Trong một cuộc họp báo mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu
tư Bùi Quang Vinh cho biết việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất
động sản cũng là một mối quan tâm của Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ
Nguyễn Tấn Dũng đã đi đến các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội để xem
xét tình hình, lắng nghe ý kiến và tìm cách giải quyết.
Bộ trưởng “hé lộ”, dự kiến sắp tới có thể sẽ có hình thức cứu trợ,
nhưng sẽ khác so với năm 2009. Đây không phải mang ngân sách ra “cứu” mà
có thể là hỗ trợ từ phía ngân hàng để có gói tín dụng bơm cho lĩnh vực
bất động sản. Đặc biệt với những phân khúc đáp ứng nhu cầu của số đông,
có khả năng thanh khoản cao sẽ được bơm tín dụng để hoàn thành và tung
ra thị trường. Việc tháo gỡ khó khăn cho bất động sản chính là tạo điều
kiện cho nền kinh tế ổn định hơn, phát triển bền vững hơn.
“Tuy nhiên cũng có ý kiến là cần để cho thị trường xì hơi bớt, giảm
giá hơn. Nhưng chúng ta vẫn phải giải quyết cả hai vấn đề, vừa phải làm
thị trường trở về giá trị thực, vừa phải tháo gỡ khó khăn vì đây là lĩnh
vực đọng rất nhiều vốn, kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế. Hiện nay
Chính phủ đang xây dựng chính sách và chắc chắn sắp tới sẽ có những hỗ
trợ qua kênh tín dụng”, Bộ trưởng khẳng định.
Dự kiến sắp tới có thể sẽ có hình thức cứu trợ cho thị trường bất động sản, nhưng sẽ khác so với năm 2009
Cũng trong một cuộc hội thảo về chủ đề kinh tế năm 2013, TS Võ Trí
Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương đã nói
rõ hơn về giải pháp cho thị trường bất động sản. Ông cũng “tiết lộ”,
sắp tới rất nhiều khả năng sẽ có một định chế tài chính kiểu như Fannie
Mae và Freddie Mac của Mỹ, một dạng công ty cho thuê tài chính mua nhà ở
sẽ ra đời. Nguồn vốn cho tổ chức này sẽ hoàn toàn do các doanh nghiệp
và ngân hàng đóng góp, không phải lấy từ vốn nhà nước.
Hình thức này sẽ không chỉ giúp người có nhu cầu mua được nhà, doanh
nghiệp bán được hàng mà còn giúp phát triển thị trường cho thuê nhà ở.
Ngoài ra, rất có thể Bộ Tài chính sẽ giảm 50% thuế VAT đối với những
người mua nhà thu nhập thấp.
Hiện nay, các Bộ, ngành cũng đang khẩn trương tiến hành điều tra,
thống kê số liệu, chuẩn bị cơ sở cho sự ra đời của định chế này. Đề án
xử lý nợ xấu cũng đã tương đối hoàn chỉnh, đang được trình lên cấp cao
nhất để phê duyệt. Phương án hình thành tổ chức cho vay nhà ở thế chấp
cũng đang sắp hoàn thành, có thể sẽ sớm được triển khai trong quý 1.
Nhưng tất nhiên, để xử lý rốt ráo vấn đề nợ xấu, bất động sản cũng phải
mất hàng năm chứ không chỉ ngày một ngày hai, ông nói thêm.
Fannie Mae, tên chính thức
là Federal National Mortgage Association (Quỹ Thế chấp Nhà ở Liên bang),
là một công ty đại chúng và là một tổ chức tài chính của Mỹ chuyên mua
và chứng khoán hóa các khoản thế chấp nhằm đảm bảo về tài chính cho tổ chức tài chính cho người dân vay tiền để mua nhà ở.
Khi một người Mỹ muốn vay
tiền từ một tổ chức tài chính nào đó để mua nhà, họ thế chấp nhà của
mình cho tổ chức đó. Fannie Mae sẽ mua khoản thế chấp đó từ tổ chức tài
chính, chuyển khoản thế chấp này thành phiếu nợ đảm bảo bằng tài sản,
rồi đem bán cho các nhà đầu tư chứng khoán với cam kết rằng sẽ trả gốc
và lãi đúng hạn cho họ. Phần chênh lệch giữa tiền thu được từ bán chứng
khoán và số tiền bỏ ra mua khoản thế chấp là nguồn thu của Fannie Mae.
Cơ chế này tạo ra một sự đảm bảo cả cho người đi mua nhà lẫn tổ chức tín
dụng. Nếu không có, tổ chức tín dụng có thể ngần ngại cho người mua nhà
vay tiền vì sợ rủi ro rằng người đi vay không trả được nợ. Ngoài ra
Fannie Mae còn đi vay trên thị trường nợ, thường là với lãi suất thấp
hơn lãi suất của ngân hàng, rôi đi mua lại các khoản cầm cố của các tổ
chức tín dụng.
Fannie Mae được thành lập
vào năm 1938 để ổn định hóa nguồn cung nhà ở cho Mỹ sau Đại Khủng hoảng.
Ban đầu, nó là một công ty do chính phủ tài trợ. Sau đó vào năm 1968,
chính phủ Mỹ quyết định chuyển đổi sở hữu của công ty này, thành một
công ty cổ phần và niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán New
York với mã là FNM.
Freddie Mac, tên chính thức
là Federal Home Loan Mortgage Corporation (Công ty Thế chấp Cho vay Mua
nhà Liên bang), viết tắt là FHLMC, là một tổ chức tài chính tư nhân được
thành lập nhằm mục đích tạo thuận lợi cho việc vay và cho vay để mua
nhà ở tại Mỹ. Hoạt động của Freddie Mac cũng giống như của Fannie Mae.
Việc thành lập Freddie Mac năm 1970 là để hoạt động này có hơn 1 công ty
tham gia, qua đó tăng tính cạnh tranh để các công ty hoạt động hiệu quả
hơn.
Fannie Mae và Freddie Mac đã cùng nhau kiểm soát gần như toàn bộ thị trường nhà ở của Mỹ.
|