoạch trừ trường hợp thông tin thuộc bí mật nhà nước, không được
cung cấp sai thông tin quy hoạch.
Việc cung cấp thông tin quy hoạch được thực hiện theo các hình thức:
giải thích trực tiếp, qua phương tiện thông tin đại chúng hoặc cấp chứng
chỉ quy hoạch. Chứng chỉ quy hoạch là văn bản do các cơ quan có thẩm
quyền xác định các số liệu và thông tin liên quan đến khu vực hoặc một
lô đất theo đồ án quy hoạch đô thị đã được phê duyệt. Không cấp chứng
chỉ quy hoạch tại các khu vực chưa có đồ án quy hoạch đô thị được phê
duyệt. Thời hạn để cấp chứng chỉ quy hoạch: 20 ngày làm việc kể từ khi
các cơ quan chức năng nhận đủ hồ sơ theo yêu cầu.
Quyết định 50/2011 về thẩm định và phê duyệt quy hoạch đô thị
UBND TPHCM có trách nhiệm phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung
thị trấn thuộc các huyện ngoại thành, nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung
khu công nghiệp từ 500ha trở lên, đồ án quy hoạch chi tiêt cụm, khu công
nghiệp; đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000, nhiệm vụ và đồ
án quy hoạch phân khu, nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết, đồ án thiết
kế đô thị riêng các khu vực trong đô thị có phạm vi liên quan đến địa
giới hành chính của 2 quận, huyện trở lên; khu vực có ý nghĩa quan trọng
đối với thành phố (trừ khu vực thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng
Chính phủ).
UBND các quận, huyện phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết, đồ
án thiết kế đô thị riêng trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản
lý, sau khi có văn bản thống nhất của Sở Quy hoạch Kiến trúc.
Ban quản lý các khu đô thị phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi
tiết, đồ án thiết kế đô thị riêng trong phạm vi ranh giới, diện tích
được giao quản lý, sau khi có ý kiến thống nhât bằng văn bản của Sở Quy
hoạch Kiến trúc.
Các đơn vị lập quy hoạch đô thị có trách nhiệm lấy ý kiến các sở ngành,
các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư liên quan về nhiệm vụ và đồ án
quy hoạch đô thị. Các ý kiến đóng góp phải được tổng hợp đầy đủ, có giải
trình tiếp thu và báo cáo cấp thẩm quyền xem xét.
Ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc, cho biết, tuy 3
quyết định trên đã chính thức có hiệu lực song hiện TP vẫn đang xin ý
kiến hướng dẫn từ Bộ Xây dựng để thực hiện một số nội dung. Những nội
dung này đa phần được quy định theo tinh thần của Luật Quy hoạch đô thị
cùng một số nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật.
Cụ thể, về việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư liên quan trong việc lập quy
hoạch và cấp giấy phép quy hoạch. Cộng đồng dân cư sẽ là những người
nào, tất cả hay chỉ đại diện và người nào đủ tư cách để đại diện? Đối
với những dự án phải giải tỏa trắng, sẽ lấy ý kiến cộng đồng ở đâu,
trong phạm vi nào? Việc xử lý các ý kiến đóng góp thực hiện theo nguyên
tắc nào, tuân theo số đông hay các chứng cứ khoa học? Nếu có quá nhiều ý
kiến phản đối quy hoạch, sẽ điều chỉnh ra sao?...
Theo Sài Gòn Giải Phóng