Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Quang Mạnh - cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch - đầu tư, cho biết:
- Triển khai ĐKKD qua mạng là thực hiện nghị quyết số 59/2007/NQ-CP của Chính phủ. Việc chuẩn bị đã được tiến hành rất cẩn thận, với sự tham gia của nhiều bộ, ngành, địa phương, trong đó có cả các TP lớn như TP.HCM, Hà Nội. Đến tháng 1-2013, Bộ Kế hoạch - đầu tư đã ban hành thông tư hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp, hình thành khung pháp lý cho thực hiện ĐKKD qua mạng, giúp giảm thời gian đi lại, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (có hiệu lực từ ngày 15-4-2013). Đến nay hệ thống vẫn đang hoạt động ổn định.
* Thực tế trước đây ở một số địa phương như TP.HCM đã triển khai ĐKKD qua mạng. Nay việc vận hành ứng dụng ĐKKD qua mạng trên nền tảng Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia có khác gì và ảnh hưởng ra sao đến hệ thống đăng ký trước đây, thưa ông?
- Từ năm 2003, TP.HCM đã thực hiện cho phép ĐKKD qua mạng, đây là bước đột phá đáng ghi nhận. Khi đó chưa có chữ ký điện tử nên TP.HCM cho phép doanh nghiệp scan hồ sơ, tài liệu gửi đến cơ quan chức năng để được xem xét, xử lý trước. Sau đó, doanh nghiệp sẽ đem hồ sơ bản giấy với đầy đủ chữ ký, tài liệu cần thiết đến nộp. Khi được chấp thuận, họ sẽ phải đến tận nơi để nhận giấy chứng nhận ĐKKD. Đây là cách làm bán thủ công, vận dụng linh hoạt để phù hợp với điều kiện thực tế tại nước ta là nhiều người chưa có chữ ký số.
Để tạo lập cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, cho phép ĐKKD qua mạng hoàn toàn, người dân không cần đến trụ sở cơ quan nhà nước và giúp người dân ở bất cứ đâu tại VN đều có thể đăng ký qua mạng, Bộ Kế hoạch - đầu tư đã chủ trì tổ chức xây dựng ứng dụng ĐKKD điện tử, tích hợp trên cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, có tham khảo, kế thừa quy trình, tính hiệu quả ở từng địa phương để xây dựng hệ thống.
Đặc biệt, với những địa phương có lượng doanh nghiệp lớn như TP.HCM, Bộ Kế hoạch - đầu tư đã mời những cán bộ kinh nghiệm từng xây dựng phần mềm ĐKKD của TP tham gia xây dựng hệ thống của quốc gia, từ khâu xây dựng đặc tả kỹ thuật tới thử nghiệm, vận hành. Đến nay có thể khẳng định người dân trên cả nước đã hoàn toàn có thể và được khuyến khích thực hiện tra cứu, ĐKKD qua mạng Internet tại địa chỉ:http://dangkykinhdoanh.gov.vn.
* Nhiều doanh nghiệp cho biết vẫn khó đăng ký qua mạng. Người dân có quyền lựa chọn không nếu họ chưa có đủ hạ tầng cần thiết để đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng?
- Do điều kiện về công nghệ của đại bộ phận người dân còn hạn chế nên chúng tôi đã kế thừa và tích hợp lại cơ chế bán thủ công của TP.HCM, tức người dân chưa có chữ ký điện tử muốn ĐKKD vẫn có thể gửi hồ sơ qua đường điện tử, sau đó đến nộp bản giấy của hồ sơ như cũ.
Bên cạnh đó, những người đã có chữ ký điện tử có thể thực hiện toàn bộ quy trình đăng ký doanh nghiệp trực tuyến trên cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia và thanh toán lệ phí bằng thẻ tín dụng. Sau đó, họ sẽ được trả giấy chứng nhận ĐKKD qua mạng hoặc qua đường bưu điện, tức hoàn toàn không phải đến cơ quan chức năng.
Hiện nay, bất cứ ai có nhu cầu đều có thể vào cổng điện tử:http://dangkykinhdoanh.gov.vn để đăng ký thành lập doanh nghiệp trực tuyến 24/24 giờ. Tại đây, người dân có thể kiểm tra tên doanh nghiệp để tránh trùng lặp khi đăng ký, rà soát, hiệu đính thông tin ĐKKD. Cổng thông tin cũng là kênh tiếp nhận phản hồi, kiến nghị, khiếu nại từ cộng đồng doanh nghiệp về các thủ tục ĐKKD trên cả nước, nhằm nhanh chóng điều chỉnh chính sách cũng như nội dung quản lý nhà nước cho phù hợp.
CẦM VĂN KÌNH
10 phút xong một bộ hồ sơ Theo Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM, hệ thống ĐKKD toàn quốc có hai quá trình được bắt đầu từ năm 2010 khi đưa vào vận hành hệ thống chung, đến tháng 6-2013 hệ thống ĐKKD qua mạng mới chính thức đi vào hoạt động. Riêng tại TP.HCM trong ba tháng đi vào hoạt động có chưa tới 100 doanh nghiệp vào đăng ký. Theo đánh giá của sở, đây là con số còn quá thấp, lý do có thể là doanh nghiệp chưa quen với hệ thống đăng ký kinh doanh (ĐKKD) mới. Ghi nhận tại phòng ĐKKD Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM thời điểm này, một tổ chuyên trách đã được lập ra chuyên giải quyết các hồ sơ ĐKKD qua mạng. Anh Cù Thành Đức, một chuyên viên của sở, cho biết nhờ hệ thống ĐKKD, các doanh nghiệp chỉ cần đăng ký thông tin theo các danh mục có sẵn và nhấn xác nhận bằng chữ ký điện tử thay vì phải lên trực tiếp tại sở như trước đây. “Với các hồ sơ hợp lệ thì chỉ cần 10 phút là xong một bộ hồ sơ, sau đó trình lãnh đạo xem lại, chuyển qua thuế kiểm tra quá trình này hoàn toàn online nên doanh nghiệp chỉ cần ngồi nhà cũng biết được hồ sơ mình đến đâu, có vướng mắc gì” - anh Đức cho hay. Tuy nhiên mỗi ngày chỉ rải rác 4-5 doanh nghiệp nộp hồ sơ về thông qua hệ thống mạng này. Ông Nguyễn Thái Thuật Hiền - phó giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ giải pháp cảnh quan (LSS) tại TP.HCM - cho biết hiện chữ ký điện tử rất hay nhưng phần lớn doanh nghiệp chưa quen. Mặt khác chữ ký điện tử này phải đăng ký của người đại diện pháp luật nhưng người đại diện pháp luật với vị trí của họ rất ít khi ngồi trực tiếp làm mà phần lớn là nhân viên làm nên vấn đề rủi ro cao. Đặc biệt, phí đăng ký chữ ký số còn quá cao. Cụ thể theo ông Hiền, để đăng ký mỗi tháng doanh nghiệp phải trả hơn 1 triệu đồng phí duy trì chữ ký này. Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM cũng cho rằng phí duy trì chữ ký số đang là trở ngại lớn khiến doanh nghiệp từ chối đăng ký chữ ký này. ĐÌNH DÂN
|