GDP Việt Nam năm 2021: Kỳ vọng vượt 500 tỷ USD GDP Việt Nam năm 2021: Kỳ vọng vượt Kinhtedothi - Hiện có nhiều ý kiến đa chiều về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2021, đặc biệt là câu hỏi lớn đang đặt ra, liệu tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam cuối năm 2021 có cán mốc 500 tỷ USD… Thực tế cho thấy, có nhiều cơ sở cho việc đạt được mục tiêu kỳ vọng này. Kinh tế thế giới hồi phục, thúc đẩy xuất khẩu trong nước Thứ nhất, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao. Do vậy, bối cảnh phục hồi chung của nền kinh tế thế giới sẽ hỗ trợ tăng trưởng của Việt Nam. Năm 2021, kinh tế thế giới dần phục hồi nhờ nhiều nước đẩy mạnh việc tiêm vaccine phòng dịch Covid-19 và mở cửa trở lại. Nền kinh tế toàn cầu sau khi tăng trưởng âm 3,5% vào năm 2020 thì năm 2021 sẽ tăng trưởng 6% (theo Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế phát hành tháng 4/2021). Thậm chí, trong Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu phát hành tháng 5/2021, Tổ chức kinh tế tài chính tư nhân Fitch Ratings dự báo GDP toàn cầu năm 2021 tăng 6,3%, cao hơn mức dự báo 6,1% đưa ra trong tháng 3/2021. Theo WTO, thương mại toàn cầu dự báo sẽ tăng 8,3% trong năm nay và 6,3% vào năm 2022 (Thước đo thương mại hàng hóa ngày 28/5/2021)… Chế biến sản phẩm cá tra xuất khẩu tại Công ty CP Gò Đàng, khu công nghiệp Mỹ Tho. Ảnh: Hùng Huy | |
Là một nền kinh tế có độ mở cao hàng đầu thế giới, rõ ràng, khi nền kinh tế và thương mại thế giới nóng trở lại, nhất là các thị trường chính của các nước phát triển có tham gia các FTA thế hệ mới cùng với Việt Nam (như CPTPP, EVFTA, RCEP…) chắc chắn sẽ tạo xung lực tích cực cả về dòng vốn đầu tư, cơ hội mở rộng thị trường và giá cả để kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi và tăng mạnh hơn từ nay đến cuối năm 2021 và thời gian tiếp theo. Thực tế, trong nửa đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 316,73 tỷ USD, tăng 32,2%; đồng thời, có sự cải thiện xuất khẩu rõ rệt đối với các thị trường chính, như xuất khẩu 5 tháng đầu năm sang Hoa Kỳ tăng 49,8%, sang Trung Quốc tăng 26%, sang ASEAN tăng 23,7%, sang EU tăng 20,8%, sang Hàn Quốc tăng 17,1% và sang Nhật Bản tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước.Ngân hàng Thế giới (World Bank) Việt Nam dự kiến tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,6% trong năm 2021 và là mức tăng trưởng cao nhất được dự báo cho các nước trong khu vực ASEAN.Các động lực tăng trưởng vẫn duy trìThứ hai, các động lực tăng trưởng đang được duy trì và trong nửa đầu năm 2021 kinh tế Việt Nam tiếp tục ổn định và phát triển theo đà tích cực đạt được từ năm 2020, dù làn sóng dịch Covid-19 thứ tư bùng phát từ cuối tháng 4 vẫn diễn biến phức tạp và đặt ra không ít thách thức trong công tác quản lý, điều hành để phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.Theo Tổng cục Thống kê, GDP của 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64%; hơn nữa, GDP quý II/2021 ước tính tăng 6,61%, tức cao hơn mức tăng 4,48% của quý I/2021 so với cùng kỳ năm trước.Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế 6 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước (đóng góp 8,17% vào mức tăng chung); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,36% (đóng góp 59,05%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 11,42%; khu vực dịch vụ tăng 3,96% (đóng góp 32,78%), trong đó các ngành dịch vụ thị trường như: Bán buôn và bán lẻ tăng 5,63%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,27%.Đặc biệt, cả nước có tổng số 93,2 nghìn DN thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2020; Trong đó, có 67,1 nghìn DN đăng ký mới, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước và tăng 34,3% về vốn đăng ký. Trong quý II/2021 có tới 68,2% số DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được điều tra nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh quý II/2021 so với quý I/2021 tốt lên và giữ ổn định; có 77,8% số DN đánh giá xu hướng quý III/2021 sẽ tốt hơn hoặc ổn định so với quý II/2021.Động lực thị trường trong nước đang có sự cải thiện khá rõ rệt, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước.Các dòng vốn đầu tư cho phát triển kinh tế 6 tháng đầu năm 2021 đều tăng: Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành ước đạt 1.169,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều mức tăng 3% của năm 2020. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện ước tính đạt 9,24 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Tổng lao động đang làm việc trong nền kinh tế cả nước nhìn chung vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước.Giá cả thị trường vẫn ổn định, lạm phát được kiểm soát, bình quân 6 tháng đầu năm 2021, CPI tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.Thứ ba, nhiều động thái mới tích cực trong kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ DN và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đã, đang và sẽ được tiếp tục triển khai: Chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021; đồng thời, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên theo Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 8/6/2021 của Chính phủ. Mới đây, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu trong Nghị quyết số 124/2020/QH14 của Quốc hội và Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; theo đó: Tập trung chủ động, đột phá kiểm soát, đẩy lùi dịch Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, phương châm “5K + vaccine” và tăng cường ứng dụng công nghệ, phấn đấu hoàn thành tiêm chủng đạt miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất có thể, tập trung cho các đối tượng ưu tiên, trong đó có các đối tượng thuộc địa bàn, ngành, lĩnh vực là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp và trong các ngành thương mại, dịch vụ; phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư ngân sách Nhà nước năm 2021 đạt 95 - 100% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao từ đầu năm.Việt Nam cũng quyết giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phát triển xuất nhập khẩu, hướng đến cán cân thương mại hài hòa, bền vững; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách hành chính; khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay, tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho người dân, DN, bảo đảm an toàn hệ thống, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và xử lý nợ xấu.Để đạt mục tiêu tăng trưởng 6% GDP cả năm 2021 theo kế hoạch, tốc độ tăng trưởng những tháng cuối năm 2021 phải đạt trên 7% GDP là thách thức không nhỏ. Song với tất cả những điều kiện, giải pháp và nỗ lực trên đây, cũng với sự năng động và kinh nghiệm thích ứng tốt của cộng đồng DN và người dân cả nước, đã, đang và sẽ tạo xung lực tích cực mới để GDP Việt Nam cán mốc 500 tỷ USD theo cách tính mới của Tổng Cục Thống kê. Theo đánh giá lại quy mô nền kinh tế của Tổng cục Thống kê, năm 2020, quy mô nền kinh tế nước ta đạt khoảng 343 tỷ USD và GDP bình quân đầu người đạt 3.521USD. Theo đánh giá của IMF, nếu tính theo sức mua tương đương, quy mô nền kinh tế nước ta năm 2020 đạt 1,05 nghìn tỷ USD và GDP bình quân đầu người đạt trên 10 nghìn USD. Theo Đại học Fulbright, GDP Việt Nam được tính lại có thể cao hơn so với hiện tại trong khoảng 25 - 30%. Từ đó, GDP Việt Nam năm 2020 là 340 tỷ USD x 1,25 = 425 tỷ USD, hoặc là 340 tỷ USD x 1,30 = 442 tỷ USD, mức trung bình là 433 tỷ USD. |
TS. NGUYỄN MINH PHONG03-07-2021 06:23
|