'Làm thủ tục kinh doanh trong 60 ngày chỉ là lý thuyết'
'Làm thủ tục kinh doanh trong 60 ngày chỉ là lý thuyết'
Doanh nghiệp trong và ngoài nước đều
nhận định thủ tục đầu tư phức tạp, chồng chéo đang cản trở quá trình
đầu tư và khiến môi trường kinh doanh của Việt Nam xấu đi.
Trao đổi tại Hội thảo về Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực dự
án đầu tư tổ chức ngày 20/8, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội
Nhà thầu và cũng là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Đầu tư dầu khí
Toàn Cầu (GP Invest) nhận định môi trường kinh doanh tại Việt Nam đang
ngày càng khó khăn do sự phức tạp của các thủ tục.
“Doanh nghiệp chúng tôi hiện có dự án tại Hà Nội, Phú Thọ và TP HCM
nhưng không ở đâu việc hoàn thành thủ tục chấp thuận đầu tư chỉ mất 60
ngày theo quy định”, ông Hiệp phản ánh. Thậm chí, một dự án đơn vị ông
hoàn thành nhanh nhất tất cả các thủ tục giấy tờ cũng phải mất tới 14
tháng.
|
Nhà đầu tư đều lo ngại về thủ tục hành chính tại Việt Nam. Ảnh: DDDN |
Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho
thấy thủ tục đầu tư, đất đai và xây dựng đang cản trở hoạt động của
doanh nghiệp.
"Trong 8.053 doanh nghiệp dân doanh tham gia khảo sát Chỉ số năng lực
cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2012, thủ tục xây dựng, bảo hiểm xã hội,
đăng ký doanh nghiệp, cấp giấy chứng nhận đầu tư, đất đai và thủ tục
thuế là những lĩnh vực doanh nghiệp thường gặp khó khăn nhất khi thực
hiện các khâu hành chính", ông Đậu Anh Tuấn - Phó Trưởng ban Pháp chế
VCCI cho hay.
Khảo sát các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động ở Việt Nam cho kết quả
tương tự khi các thủ tục liên quan đến hải quan, đất đai, tài nguyên và
môi trường, xây dựng, thuế... là những nhóm thủ tục khiến doanh nghiệp
"nản nhất".
Sự phức tạp, chồng chéo và chia cắt của hệ thống pháp luật cũng khiến
các chính sách giảm hiệu lực thi hành, VCCI nhận xét. Chẳng hạn, từ khi
nhà đầu tư có ý định đến khi xây dựng nhà máy liên quan tới 4 lĩnh vực
đầu tư, đất đai, môi trường và xây dựng thì riêng thủ tục hành chính đã
chịu sự điều chỉnh của 5 bộ Luật, 10 Nghị định, 9 Thông tư và một lượng
lớn văn bản hướng dẫn cấp tỉnh. Vốn đã phức tạp, các văn bản này lại
thường xuyên sửa đổi khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Không chỉ vậy, với mỗi địa phương thì thủ tục đầu tư lại khác nhau. Ông
Tuấn lấy ví dụ về việc đánh giá tác động môi trường thì tại Bắc Ninh,
nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục này sau khi được duyệt quy hoạch chi
tiết và trước khi xin ý kiến thiết kế cơ sở, cấp giấy chứng nhận. Nhưng
tại Thái Nguyên, nhà đầu tư phải thực hiện ngay sau khi bổ sung kế hoạch
sử dụng đất và trước khi cấp chứng chỉ quy hoạch.
Ngoài ra, Việt Nam vẫn chưa có một quy trình thủ tục đầy đủ, thống nhất
từ khi chuẩn bị dự án đến lúc vận hành, khiến nhà đầu tư và doanh
nghiệp phải dành nhiều công sức để tìm hiểu và thực hiện các thủ tục
liên quan. Thông tin trong các hồ sơ bị trùng lắp cũng làm mất thời gian
của doanh nghiệp.
Ví sự phức tạp của thủ tục hành chính như một ma trận, ông Hiệp chỉ
biết than thở: "Chúng tôi là người Việt đầu tư trên đất Việt còn cảm
thấy rất mông lung thì nhà đầu tư nước ngoài còn kinh khiếp hơn vì không
biết tháo gỡ từ đâu”.
Thừa nhận điều này, đại diện Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam
(Amcham) bày tỏ, một dự án đầu tư bất động sản doanh nghiệp trong nước
muốn hoàn thành các thủ tục cấp phép phải mất tới hơn 34 bước với thời
gian 500 đến 800 ngày, nhưng sẽ còn lâu hơn nếu là nhà đầu tư nước
ngoài. "Sự chậm trễ trong việc cấp phép dự án đầu tư khiến sẽ làm giảm
hiệu quả sử dụng vốn, môi trường đầu tư đi xuống", vị này nhận xét.
Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Quốc Hiệp thừa nhận hiện không có cơ
chế nào bảo vệ nhà đầu tư, khiến họ luôn phải chịu áp lực. “Có những rủi
ro không ai chia sẻ, mà nếu là rủi ro liên quan đến thủ tục hành chính
thì doanh nghiệp đành phải chấp nhận”, vị này phát biểu.
Do đó, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI đề xuất thời gian tới phải có
một bộ thủ tục về đầu tư thống nhất trong cả nước, thậm chí phải ban
hành hẳn một luật về thủ tục đầu tư. "Nền kinh tế đã chuyển sang giai
đoạn mới khi mà thu hút đầu tư hướng nhiều hơn về chất lượng, việc thay
đổi các ưu đãi đầu tư là quyền của chúng ta nhưng thủ tục đầu tư dứt
khoát phải đảm bảo tính minh bạch, tránh việc tham nhũng, tạo điều kiện
cho nhà đầu tư", ông Lộc nói.
Theo báo cáo mới nhất về xếp hạng năng lực cạnh tranh được Ngân hàng
thế giới (WB) công bố, Việt Nam đứng thứ 99 trong tổng số 185 quốc gia
được khảo sát, không thay đổi so với kỳ trước đó. Tuy nhiên, vấn đề bảo
vệ nhà đầu tư tại Việt Nam vẫn bị đánh giá thấp khi xếp thứ 169, hạ hai
bậc so với năm ngoái và nằm ở nhóm cuối của bảng xếp hạng. Một số vấn đề
cũng không được đánh giá cao là cấp phép kinh doanh, thanh toán thuế và
giải quyết thủ tục phá sản. |
Huyền Thư
|