Hà Nội hiện có 21 dự án xin chuyển
từ nhà thương mại sang xã hội. Tuy nhiên, nhiều công trình trong số này
đã thi công đến 10 năm vẫn là bãi đất trống, chưa có nổi móng nhà.
Rất nhiều dự án trong số xin chuyển sang nhà ở xã hội có vị trí khá
đẹp, nằm ở những mặt đường lớn. Được cấp phép từ cách đây vài năm, thậm
chí hàng chục năm nhưng nhiều dự án vẫn chưa giải tỏa. Điển hình trong
số này phải kể đến 2 dự án của Công ty cổ phần Bách Hóa. Một nằm ở số
352 Giải Phóng (Thanh Xuân) hiện vẫn là một xưởng in đang hoạt động,
phần còn lại là nhà dân
Còn tại dự án 486 Ngọc Hồi (Thanh Trì) cũng chưa có động tĩnh nào. Một
phần khu đất hiện là tổng kho của chủ đầu tư, một phần là khu dân cư
đang sinh sống. Chưa giải phóng xong mặt bằng cũng là tình trạng của dự án chung cư Trung Văn mở rộng tại Từ Liêm.
Tại dự án 143 Trần Phú (Hà Đông) do
Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Sông Đà (SDU) làm chủ đầu tư
cũng trong tình trạng cũng tương tự. Xây dựng trên nền đất thuộc bến xe Hà Đông cũ, đây là dự án đầu tiên đã được TP Hà Nội thông qua việc chuyển đổi sang làm nhà xã hội. Theo đó, một trong 2 tòa nhà tại đây sẽ được chuyển sang nhà thu nhập thấp với hơn 500 căn hộ. Tuy
nhiên, cho đến nay, một số công trình của bến xe vẫn còn nguyên. Sân bê
tông dùng làm bãi đỗ xe, tập kết giàn giáo xây dựng và một số hàng quán
mọc lên.
|
Trên khu đất 143 Trần Phú, Hà Đông vẫn còn công trình của bến xe Hà Đông cũ. Ảnh: Anh Quân
|
Một
số dự án khác, tuy không đến mức im bặt nhưng tình trạng cũng không mấy
khả quan khi tiến độ thi công ì ạch suốt nhiều tháng nay. Golden Silk (Kim Văn - Kim Lũ) do Công
ty cổ phần Vinaconex 2 (VC2) là một ví dụ. Theo quy hoạch, dự án gồm 6
tòa chung cư cao cấp và khu nhà thấp tầng. Trong đó, hai trong số 6 tòa
nhà được chủ đầu tư giao cho đơn vị thứ cấp là Doanh nghiệp tư nhân số
một Lai Châu triển khai đang được xây dựng. Gần đây, công ty này mở bán
khá rầm rộ các căn hộ tại đây với giá từ 10-14,5 triệu đồng một m2.
Phần còn lại do VC2 triển khai nhưng sau gần 3 năm, đến nay dự án mới xong phần hạ tầng và một khu nhà thấp tầng vẫn dở dang.
Nằm ngay mặt đường Hoàng Quốc Việt kéo
dài, khu đô thị thành phố Giao Lưu (Từ Liêm) từng được kỳ vọng sẽ làm
cho thay đổi bộ mặt khu vực Tây thành phố. Tuy nhiên, được phê duyệt đến
10 năm với nhiều lần thay đổi quy hoạch chi tiết nhưng theo thông báo
của chủ đầu tư, dự án vẫn đang trong quá trình chuẩn bị làm móng do khó
khăn về tài chính.
Gần đây, chủ đầu tư dự án xin điều
chỉnh cơ cấu căn hộ và chuyển đồi một phần dự án sang làm nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, nếu được thực hiện, chưa rõ tiến độ thi công của dự án liệu
có được cải thiện hay vẫn chỉ là bãi đất trống. Chưa khởi công cũng là
tình trạng của dự án nhà ở tại lô
đất CT01-CT02 thuộc dự án thuộc dự án Nam An Khánh mở rộng khu 3 do
Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị (HUD) làm chủ đầu tư.
Một dự án khác cũng vừa xin chuyển thành nhà ở xã hội là tổ hợp văn
phòng cho thuê dịch vụ thương mại và nhà để bán, số 30 Phạm Văn Đồng
(Cầu Giấy). Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Bắc Hà là chủ
đầu tư của dự án này. Theo thiết kế, khu
đất sẽ được xây dựng 2 tòa nhà cao 17 tầng nhưng sau hơn một năm triển
khai, vẫn chỉ là bãi đất trống. Một số máy móc vì quá lâu không vận hành
nên đã han gỉ.
Tình trạng dự án chung cư AZ Thăng Long
(Hoài Đức) cũng không khả quan hơn. Được khởi công năm 2011 nhưng hiện
chủ đầu tư mới thực hiện xong phần khoan cọc nhồi. Từ hơn một năm nay,
dự án đã dừng triển khai do chủ đầu tư thiếu vốn.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trên cả
nước, hiện có 56 dự án đề xuất điều chỉnh quy mô căn hộ hoặc chuyển đổi
từ nhà thương mại sang xã hội với tổng số 33.000 căn, trong đó chủ yếu
là ở Hà Nội và TP HCM. Trong đó, Hà Nội có 14.900 căn, TP HCM khoảng
14.500 căn. Trước đó, tại một hội
nghị, lãnh đạo thành phố Hà Nội cho biết, dự kiến trong năm 2013 sẽ cấp
phép chuyển đổi cho khoảng 10 dự án sang nhà ở xã hội.
Bình luận về thực trạng các dự án trên,
một chuyên gia cho biết, nhiều chủ đầu tư thiếu vốn triển khai đang coi
việc chuyển đổi là chiếc phao cứu sinh để hưởng những ưu đãi. Tuy
nhiên, những ưu đãi có thể trở thành "ngược đãi" nếu doanh nghiệp đổ xô
xây nhà xã hội trong khi chưa có cơ chế thông thoáng cho đầu ra sản
phẩm.
Nhìn vào thực trạng các dự án, chuyên
gia này cũng lo ngại nếu được chuyển đổi, không biết tiến độ có cải
thiện hay không. "Trong khi đó, việc giải phóng mặt bằng, đền bù còn
nhiều nan giải, rồi khâu hoàn tất các thủ tục cũng mất không ít thời
gian", vị này nhấn mạnh.
Ngọc Tuyên