Hình thức gây vốn từ cộng đồng đã
phát triển mạnh trên thế giới đang được đưa vào Việt Nam nhằm tìm kiếm
hỗ trợ tài chính cho những ý tưởng mới, táo bạo.
Next là tên một tác phẩm truyện tranh của công ty Idea Production với
nội dung kể về lựa chọn về tương lai của những học sinh cuối cấp. Nguyễn
Vũ Trung Kiên, giám đốc của Idea Production chia sẻ: “Lúc triển khai dự
án, tôi đặt ra mục tiêu là truyện phải cạnh tranh được với các sản phẩm
của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc”. Dự án bắt đầu từ giữa năm 2011 và
hoàn thành đầu 2012. Tuy nhiên, lúc đó, Next chưa thể xuất bản được vì
thiếu kinh phí.
Idea Production là công ty được được thành lập năm 2011 với tiền thân
là câu lạc bộ những bạn trẻ yêu thích truyện tranh. Câu lạc bộ ra đời
cách đây hơn 10 năm và các thành viên nuôi ước mơ sáng tác truyện
bằng…tiền túi của riêng mình. Nhưng, vì chưa có kinh phí, tất cả những ý
tưởng và cả những bộ truyện hoàn thành đều chưa xuất bản. Đó cũng là lý
do mà công ty chưa có dấu ấn nào trên thị trường. Và cũng vì vậy, họ
không xin được tài trợ do các dự án của mình.
Trung Kiên thừa nhận rằng, vì công ty còn non yếu nên các doanh nghiệp,
tổ chức không tin tưởng để hỗ trợ mình làm bất cứ điều gì. Nhưng, khi
kêu gọi vốn bằng hình thức crowdfunding, dự án đã được 152 người hỗ trợ
và đạt được mục tiêu gọi vốn đặt ra ban đầu là 40 triệu đồng.
|
Dự án Next kêu gọi vốn từ cộng đồng thành công |
Anh nói: “Crowdfunding đã đo được yếu tố tiền xuất bản. Yếu tố này đo
được sự hào hứng của cộng đồng. Liệu cộng đồng có thực sự muốn tác phẩm
không? Và thật vui là câu trả lời là "có". Cộng đồng đã thực sự nhận
thức được vai trò của chính họ trong việc thúc đẩy sự phát triển sự sáng
tác cũng như sáng tạo.”
Crowdfunding là hình thức gây vốn từ cộng đồng đã phát triển mạnh mẽ
trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ. Theo đó, những người chủ các dự án nghệ
thuật, công nghệ, tình nguyện…có thể tìm kiếm nguồn hỗ trợ về tài chính
từ cộng đồng thông qua một nền tảng website dành cho crowdfunding.
Những người muốn hỗ trợ sẽ đóng góp một khoản tiền (từ 20 nghìn đồng đến
2 triệu đồng) bằng thẻ thành toán quốc tế, chuyển khoản… và nhận lại
một phần thưởng từ chủ dự án tùy theo mức độ hỗ trợ. Hình thức này mở ra
cơ hội lớn cho những ý tưởng dù điên rồ, cũng có thể trở thành hiện
thực nếu được cộng đồng ủng hộ.
Crowdfunding ra đời ở Việt Nam cách đây 2 tháng bởi công ty có tên gọi
là IG9 (cách chơi chữ của từ ignite: bùng cháy). Đây cũng là công ty duy
nhất ở Việt Nam hiện nay hỗ trợ hình thức gọi vốn này. Hai người sáng
lập, Yin How (người Malaysia) và Hoàng Tuấn Anh chia sẻ: “Nhiều người
trẻ ở Việt Nam có những ý tưởng sáng tạo và ước mơ thực hiện chúng nhưng
họ không có kinh phí. Chính vì vậy, IG9 đã ra đời với mong muốn hình
thức crowdfunding có thể hỗ trợ những người như thế.”
Với dự án “Next”, con đường kêu gọi vốn lại không hề đơn giản. Không ít
người hiểu nhầm hình thức kêu gọi vốn này. Trung Kiên kể lại: “Ngay cả
bạn bè còn hiểu (crowdfunding) là kêu gọi ủng hộ từ thiện hoặc ăn xin”.
Anh thừa nhận rằng, có người còn quay lưng lại với dự án khi thấy dự án
kêu gọi vốn từ cộng đồng.
Tâm lý – niềm tin của cộng đồng là trở ngại lớn nhất. Trung Kiên ví
von: “Vậy làm thế nào để cộng đồng nghĩ đây là một hành động nghiêm túc
mang tính đầu tư chứ không phải là sự ủng hộ hay bố thí mới là vấn đề
lớn nhất”
Chase Hanoi là một triển lãm ảnh được tổ chức thường niên bởi một nhóm
sinh viên Việt Nam học tại khắp thể giới, thể hiện góc nhìn của những
người trẻ về cuộc sống. Những người điều hành dự án này không xa lạ gì
với mô hình crowdfunding trên thế giới nhưng khi kêu gọi vốn từ cộng
đồng tại Việt Nam cũng đồng tình với khó khăn mà Trung Kiên đưa ra.
Nguyễn Hà Phương, người chịu trách nhiệm PR của dự án chia sẻ “Với mỗi
người, nếu muốn để người ta hiểu mình đang làm gì, và tin vào dự án thì
mình phải giải thích cho họ rất nhiều. Đối tượng khán giả của Chase
Hanoi chủ yếu là học sinh - sinh viên, việc đóng góp tiền cho một dự án
vẫn còn là một cái gì đó khá mới mẻ và họ chưa thực sự muốn làm”’
|
Ban tổ chức Chase Hanoi chụp ảnh cùng giáo sư Ngô Bảo Châu |
Những người đứng đầu IG9 cũng thừa nhận khó khăn này như một phần rủi
ro của công việc. Hoàng Tuấn Anh, CMO của công ty nói: “Người tiêu dùng
Việt Nam còn thụ động trong việc tham gia vào việc góp ý, phản hồi về
sản phẩm và bảo vệ quyền lợi của chính mình. Trong khi với hình thức
này, người tiêu dùng không chỉ là người mua mà họ còn trực tiếp tham gia
và là một phần không thể thiếu của quá trình hình thành sản phẩm. Thay
đổi tư duy của cộng đồng là một điều không hề đơn giản và mất rất nhiều
thời gian”
Yin How, CEO của IG9 cũng nói thêm: “Ngay cả khi họ yêu mến những người
chủ dự án, ngay cả khi họ tin tưởng vào dự án, điều này cũng vẫn chưa
đủ. Những người ủng hộ, họ còn phải tin vào nền tảng crowdfunding. Và
bên cạnh thuyết phục cộng đồng tin vào dự án, chúng tôi còn phải thuyết
phục họ tin vào mình nữa”
Đang kêu gọi crowdfunding hiện là những dự án có thời gian kêu gọi vốn
rất ngắn: chỉ từ 45-60 ngày. Nếu không đủ số vốn mục tiêu đã đặt ra từ
đầu, toàn bộ số tiền sẽ được trả về cho những người hỗ trợ và người chủ
dự án sẽ không nhận được bất cứ đồng vốn nào.
Yin How, CEO của IG9 giải thích: “Việc họ sẽ không được nhận toàn bộ số
tiền sẽ trở thành động lực thúc đẩy những người tham gia dự án. Có thể,
nếu không làm như thế, sẽ có những người chủ dự án, khi số tiền gây vốn
được đạt đến một mức nào đó, họ bỗng cảm thấy hài lòng và dừng lại.
Chúng tôi không muốn thế, chúng tôi muốn cả mình và những người chủ dự
án cố gắng hết sức để theo đuổi việc gây vốn đến cùng"
Để một dự án thành công, các chủ dự án phải không ngừng tương tác với
cộng đồng của mình. Quãng thời gian 1-2 tháng kêu gọi vốn là một cuộc
chạy đua với thời gian của các chủ dự án để không ngừng chứng minh hoài
bão, ước mơ, ý tưởng và quá trình thực hiện nó để mọi người hứng thú.
Cao Xuân Việt Khương là người đầu tiên gọi vốn thành công trên IG9 với
dự án: “Hào kiệt dùng hàng Việt” với mục tiêu sản xuất ra những chiếc áo
phông in hình những anh hùng dân tộc trong lịch sử với thiết kế độc đáo
để khơi dậy tinh thần dân tộc.
Anh chia sẻ: “Không phải anh có một dự án, anh đưa lên website là xong.
Anh phải chứng minh cho người ta thấy là anh đam mê nó, anh rất muốn nó
thành hiện thực bằng cách anh cập nhật thường xuyên và kêu gọi thật là
“máu” thì cộng đồng mới thấy anh khát khao dự án của mình thành hiện
thực. Như vậy, họ mới “bỏ tiền” ra để hỗ trợ anh”
Nhưng, vì crowdfunding mới xuất hiện tại Việt Nam, nhiều người chủ dự
án không hiểu về hình thức này. Hoàng Tuấn Anh và Yin How chia sẻ rằng,
có những người muốn kêu gọi vốn từ cộng đồng nhưng không biết dự án của
mình có hợp với hình thức này hay không, có những người không có ham
muốn kết nối sản phẩm của mình đến với cộng đồng mà chỉ muốn sử dụng
crowdfunding như một hình thức quảng cáo để bán sản phẩm…
Thanh toán trực tuyến cũng là một trong những khó khăn khiến
crowdfunding khó phát triển ở Việt Nam. Trong khi, những hình thức hỗ
trợ chủ yếu là qua chuyển khoản, qua thẻ thanh toán quốc tế…Yin How lí
giải: “Chúng ta vẫn có thói quen mua bán trực tiếp. Hơn nữa, dịch vụ
thanh toán trực tuyến ở Việt Nam còn chưa phát triển nên gây khó khăn
nhất định cho những người hỗ trợ.”
Nhưng, dù rất khó khăn trong việc kêu gọi vốn từ cộng đồng, dù thành
công hay thất bại những người chủ dự án vẫn tin rằng, crowdfunding là
một cách kết nối họ, dự án của họ với cộng đồng và crowdfunding là một
cách thúc đẩy nghệ thuật và sáng tạo phát triển tại Việt Nam.
Cao Xuân Việt Khương chia sẻ: “Tôi biết ngoài kia có rất nhiều người
có ý tưởng hay ho, có ý tưởng tuyệt vời nhưng họ không có tiền để thực
hiện. Nếu crowdfunding trở nên phổ biến, nếu cộng đồng biết đến nó nhiều
hơn, tôi tin rằng sáng tạo Việt Nam sẽ có đất sống”.
Nguyễn Vũ Trung Kiên thừa nhậnsố tiền kêu gọi vốn, chưa đủ để anh xuất
bản Next. Trước khi thực hiện crowdfunding, anh đã bán đi chiếc xe máy
của mình để có kinh phí phát hành truyện. Nhưng khi dự án thành công,
anh tâm sự: “Số tiền đó không đủ để xuất bản nhưng đủ để làm tất cả vì
cộng đồng đã tin tưởng chúng tôi”
Hảo Linh