500 tỷ kiểm định chung cư cũ ở Hà Nội có lãng phí? Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội vừa đưa ra lấy ý kiến chuyên gia đã nhận được sự ủng hộ tích cực. Bên cạnh đó, một số kiến nghị đã được nêu ra để Hà Nội sớm hiện thực hóa Đề án.Ngày 7/9, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố. Theo thống kê, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 1.579 chung cư cũ (bao gồm khoảng 1.273 nhà thuộc 7 chung cư và khoảng 306 chung cư cũ độc lập, đơn lẻ), chủ yếu được xây dựng từ những năm 1960 đến năm 1994, tập trung tại các quận lõi. Các chung cư cũ đều đã xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng, độ an toàn. Trong đó, quận Ba Đình có 211 nhà, quận Hoàn Kiếm có 99 nhà, quận Đống Đa có 415 nhà, quận Hai Bà Trưng có 244 nhà. Đa phần các chung cư cũ này đã được bán cho các hộ gia đình theo hướng dẫn của Chính phủ. 9 ý kiến phát biểu tại hội nghị của các đại biểu, các nhà khoa học đều khẳng định việc triển khai cải tạo chung cư cũ là cần thiết, góp phần thay đổi diện mạo của Thủ đô, nhân dân đồng tình. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng kiến nghị, việc cải tạo chung cư cũ hay xây mới, ngoài thực hiện theo Luật Đất đai, cần áp dụng triệt để Luật Thủ đô. Quá trình thực hiện, nên bổ sung kinh nghiệm của các nước để học hỏi cách làm, cơ sở pháp lý cũng như tác động để nâng cao nhận thức người dân. Góp ý vào Đề án, chuyên gia Lê Văn Hoạt khẳng định: "Chính quyền thành phố đang nợ người dân về vấn đề cải tạo chung cư cũ hàng chục năm nay". Vị này kiến nghị, thành phố Thành phố cần xem xét khoản vốn ngân sách khoảng 500 tỷ đồng để thực hiện tổng kiểm tra, rà soát, kiểm định, đánh giá chất lượng toàn bộ các chung cư cũ... Bởi bỏ tiền ngân sách ra quá nhiều trong khi chỉ xác định làm vài khu. Nếu 5, 10 năm nữa mới làm các khu khác thì chung cư đó xuống cấp lại đánh giá lại lần nữa. "Theo tôi, chỉ nên khảo sát, kiểm định những khu chung cư có kế hoạch cải tạo gần. Không nên dàn trải", ông Hoạt nói. Chuyên gia, kiến trúc sư tham gia đóng góp xây dựng Đề án Một số đại biểu cũng kiến nghị việc cải tạo chung cư cũ phải phát huy tối đa 3 chủ thể: Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân, đặc biệt, nếu hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và nhân dân, sẽ tạo ra sự đồng thuận thực chất và bộ mặt đô thị mới cũng tốt lên. Ngoài ra, cần công khai, minh bạch trong chế độ ưu đãi với nhà đầu tư, đối tượng hưởng chính sách xã hội… KTS Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội góp ý thêm, ngoài 3 chủ thể của cải tạo nhà chung cư là: Nhà nước, doanh nghiệp, người dân thì cần một yếu tố quan trọng nữa là cộng đồng. Cần gắn lợi ích, quyền, trách nhiệm cộng đồng vào việc cải tạo chung cư cũ, cộng đồng sẽ được hưởng lợi hạ tầng, tiện ích, vườn hoa sau cải tạo... Như vậy vấn đề giải phóng mặt bằng sẽ tạo được đồng thuận cao hơn, thuận lợi hơn. Đồng tình, ông Phạm Ngọc Thảo, nguyên Phó Chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ pháp luật của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội cho biết, ngay gần đây vẫn còn nhiều hộ dân chủ yếu ở tầng 1 các chung cư cũ không chấp hành, khiếu nại giá đền bù giải phóng mặt bằng. Ở đây phải xác định là chủ hộ tầng 1 vừa có quyền vừa có trách nhiệm trong cải tạo chung cư. Ông Thảo nhận định: "Nghị định 69 của Chính phủ đã mở ra nhiều giải pháp để giải phóng mặt bằng, thành phố cũng cần có giải pháp quyết liệt xử lý người không chấp hành". Sau Hội nghị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố sẽ tổng hợp các ý kiến gửi HĐND thành phố Hà Nội. Nguồn: https://tienphong.vn/500-ty-kiem-dinh-chung-cu-cu-o-ha-noi-co-lang-phi-post1373741.tpo
|