Nhà cho Tây thuê vắng khách Nhà cho Tây thuê vắng khách
Treo biển nhà cho thuê hơn 2 tháng nay, song
nhiều biệt thự ở khu vực Tây Hồ, Đội Cấn, Mỹ Đình vẫn không có khách
hỏi thăm. Cùng với tình trạng trầm lắng chung của thị trường, nhà cho
Tây thuê bắt đầu bước vào giai đoạn khó khăn.
Khác với các phân khúc chung cư, đất nền dự án, nhà cho khách nước ngoài
thuê trước đây vẫn được coi là khá bình ổn trước sự biến động của thị
trường địa ốc nhưng nay cũng bắt đầu trầm lắng. Những năm 1994 - 1995,
nguồn vốn FDI đổ vào Việt Nam tăng, người nước ngoài đến làm việc thường
mang theo cả gia đình, nên dịch vụ xây nhà cho tây thuê phát triển
nhanh chóng.
Khách nước ngoài thuê nhà nhiều nhất ở khu vực Tây Hồ, Quảng Bá, Nghi
Tàm. Khu vực Xóm Chùa (Quảng Bá) được gọi là "phố tây" bởi chỉ khoảng
600 m2, cả trong và ngoài ngõ nhỏ có tới gần 40 biệt thự cho thuê. Hầu
hết các hộ gia đình ở đây đều nhường nhà cho tây, họ thuê một căn nhà
khác với giá “Việt Nam” hơn tại những vị trí khuất, trong ngõ, hẻm nhỏ
hoặc xây nhà trên khu vực đất rau xanh.
Thời gian gần đây, thị trường nhà cho tây thuê vắng khách hơn hẳn. Ảnh: Thanh Hoa.
|
Giá nguyên vật liệu đầu vào để hoàn tất một ngôi nhà cũng không
tăng chóng mặt như hiện nay. Chi phí xây xong một căn nhà được gọi là
“biệt thự” khoảng 2 tỷ đồng, cho người nước ngoài thuê với giá 1.000 USD
đến 2.500 USD mỗi tháng, sau hơn 3 năm chủ nhà sẽ thu hồi vốn. Hầu hết
những gia đình cho tây thuê nhà có đời sống khá giả, có thể cho con đi
du học, mua ôtô hay đi du lịch nước ngoài. Tiếng lành đồn xa, dịch vụ
cho tây thuê nhà ngày càng được quan tâm.
Nhưng hiện nay, để đầu tư cho một biệt thự dành cho tây thuê, chủ nhà
phải chi phí trên 5 tỷ đồng, gấp đôi hoặc gấp 3 lần số tiền trước đây.
Nếu như đầu tư thêm sân vườn, bể bơi hay máy nổ (máy phát điện), chi phí
còn lớn hơn. Trong khi đó giá thuê chỉ tăng từ 500 USD đến hơn 1.000
USD mỗi tháng.
Chi phí xây dựng tăng, các chủ nhà muốn nhanh có khách tây đến thuê để
thu hồi vốn, thậm chí tiền xây dựng còn là tiền vay mượn để cho kịp với
xu hướng. Gia đình anh Nguyễn Văn Tiến (Tây Hồ) cho hay, sau khi xây
xong nhà, anh đã nhanh chóng tìm thuê một căn nhà khác. "Xây nhà tiền tỷ
mà ở thì tiếc lắm, biết bao giờ gỡ lại vốn, nên dọn ra ngoài trước chờ
khách tây thuê, để họ có thể ở ngay lập tức”, anh Tiến chia sẻ.
Chi phí để hoàn thiện
nhà lớn, nhưng phải hơn 5 năm, chủ nhà mới có thể thu hồi vốn, trong
tình trạng thị trường ảm đạm như hiện nay. Ảnh: Thanh Hoa.
|
Các căn hộ, biệt thự cho thuê mọc lên ngày càng nhiều, trái lại,
khách tây có nhu cầu ngày càng thưa thớt. Những tấm biển cho thuê được
treo ngay tại căn nhà cùng số điện thoại liên lạc hàng tháng trời không
có ai gọi hỏi thăm.
Tại khu vực Mỹ Đình, chị Huyền Trang (chủ nhà) căng biển “house for
rent” đã lâu nhưng không có khách tây nào hỏi, chỉ có 1 số khách Việt
thuê kinh doanh hàng ăn, sợ hỏng nhà nên chị không cho thuê mà chờ khách
tây cho “được giá”. Chị Trang lo lắng: "Vì lý do giá cao đã đành, tôi
sẵn sàng bớt, nếu không làm sao thu hồi vốn được, nhưng thậm chí còn
không có khách đến hỏi nữa”.
Khu vực “phố tây” ở Quảng Bá, Nghi Tàm (Tây Hồ, Hà Nội), tình hình sáng
sủa hơn. Những căn nhà hoàn thiện vẫn có khách vào thuê, nhưng số lượng
đến hỏi thuê không được dồn dập như trước. Trước đó, căn nhà màu trắng
200m2 của Anh Nguyễn Kiên Trung (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết khi đang trong
khâu hoàn thiện, nhà của anh cũng có tới chục khách đến hỏi giá, điều
kiện thuê. Nhưng khi hét tới 3.500 USD một tháng, lập tức khách "bặt vô
âm tín" vì chê đắt.
Ở khu vực phố tây, mức giá thuê vẫn ổn định, từ 3.000 USD đến 4.500 USD
mỗi tháng, nhưng ở những khu vực khác như Mỹ Đình, đường Lạc Long Quân,
Thanh Xuân (Cầu Giấy), giá thuê một căn nhà diện tích và điều kiện tương
đương chỉ từ 1.300 USD đến 2.000 USD một tháng. Trừ các khoản lãi do
vay mượn để xây dựng, và tiền thuê nhà ngoài mỗi tháng khoảng 5 đến 8
triệu, phải sau từ 5 đến 7 năm, chủ nhà mới có thể thu hồi vốn. Đó là
chưa kể đến chi phí tu sử lại nhà sau 5 năm: lăn lại sơn, thay các thiết
bị vệ sinh… làm mới căn biệt thự và thu hút khách ngoại đến thuê ở.
Anh Hoàng Mạnh Thắng, Công ty Bất động sản Megaland cũng cho biết gần
đây, số lượng khách nước ngoài đến các văn phòng bất động sản tìm thuê
nhà giảm mạnh so với trước đây, trong khi các chủ nhà đến đăng ký cho
tây thuê lại tăng. "Khu Quảng Bá Tây Hồ vốn đắt khách vì an ninh tốt
nhưng đến nay cũng đã giảm chút", anh Thắng cho hay. Theo số liệu của
Tổng cục thống kê, Thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm
đến 22/6 đạt hơn 5,6 tỷ USD, bằng 56,7% cùng kỳ năm ngoái. Vốn đăng ký
vào khoảng 4,4 tỷ USD của các dự án được cấp phép mới giảm 49,9%. Tính
chung 6 tháng, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện sáu tháng đầu
năm ước tính đạt 5,3 tỷu USD, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm 2010.
Ông Đào Mạnh, Giám đốc Công ty cổ phần quản lý và đầu tư bất động sản
Kiến Vàng, đơn vị chuyên tư vấn cho người nước ngoài thuê cho hay, vốn
FDI đổ vào Việt Nam ngày càng giảm dẫn đến khách nước ngoài tới Việt Nam
cũng bớt đi. Phân khúc nhà cho người nước ngoài thuê ở các phố Đội Cấn,
Mỹ Đình, Trung Hòa, Nhân Chính, Nghi Tàm, Xuân Diệu, Tô Ngọc Vân trong
hơn hai tháng đổ lại đây khá ảm đạm. "Trong số 20 chủ nhà ráo riết tìm
khách thuê thì chỉ có khoảng 2-3 thương vụ thành công", ông Mạnh cho
biết.
Lạm phát tăng cao, các công ty lớn và tổ chức nước ngoài nhiều đơn vị
cắt giảm nhân sự và chuyển ra thuê ở các khu vực giá rẻ gây sức ép giảm
giá cho thuê đối với chủ nhà. Tuy nhiên, mặc dù giảm đến 20-25%, khách
thuê vẫn không mặn mà, thay vào đó, họ dịch chuyển ra các nhà cho thuê
khác, giá "bèo" hơn. "Các khách thuê trước đây sẵn sàng bỏ 1.500 USD -
2.000 USD thì nay chỉ bỏ khoảng 800-1000 USD cho chi phí nhà", ông Mạnh
nói.
Cũng theo ông Mạnh, sau vụ động đất diễn ra hồi tháng 3, nhiều khách
Nhật đã rút về nước kéo theo đó là hàng loạt khu nhà cho đối tượng này ế
ẩm. Nguồn cung tăng khoảng 30-40% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi
lượng khách ít dần càng làm thị trường ảm đảm. "Cùng với tình trạng trầm
lắng chung của thị trường, nhà cho Tây thuê bắt đầu bước vào giai đoạn
khó khăn. Tình trạng này sẽ còn kéo dài đến khi lạm phát được đẩy lùi,
vốn FDI đổ vào VN tăng lên", ông Mạnh cho hay.
Theo VnExpress
|