‘Doanh nghiệp chưa bao giờ chết nhiều như 2 năm qua’
 

Doanh nghiệp chưa bao giờ chết nhiều như 2 năm qua’

“Trong vòng 2 năm, dự báo có gần 100.000 doanh nghiệp rời thị trường, tương đương với một nửa số doanh nghiệp đóng cửa trong vòng 20 năm qua”, Chủ tịch VCCI – Vũ Tiến Lộc cho biết.
>Doanh nghiệp thủy sản kêu cứu
>Lao động mất việc hàng loạt

- Ông nhận định tình hình doanh nghiệp trong nước thế nào qua đợt khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại TP HCM và một số địa phương?

Chủ tịch VCCI - Vũ Tiến Lộc cho rằng cần thêm các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Ảnh: Nhật Minh
Chủ tịch VCCI - Vũ Tiến Lộc cho rằng cần thêm các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Ảnh: Nhật Minh

- Khảo sát của VCCI vừa qua là chọn mẫu ở quy mô nhỏ, chúng tôi chủ yếu lắng nghe doanh nghiệp nhiều hơn. Do vậy, nếu thống kê thì ít có tính đại diện. Tuy nhiên, căn cứ vào những số liệu của cơ quan chức năng thì đến nay, có ít nhất 30% doanh nghiệp đã rời thị trường. 70% còn lại cũng hết sức khó khăn, phần lớn là thua lỗ. Thực tế cho thấy hầu hết doanh nghiệp sống được đến thời điểm này là nhờ “lương khô” - những gì họ tích lũy được từ nhiều năm. Nhưng nay lương khô có lẽ cũng cạn rồi. Nếu tình trạng khó khăn này kéo dài, tôi không nghĩ doanh nghiệp trụ được lâu.

Theo dự báo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư thì năm nay có khoảng 50.000 doanh nghiệp rời thị trường, cộng với 49.000 của năm ngoái là xấp xỉ 100.000. Con số này tương đương với một nửa số doanh nghiệp “chết” trong vòng 20 năm qua, kể từ khi có Luật Doanh nghiệp. Chưa bao giờ doanh nghiệp lại chết nhiều như vậy.

- Bên cạnh những khó khăn chung của nền kinh tế, theo ông, đâu là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng bết bát của doanh nghiệp hiện nay?

- Trước hết cần thừa nhận các chính sách kinh tế vừa qua đã tác động không nhỏ tới hoạt động của doanh nghiệp. Có nhiều vấn đề nhưng ở đây tôi muốn nhấn mạnh tính minh bạch trong chính sách. Doanh nghiệp thực ra có sức sống rất bền bỉ. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, họ đều có thể tìm cách sống được. Điều họ cần là tính khả đoán của chính sách, cũng như thông tin đầy đủ về thị trường. Ở Việt Nam trước nay làm việc này chưa tốt.

Thứ hai là khả năng quản trị của chính doanh nghiệp. Qua khảo sát vừa rồi, chúng tôi thấy vẫn có một bộ phận sống rất tốt trong khủng hoảng. Họ đa phần là những công ty có quy mô vừa, được lãnh đạo bởi các doanh nhân trẻ, được đào tạo bài bản, quản trị tài chính tốt. Quan trọng hơn là họ tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính nhưng biết đa dạng hóa thị trường. Những trường hợp “chết” thì ngược lại, họ làm ngoài ngành nhiều nhưng thị trường thì lại bó hẹp.

Một vấn đề nữa là các công ty nhỏ trước đây, mỗi lần kiếm được hợp đồng, làm thầu phụ cho các doanh nghiệp lớn thì rất yên tâm. Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, khi các công trình do doanh nghiệp lớn làm gặp khó khăn, không minh bạch về tài chính, thì nhà thầu phụ bị kẹt vốn, khó khăn theo. Nhiều trường hợp đã “chết theo” những ông lớn.

- Kể từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã có nhiều biện pháp hỗ trợ nhằm “cứu” doanh nghiệp. Ông đánh giá như thế nào về kết quả của những chính sách này?

- Không thể phủ nhận những kết quả đã đạt được từ những chính sách vừa qua. Tuy nhiên, tôi thấy bản thân những chính sách này chủ yếu vẫn tập trung vào hỗ trợ chi phí, chẳng hạn như giãn - giảm thuế, cho hoãn các khoản phải nộp… Những biện pháp này là đúng nhưng chưa đủ. Chủ trương tái cơ cấu doanh nghiệp là có nhưng chưa thực hiện được nhiều. Tôi cho rằng cần đẩy mạnh việc làm này hơn nữa.

Một vấn đề khác là lựa chọn đối tượng hỗ trợ. Hiện chúng ta mới tiến hành hỗ trợ chủ yếu theo lĩnh vực, theo quy mô trong khi việc lựa chọn thông qua năng lực cạnh tranh còn bị bỏ ngỏ. Điều này đã phần nào hạn chế hiệu quả của chính sách, bởi trong cùng một ngành, có nhiều doanh nghiệp chỉ gặp khó khăn tạm thời, vượt qua được sẽ phát triển mạnh hơn. Tuy nhiên cũng có những anh mà chỉ cần dứt hỗ trợ là chết. Những đối tượng như vậy cần phải thanh lọc qua khủng hoảng.

- Vậy theo ông, cần phải làm thêm gì để hỗ trợ doanh nghiệp?

- Tôi cho rằng cần làm 2 việc: không tạo thêm khó khăn và đưa doanh nghiệp tiến mạnh hơn vào quá trình tái cấu trúc. Để không tạo thêm khó khăn, tôi đồng ý là phải hỗ trợ chi phí, nhất là trong các khoản thuế và chính sách lương. Thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam hiện cao hơn so với các nước trong khu vực. Như Thái Lan, họ vừa giảm từ 30% xuống 23%. Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đều đang áp thuế với khu vực vừa và nhỏ là 17%, trong khi ở Việt Nam hiện vẫn là 25%.

Tôi nghĩ cần phải giảm ngay mức thu này. Cụ thể bao nhiêu còn tuy thuộc vào ngân sách nhưng nếu có thể, nên đưa ngay xuống 20%. Vừa qua cũng có ý kiến cho rằng giảm thuế vào lúc này không có nhiều ý nghĩa, bởi thực tế đâu có nhiều doanh nghiệp có lợi nhuận để đánh thuế. Tuy nhiên tôi cho rằng đây mới chính là lúc cần hỗ trợ số ít các doanh nghiệp đang có lãi, để họ có cơ hội tích lũy, đầu tư trong tương lai.

Về lương, VCCI cùng một số hiệp hội ngành nghề lớn vừa có văn bản kiến nghị lên các cơ quan chức năng về lộ trình tăng lương tối thiểu. Chúng tôi đồng ý cần tăng lương để cải thiện đời sống người lao động. Tuy nhiên, đây là việc ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp nên cần tính toán kỹ, có lộ trình cụ thể cho trung hạn, thay vì cứ mỗi năm lại có mức tăng khác nhau.

Cũng cần lưu ý rằng, tăng lương phải gắn với tăng năng suất lao động. Tốc độ tăng năng suất bình quân ở Việt Nam hiện là 4,5 – 5% một năm, trong khi trung bình ASEAN là 10%. Do vậy, sau khi cân nhắc, chúng tôi đề xuất mức tăng lương 15% một năm, trong vòng 3 năm tới. Tăng ổn định như vậy thì doanh nghiệp mới tính toán, đưa vào kế hoạch sản xuất, kinh doanh được. Cuối cùng, như đã nói ở trên, tôi cho rằng cần đẩy mạnh hơn nữa quá trính tái cơ cấu, tăng cường tính minh bạch trong cả chính sách lẫn tại doanh nghiệp. Một doanh nghiệp có thể giữ kín bí mật kinh doanh, nhưng tài chính thì phải công khai, rõ ràng.

- Ở góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp, ông dự báo như thế nào về triển vọng kinh doanh thời gian tới?

- Với tình hình hiện nay, tôi cho rằng doanh nghiệp sẽ còn khó khăn trong vòng 1- 2 năm tới. Bởi cho đến thời điểm hiện tại, tôi chưa thấy có nhân tố nào đột biến khi mà đầu tư công sẽ tiếp tục bị kiểm soát chặt, tiếp cận tín dụng khó khăn, thị trường chứng khoán ảm đạm trong khi vốn nước ngoài cũng huy động rất khó khăn. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là không có ánh sáng. Bởi tình thế hiện nay đang buộc doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý thay đổi và tất nhiên, thay đổi này phải theo hướng tích cực hơn.

Nhật Minh (ghi)


 

,