30.000 tỉ đồng ra thị trường, ngân hàng quy định rất chặt 30.000 tỉ đồng ra thị trường, ngân hàng quy định rất chặt
Hai ngày nữa gói 30.000 tỉ đồng hỗ trợ mua nhà được triển khai.
Thế nhưng theo ghi nhận của PV, hiện
nhiều ngân hàng (NH) vẫn chưa triển khai chương trình này đến các chi
nhánh. Một số NH đã triển khai nhưng quy định rất chặt.
Đến
nay cả doanh nghiệp và người dân mua nhà đều mù mờ thông tin tiếp cận
với gói tín dụng này khi NH không đưa ra bất cứ hướng dẫn gì.
Thông tin mù mờ
Với
nhu cầu mua nhà ở giá rẻ, anh Huỳnh Sang - công chức tại TP.HCM - theo
dõi sát sao từng thông tin về gói 30.000 tỉ đồng, tuy nhiên đến nay anh
vẫn mù tịt thông tin. “Chỉ còn một hai ngày nữa nhưng chúng tôi vẫn chưa
biết làm thủ tục như thế nào, liên hệ với ai, ở đâu để làm thủ tục vay
vốn. Chúng tôi đến NH hỏi thủ tục thì vẫn chưa có bất cứ hướng dẫn nào” -
anh Sang than thở.
Dưới 9 triệu đồng/ tháng là thu nhập thấp
Liên
quan đến thắc mắc về khái niệm thu nhập thấp, Thứ trưởng Bộ Xây
dựng Nguyễn Trần Nam cho biết: “Những người thu nhập thấp, có thu
nhập từ 9 triệu đồng/tháng trở xuống, không phải nộp thuế thu
nhập. Nếu trong một gia đình đi làm thì đã thu nhập 15-18 triệu
đồng/tháng. Và nếu dành 30% của thu nhập trên, tức 5-6 triệu đồng/tháng
để trả gốc và lãi hằng tháng vẫn có thể chịu được. Bây giờ tập trung
vào giúp những người thu nhập thấp chứ chưa đủ lực để giúp
toàn xã hội”.
|
Trong vai người có nhu cầu mua nhà, PV tìm
đến phòng giao dịch Phan Đình Phùng Agribank (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), cán
bộ tín dụng ở đây cho biết dù có thông tin trên báo đài nhưng đến nay
vẫn chưa có hướng dẫn từ hội sở. “Lãi suất cho vay theo gói hỗ trợ chỉ
6%/năm, rẻ hơn ít nhất 8%/năm so với lãi suất cho vay mua bất động sản
thông thường nên khách hàng đến hỏi thông tin vay vốn rất nhiều” - vị
cán bộ tín dụng cho hay. Tại BIDV chi nhánh Gia Định, cán bộ tín dụng
trả lời chưa nhận thông báo gì từ hội sở.
Trong
khi đó tại Vietinbank, một cán bộ tín dụng ở đây cho biết đã nhận được
hướng dẫn từ hội sở, nhưng do hướng dẫn phần nhiều dựa vào thông tư 07
của Bộ Xây dựng nên còn nhiều điểm chưa rõ. Dựa vào thông tư này, NH đã
đưa ra quy định đối tượng vay là cán bộ, công chức, viên chức hưởng
lương từ ngân sách, viên chức thuộc các đơn vị sự nghiệp công lập, lực
lượng vũ trang nhân dân. Như vậy, có thể hiểu đối tượng vay phải công
tác tại phường, xã, phòng kinh tế, giáo viên... Nếu làm ở các đơn vị sự
nghiệp ngoài công lập phải thuộc đối tượng thu nhập thấp. Tuy nhiên,
định nghĩa thế nào là đối tượng thu nhập thấp thì đến nay chưa có hướng
dẫn cụ thể.
Tuy
nhiên, khó hơn nữa là dù cho vay với các đối tượng thu nhập thấp nhưng
NH lại yêu cầu đối tượng vay phải đa dạng nguồn thu nhập cũng như nguồn
thu nhập trả nợ. “Nghĩa là càng có nhiều nguồn tài chính để trả nợ càng
dễ được NH xét duyệt cho vay. Bên cạnh đó còn phải có tài sản thế chấp
là nhà đất của chính người vay hoặc của bà con họ hàng” - nhân viên NH
này cho biết. Chưa kể nếu người vay là công nhân viên chức, NH còn yêu
cầu phải có xác nhận của đơn vị đang công tác về nơi công tác và thực
trạng về nhà ở. Đối tượng là người thu nhập thấp cũng phải có xác nhận
của chính quyền địa phương về hộ khẩu, thực trạng nhà ở...
Vừa
tìm hiểu điều kiện vay mua nhà ở xã hội, chị Vân (Q.Phú Nhuận) bức xúc:
“NH đòi hỏi phải có hợp đồng thuê, mua nhà ở xã hội theo quy định mới
cho vay, trong khi thông thường cá nhân phải tìm hiểu nếu NH đồng ý xét
duyệt cho vay mới dám mua. Chứ nếu ký hợp đồng mua rồi mà NH không cho
vay thì lấy tiền ở đâu để trả?”.
Doanh nghiệp lúng túng
Không
chỉ người dân, nhiều doanh nghiệp cũng đang lúng túng với thủ tục để
tiếp cận nguồn vốn này. Ông Nguyễn Văn Đực, phó giám đốc Công ty TNHH
địa ốc Đất Lành, cho biết: “Chúng tôi đã chủ động liên kết với hai NH
thân quen để hỗ trợ khách hàng tiếp cận với gói tín dụng 30.000 tỉ đồng.
Thế nhưng đến nay các NH vẫn chưa có bất cứ hướng dẫn gì rõ ràng. Việc
này đáng ra phải làm trước cả tháng để khi công bố người dân có thể tiếp
cận ngay, đằng này làm quá chậm”. Ông Đực cho rằng tất cả sản phẩm của
ông hiện nay đều nằm trong diện tích và giá phù hợp với gói 30.000 tỉ
đồng nhưng vẫn chưa được hướng dẫn gì cả.
Nên đọc
Theo tìm hiểu, hiện nay hàng loạt chủ đầu tư các dự án căn hộ có
diện tích và mức giá phù hợp với gói 30.000 tỉ đồng đã liên kết với các
NH để hỗ trợ khách hàng tiếp cận gói tín dụng này. Trong đó, Công ty CP
đầu tư Nam Long đã ký liên kết với ba NH đối với dự án căn hộ E.Home 3
với 2.000 căn hộ, Công ty Đất Xanh liên kết với BIDV và Vietinbank với
ba dự án căn hộ... Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có hợp đồng nào của khách
hàng được ký và phía NH cũng chưa có bất cứ hướng dẫn nào.
Là
đơn vị vừa khởi công dự án nhà ở xã hội Tây Nam Linh Đàm (Hà Nội) vào
ngày 28-5, ông Nghiêm Văn Bang, chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công
ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), cho biết dự án hiện vẫn đang
trong quá trình làm thủ tục vay vốn từ gói hỗ trợ 30.000 tỉ
đồng của Chính phủ chứ chưa thật sự tiếp nhận được từ nguồn vốn
vay này. Trước đó, HUD và BIDV đã ký thỏa thuận hợp tác toàn diện
dành 10.000 tỉ đồng vốn vay ưu đãi cho các dự án bất động sản của
HUD. Trong đó các dự án nhà ở xã hội được dành riêng 3.000 tỉ đồng.
Ngân hàng “cam kết”
Ông
Nguyễn Phước Thanh, tổng giám đốc Vietcombank, cho biết về đối tượng
vay là cán bộ công chức, viên chức... cho thấy rào cản về thu nhập sẽ
rất lớn khi họ tiếp cận vay vốn mua nhà. Chẳng hạn họ mua nhà ở xã hội
có giá 600 triệu đồng thì sau khi trừ 20% vốn tự có, họ phải vay NH 480
triệu đồng. Với số vốn vay này, hằng tháng họ phải trả vốn gốc 4 triệu
đồng, còn tiền lãi khoảng 2,4 triệu đồng. Như vậy tổng cộng vốn và lãi
phải trả lên đến 6,4 triệu đồng, gần bằng tổng thu nhập của một người có
thu nhập thuộc vào loại khá. Thời hạn ưu đãi lãi suất là 10 năm, tất
nhiên NH có thể xét cho vay dài hơi hơn lên đến 15 năm, nhưng sau 10 năm
lãi suất cho vay sẽ thả nổi. Như vậy vẫn phải dựa vào thu nhập của
người đi vay xem có đủ trang trải tiền vốn gốc và lãi phải trả hằng
tháng hay không. “Lãi suất cho vay thấp nhưng đối tượng lại thu hẹp hơn
trước rất nhiều” - ông Thanh nói.
Liên
quan đến các thủ tục triển khai vay vốn gói tín dụng 30.000 tỉ đồng,
ông Phan Đức Tú, tổng giám đốc BIDV, cho hay từ hôm nay 30-5, khách hàng
có nhu cầu vay vốn nhà ở có thể đến các chi nhánh, phòng giao dịch của
BIDV để được hướng dẫn về thủ tục, điều kiện vay vốn... “Chắc chắn từ
ngày 1-6, BIDV đảm bảo sẽ triển khai gói hỗ trợ vay mua nhà ở một cách
tốt nhất. BIDV cam kết cấp tín dụng đối với khách hàng là cá nhân trong
vòng tối đa bốn ngày, còn đối với khách hàng là doanh nghiệp thì lâu
nhất là 20 ngày trên cơ sở đáp ứng đầy đủ các điều kiện vay vốn” - ông
Tú khẳng định.
Theo
ông Tú, BIDV dự kiến dành 10.000 tỉ đồng để cho vay hỗ trợ nhà ở trong
dịp này. Với người vay mua nhà, BIDV sẽ cho vay với mức tối đa 80% giá
trị căn nhà và thời hạn cho vay tối đa 15 năm.
Hi vọng làm “ấm” thị trường
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông
Nguyễn Viết Mạnh, vụ trưởng Vụ Tín dụng (NH Nhà nước), cho rằng dù
30.000 tỉ đồng là số tiền không lớn so với nhu cầu về nhà ở của người
dân nhưng trong bối cảnh ngân sách eo hẹp, Chính phủ quyết tâm thực hiện
nhằm giải quyết nhà ở cho người thu nhập thấp. Mặt khác, gói tín dụng
30.000 tỉ đồng không phải là cứu thị trường bất động sản.
Ngoài
việc góp phần tạo cơ hội cho người thu nhập thấp có một chỗ ở hợp lý,
gói tín dụng 30.000 tỉ đồng có thể tạo niềm tin cho thị trường qua việc
làm “ấm” dần lên của phân khúc thị trường này sẽ lan tỏa tới các phân
khúc khác của thị trường.
|
|