Để được ứng cử vào danh sách đủ điều kiện vay ưu đãi gói 30.000 tỷ, lại
vừa đẩy được hàng tồn kho, nhiều doanh nghiệp bất động sản chớp thời
cơ, xin chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội.
Theo thống kê mới nhất của Bộ Xây dựng, cả nước có 157 dự án nhà ở xã
hội đang được triển khai xây dựng với quy mô 68.500 căn hộ, tổng mức đầu
tư khoảng 19.900 tỷ đồng. Trong đó bao gồm 58 dự án nhà ở xã hội dành
cho người thu nhập thấp với quy mô trên 33.000 căn, tổng mức đầu tư
khoảng 10.900 tỷ đồng; 99 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân, với quy
mô khoảng 35.500 căn hộ, tổng mức đầu tư trên 9.000 tỷ đồng).
Tính đến cuối tháng 5/2013, cả nước có 47 dự án nhà ở thương mại đăng
ký chuyển đổi thành dự án nhà ở xã hội, trong đó Hà Nội có 21 dự án,
Tp.HCM có 23 dự án, Đồng Nai có 2 và Bà Rịa - Vũng Tàu có 1 dự án.
|
Nhà ở xã hội đang "hút" nhiều doanh nghiệp |
Trước thực trạng nhiều dự án nhà ở thương mại ồ ạt xin chuyển sang nhà ở
xã hội, trao đổi với PV Infonet, ông Phan Trí Quyết, Phó Giám đốc Công
ty CP Đầu tư xây dựng và Phát triển nhà Hà Nội số 5 (Handico5) chia sẻ:
Không phải nhà xã hội xây chỗ nào cũng bán được, nhà xây tận Quốc Oai
thì bán cho ai? Do vậy, phát triển nhà xã hội cần có quy hoạch cụ thể,
xác định vị trí làm sao để người dân không bị đẩy đi cự ly quá xa so với
chỗ đi làm, đồng thời phải đảm bảo hạ tầng người dân mới mua, mới dám
ở.
"Ví như: tại sao nhà thu nhập thấp xây ở Sài Đồng (Long Biên) lại bán
chạy hơn so với nhà xây ở Đặng Xá (Gia Lâm) mà chỉ cách nhau có vài cây
số?!".
“Quan trọng nhất là vị trí, phải cân nhắc khi duyệt dự án nếu không thì
nơi thừa vẫn cứ thừa và nơi thiếu vẫn cứ thiếu”, ông Quyết nhấn mạnh.
Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thì
mặc dù hiện nay nguồn cung nhà ở xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu của
người dân, nhưng sự phát triển của hàng loạt các dự án nhà ở xã hội thời
gian tới sẽ dẫn đến sự tăng mạnh về nguồn cung.
Điều đáng nói, nếu chủ đầu tư không tính toán kỹ mà cứ vội vã đua nhau
chuyển đổi, không tính tới nhu cầu thực tế thì đến lúc nào đó lại xảy ra
tình trạng thừa nhà xã hội trong tương lai giống như nhà cao cấp, biệt
thự hiện nay.
Tán đồng quan điểm trên, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây
dựng Việt Nam nói thêm: Nhiều doanh nghiệp muốn nắm bắt cơ hội để được
vay ưu đãi gói 30.000 tỷ nên đua nhau xin chuyển đổi nhà thương mại sang
thành nhà ở xã hội. Nhưng nếu làm mà không có sự khảo sát, nghiên cứu
kỹ thị trường, bạ đâu cũng chia nhỏ, dự án nào cũng chuyển đổi sang nhà
xã hội mà không cần biết đến nhu cầu của người dân ra sao thì sẽ lại
thành dư thừa, gây ra lãng phí.
Ông Liêm nhấn mạnh: Giải quyết tồn kho nhà ở xã hội khó hơn nhiều lần so với tồn kho nhà ở thương mại.
Thực tế, hiện một số dự án chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã
hội tại Hà Nội nằm vị trí khá xa so với trung tâm thành phố. Đơn cử như
dự án Sunny Garden City nằm ở địa bàn huyện Quốc Oai hay dự án của
Viglacera ở khu đô thị Đặng Xá 2, Gia Lâm.
Trong khi đó, rất nhiều dự án nhà ở thương mại có giá bán trên thị
trường giá 12-15 triệu đồng/m2, dù đắt hơn nhà thu nhập thấp khoảng 2- 3
triệu đồng/m2, nhưng lại ở vị trí thuận tiện, thủ tục mua bán đơn giản,
nhanh chóng.