Một năm diễn biến trái chiều của bất động sản Nam - Bắc Thông tin công bố về 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội và
trục Thăng Long, bắt đầu từ đường Hoàng Quốc Việt tới chân núi Ba Vì
thuộc địa phận Hà Tây cũ, khiến đất khu vực này tăng giá tới 2-3 lần.
Sức nóng từ những vùng ăn theo quy hoạch còn lan tỏa
sang nhiều khu vực khác khiến đất ở Tây Hồ, Gia Lâm, Đông Anh... cũng
tăng giá theo. Đặc biệt, đất nền dọc đường Lê Trọng Tấn, Kim Chung Di
Trạch rồi Ba Vì, Tiến Xuân, Đông Xuân, Yên Bình... thuộc phía Tây thành
phố có mức tăng giá chóng mặt.
Cơn sốt ăn
theo quy hoạch đã lôi cuốn hàng loạt nhà đầu tư, cũng như dân công sở
nháo nhào đi buôn đất. Chính phủ, Bộ Xây dựng, UBND TP đã phải vào cuộc,
liên tiếp đưa ra hàng loạt kế sách nhằm hạ nhiệt thị trường. Chỉ khoảng
hơn một tháng sau, đất đai ở nhiều khu vực, nhất là Ba Vì đã hạ nhiệt.
Nhiều nhà đầu tư nhanh tay thì hốt bạc tỷ, số khác vỡ mộng ngay tại chân
núi Ba Vì.
Sau cơn sốt, thị trường địa ốc Hà Nội lại rơi vào
trạng thái trầm lắng. Thêm vào đó Nghị định 71 có hiệu lực từ 8/8 đã tác
động mạnh lên thị trường. Theo quy định mới, các bên chỉ được ký hợp
đồng ủy quyền công chứng quyền sử dụng, bán, cho thuê khi nhà đã xây
xong và mỗi người chỉ được sở hữu một nhà trong mỗi dự án.
Giới chuyên gia nhận định, nghị định này làm thị
trường minh bạch hơn nhưng đồng thời cũng siết chặt cửa 'lướt sóng' đối
với nhà đầu tư. Thêm vào đó, ngân hàng chưa mở rộng hầu bao nên thị
trường bất động sản vẫn trong tình cảnh khát vốn.
Những tháng cuối năm, địa ốc Hà Nội lại tiếp tục tăng
giá cục bộ ở một số khu vực quanh các trục đường mới thông. Tiêu biểu là
khu vực quanh đường Lê Văn Lương, đại lộ Thăng Long, giá tăng 10-25%,
nhưng lượng giao dịch thành công không nhiều. Cuối năm, thị trường địa
ốc được chứng kiến nhiều chủ đầu tư ồ ạt ra hàng hâm nóng thị trường bất động sản. Tuy nhiên, động thái này không tạo ra sóng lớn cho thị trường.
|
Việc chủ đầu tư ồ ạt tung hàng cuối năm kèm các hình thức ưu đãi có thể coi là động thái hâm nóng thị trường. Ảnh: Hoàng Lan. |
Thị trường bất động sản TP HCM năm 2010 trượt dài trong sự trầm lắng, không có nhiều giao dịch thành công.
Trong quý I, ngoại trừ việc giá thuê mặt bằng bán lẻ sốt, các phân khúc
còn lại của bất động sản TP HCM giẫm chân tại chỗ. Căn hộ và đất nền
đều đứng giá, giao dịch thành công không nhiều, còn văn phòng cho thuê
đứng tiếp tục giảm giá so với cuối năm 2009.
Thậm chí, quý I còn là thời điểm bất động sản TP HCM
lép vế so với người láng giềng Đồng Nai - nơi đang chạy đua hạ tầng để
triển khai hàng loạt các dự án khu đô thị lớn.
Bước sang quý II tình hình cũng chẳng khá hơn là bao.
Nhiều doanh nghiệp ở Sài Gòn thậm chí còn chào bán bất động sản vùng ven
ở Bình Dương, Đồng Nai trong khi thị trường nhà đất TP HCM rơi vào tình
trạng chờ. Các động thái giảm giá và ưu đãi cho khách hàng mua nhà chưa
đủ sức làm tăng nhiệt cho thị trường.
Tuy nhiên, không khí các "chợ" bất động sản có chút
thay đổi trong quý II khi Công ty Đất Lành xây căn hộ mẫu siêu nhỏ 20-40
m2, giá khoảng 350 triệu đồng một căn và mời khách hàng đến xem để lấy ý
kiến. Giới kinh doanh bất động sản kỳ vọng căn hộ siêu nhỏ sẽ đánh thức
thị trường nhà đất tại TP này.
|
Trục Đại lộ Đông Tây trở thành tâm điểm của nhiều dự án ăn theo hạ tầng. Ảnh: K.C. |
Nhưng mọi khó khăn đổ ập vào quý III, thị trường căn
hộ và đất nền chìm trong yên ắng ngoại trừ một số dự án ăn theo trục Đại
lộ Đông Tây được khách hàng quan tâm nhiều hơn. Thời điểm này hàng loạt
các dự án bất động sản giá trung bình, diện tích vừa phải thi nhau
trình làng tại các quận 9, 12, Thủ Đức, Tân Phú, Bình Tân, huyện Nhà Bè,
Bình Chánh. Mặc dù nhu cầu căn hộ giá trung bình được đánh giá rất lớn
nhưng khả năng chi trả của nhóm khách hàng này (công chức, vợ chồng trẻ,
người độc thân) vẫn còn hạn chế.
Thị trường nhà đất quý IV càng trở nên ngột ngạt hơn
khi tại TP HCM nổ ra hàng loạt vụ tranh chấp trong nhà chung cư. Trong
hai tháng 10-11, tại Sài Gòn đã diễn ra ít nhất 7 vụ lộn xộn dẫn đến
xung đột và tranh chấp trong nhà chung cư. Thị trường không những phải
nối tiếp không khí trầm lặng mà còn chịu sức ép khi lãi suất dâng cao
vào tháng 12.
Điểm sáng duy nhất xuyên suốt thị trường địa ốc TP HCM
năm 2010 là nguồn cung tăng đều. Theo thống kê của các đơn vị tư vấn,
quản lý, trong quý I, nguồn cung là 3.200 căn hộ, quý II tăng thêm 2.900
căn hộ. Đặc biệt trong quý III, thị trường đón nhận một nguồn cung khá
dồi dào với khoảng 7.200 căn hộ từ 20 dự án mới.
Hơn 75% tổng nguồn cung là căn hộ có giá trị 780-810
USD mỗi m2. Các khu vực quận 2, 7, Tân Phú, Bình Tân có số lượng căn hộ
chào bán lớn nhất, chiếm hơn 45% tổng nguồn cung. Phân khúc căn hộ trung
bình đang chiếm thế thượng phong trên thị trường và xu hướng này được
đánh giá sẽ càng đậm nét hơn trong vài năm tới, đặc biệt ở các khu vực
ven trung tâm TP HCM.
Điều đáng lưu ý là năm 2010 chứng kiến sự sự tăng
nhanh của giá vàng đã ảnh hưởng không nhỏ đến giao dịch bất động sản.
Theo các chuyên gia kinh tế, sự thiếu ổn định của tỷ giá hối đoái khiến
các nhà đầu cơ và đầu tư cá nhân e ngại. Thêm vào đó, tín dụng hạn chế
và chi phí vay cao hơn đang trở thành mối lo lớn vì cả chủ đầu tư và
khách hàng. Đây cũng là các nguy cơ tiềm ẩn đe dọa thị trường bất động
sản hiện nay.
Hoàng Lan - Vũ Lê
|