Nếu không cắt bỏ được mạng nhện sở hữu chéo, loại bỏ các ông chủ tập đoàn đứng sau các ngân hàng để lũng đoạn ra khỏi thị trường tài chính, theo các chuyên gia sẽ rất khó để xử lý nợ xấu, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thành công.
Các chuyên gia tham dự hội thảo lo ngại tình trạng sở hữu chéo tại các ngân hang - Ảnh: Ngọc Thắng
|
Báo cáo tại hội thảo “Chuyển động kinh tế vĩ mô và triển vọng tái cấu trúc ngân hàng thương mại VN” do BIDV tổ chức hôm qua (9.10), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết tính đến thời điểm hiện tại các ngân hàng (NH) thương mại đã tự xử lý được 95.000 tỉ đồng nợ xấu.
Ngày 1.10 vừa qua, Công ty quản lý tài sản quốc gia (VAMC) đã ký kết hợp đồng mua nợ đầu tiên với Agribank trị giá 1.723 tỉ đồng. Trong năm nay, VAMC dự kiến sẽ mua lại khoảng 30.000 đến 35.000 tỉ đồng nợ xấu.
Rào cản sở hữu chéo
Đánh giá cao về nỗ lực tái cơ cấu các NH cũng như việc thành lập VAMC để xử lý nợ, nhưng TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Ban Cố vấn Chính phủ, cũng bày tỏ nhiều mối lo ngại về năng lực của công ty này. Ví VAMC như một “gánh ve chai chuyên đi gom hàng” và phân loại nợ xấu, ông Nghĩa nói: “Các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài muốn mua lớn, không mua nhỏ lẻ, VAMC lại giống gánh ve chai, chưa có khả năng trả lời các NĐT này”.
| | | Chúng tôi đã đề nghị Thủ tướng cần có lựa chọn, giải pháp khác mạnh hơn dứt khoát đưa họ ra khỏi hệ thống tài chính. Tới đây một số NH sẽ bị xử lý theo hướng này, làm như vậy để tránh tổn thất dài hạn cũng như cú sốc ngắn hạn cho chủ trương tái cơ cấu của chúng ta | | | TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Ban Cố vấn Chính phủ | |
|
Tuy nhiên, thách thức lớn khi xử lý nợ xấu, theo ông Nghĩa chính là rào cản sở hữu chéo. Phần lớn nợ xấu của NH là của chính các ông chủ đang sở hữu nó. Các ông chủ này đủ quyền lực biến nợ xấu thành nợ trung, dài hạn. Vấn đề xử lý nợ xấu cũ đang làm, nhưng cái đáng quan ngại là nợ xấu mới sẽ xuất hiện và tăng lên. Đặc biệt, tại các NH có các ông chủ vốn là lãnh đạo các tập đoàn lớn làm chủ sở hữu và cũng chính là con nợ. Khi tái cơ cấu, xử lý nợ các “ông này” phản ứng lại, rồi lợi ích cổ đông nhỏ cũng bị vô hiệu hóa. Rủi ro lớn nhất chính là sở hữu chéo, sở hữu lũng đoạn.
Ông Nghĩa cho biết: “Chúng tôi đã đề nghị Thủ tướng cần có lựa chọn, giải pháp khác mạnh hơn dứt khoát đưa họ ra khỏi hệ thống tài chính. Tới đây một số NH sẽ bị xử lý theo hướng này, làm như vậy để tránh tổn thất dài hạn cũng như cú sốc ngắn hạn cho chủ trương tái cơ cấu của chúng ta”.
Thừa nhận tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống đang rất phức tạp, ông Bùi Huy Thọ, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý cấp phép các tổ chức tín dụng và hoạt động NH (Cơ quan Thanh tra giám sát - NHNN), cho biết NHNN đang lên một kế hoạch chi tiết để có thể xử lý được tình trạng này. Cụ thể, tiến hành đánh giá thận trọng nguồn lực tài chính để từ chối những NĐT không có đủ năng lực tài chính, sử dụng vốn vay tín dụng để góp vốn, mua cổ phần và tham gia tái cơ cấu NH; tăng cường giám sát đối với các cổ đông và NĐT lớn của NH trong quan hệ tín dụng với NH để hạn chế nguy cơ bị lạm dụng, chi phối bởi lợi ích nhóm…
VAMC làm “biến dạng” nợ xấu
Tại hội thảo, chuyên gia kinh tế - tiến sĩ (TS) Trịnh Quang Anh bày tỏ lo ngại việc VAMC mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt, bản chất chỉ dọn nợ từ bên này sang bên kia, không làm giảm nợ xấu. Hệ lụy của nó làm biến dạng các chỉ số thống kê từ tỷ lệ nợ xấu, dư nợ tín dụng… làm méo mó hoạt động của hệ thống NH.
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng, rủi ro của trái phiếu là không phải tiền mặt, tiền tươi, nó sẽ khiến quá trình xử lý sau này trở nên phức tạp. Còn tiến sĩ Cấn Văn Lực, Cố vấn cấp cao của HĐQT Ngân hàng BIDV, khẳng định mua nợ xấu bằng trái phiếu bản chất nợ chưa thay đổi, nợ vẫn còn đó, con nợ và tài sản đảm bảo vẫn còn đó. Vì là sáng kiến mới nên không chỉ quốc tế, mà đến VN cũng chưa có phương thức nào để hạch toán đúng trái phiếu này vào bảng cân đối tài sản các NH cho phù hợp.
Ông Simon Andrews, Giám đốc Công ty tài chính IFC khu vực VN - Campuchia - Lào và Thái Lan, bày tỏ lo ngại về con số nợ xấu thực hiện nay của VN, khi có quá nhiều cách phân loại dẫn tới khó xử lý. Chuyên gia này cho biết, các NĐT nước ngoài hiện nay vô cùng quan tâm và muốn mua lại nợ xấu của VN. “Nợ xấu không phải là chấm hết, nó thậm chí còn rất hấp dẫn, bởi còn được cơ cấu lại theo chu kỳ của nền kinh tế. Các NĐT nước ngoài rất quan tâm và muốn tham gia nhưng với điều kiện VAMC phải có cơ chế mua bán thuận lợi. Giá nợ xấu được xác định nhanh chóng, cơ chế mua nhanh và bán nhanh”, ông Andrews kiến nghị.
Anh Vũ - Hương Giang