Dân đã mất niềm tin vào thị trường bất động sản

Các chủ đầu tư bất động sản vẫn "nắm đằng chuôi" bởi khi soạn thảo các hợp đồng mua bán, hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư... họ đã đưa ra các khoản rất chặt chẽ để ràng buộc trách nhiệm đối với người mua. Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư còn đưa ra các hợp đồng như “gài bẫy” khách hàng. Thậm chí họ còn cài vào đấy những câu chữ để đẩy rủi ro về phía khách hàng

Muốn cứu thị trường bất động sản trước hết cần lấy lại lòng tin của khách hàng.
Muốn cứu thị trường bất động sản trước hết cần lấy lại lòng tin của khách hàng.

Đứng trước những thiệt thòi trên, người mua nhà không biết kêu cầu ai. Mặc dù tại Việt Nam luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Nghị định 99/2011/NĐ-CP. Luật đã dành riêng một chương nói về trách nhiệm của các tổ chức xã hội trong hoạt động bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nghiên luật này mới chỉ ở dạng chung chung và khó áp dụng nhất là đối với thị trường bất động sản.

Người tiêu dùng chỉ biết trông chờ vào luật vẫn gặp rất nhiều rủi ro. Chính vì sự quản lý lỏng lẻo về luật pháp thời gian gần đây, quyền lợi người tiêu dùng không được quan tâm đúng mức nên trong thời gian gần đây người tiêu dùng đã mất dần lòng tin vào thị trường bất động sản, mất lòng tin vào các chủ đầu tư.

Mặc dù hiện nay thị trường bất động sản liên tục “giảm giá’, “khuyến mãi” nhưng thị trường vẫn đóng băng. Không phải lượng cầu về nhà ở trong dân về nhà ở không có hay số tiền nhàn rỗi trong dân thiếu hụt mà ngược lại nguồn tiền (vàng) trong dân còn rất nhiều.

Cái thiếu duy nhất trong dân đó là niềm tin vào thị trường bất động sản. Giờ đây, những câu hỏi người mua thường đặt ra trước các đợt giảm giá của các chủ đầu tư là: Liệu đây dự án có thực sự giảm giá hay không? Giá rẻ thì chất lượng có rẻ không?...

Sau khoảng gần 20 năm phát triển (tính từ 1994 khi pháp lệnh giao đất được đưa vào thực hiện) thị trường bất động sản Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm khác nhau:

- Giai đoạn phát triển tự phát trước năm 1993. Giai đoạn bùng phát sơ khởi từ đầu những năm 1994 đến 1996, gắn liền với việc ban hành các chính sách về đất đai và nhà ở.

- Giai đoạn suy giảm 1997 - 1998 do ảnh hưởng những tác động có tính chất chu kỳ và khủng hoảng tài chính châu Á.

- Giai đoạn bùng phát sôi động 1999 - 2003 cùng những chính sách phát triển đô thị, chính sách về khu đô thị mới, chung cư.

- Giai đoạn ngưng trệ những năm 2004 - 2006.

- Giai đoạn phục hồi, phát triển mới từ đầu năm 2007 với việc hình thành tính chuyên nghiệp bằng sự vận động của tự thân thị trường cùng tiến trình hoàn thiện hành lang pháp lý (Luật Kinh doanh BĐS, Nhà ở, Cư trú, Xây dựng, Đầu tư).

- Giai đoạn ngưng trệ 2009- nay.

Tuy nhiên dù ở giai đoạn nào đi chăng nữa người mua bất động sản tại Việt Nam chưa bao giờ được quan tâm và bảo vệ đúng mức. Người tiêu dùng luôn bị thiệt thòi khi tham gia giao dịch trước những người bán “cò con” đến các chủ đầu tư lớn.

Các vụ mua đất “bánh vẽ”, “vịt trời” giai đoạn 2006 - 2007 đã làm người mua mất cả vài chục đến vài trăm triệu/giao dịch để đổi lấy mấy bản vẽ vô giá trị, rồi đến các chủ đầu tư lớn cũng gây khó dễ cho người mua.

Tiêu biểu, gần đây cư dân của một chung cư hạng sang ở Hà Nội đã đồng loạt tố chủ đầu tư tự mình ban hành giá dịch vụ chung cư, ngăn cản người dân tại tòa nhà không thể sử dụng thang máy hay gửi xe vì chưa đóng tiền theo hạn mức của Ban quản lý.

Hay là vụ ban quản lý tòa nhà để cho côn đồ vào hành hung đe dọa cư dân trong tòa nhà. Và còn rất nhiều các khiếu kiện khác tại chung cư khác cùng hàng loạt các tình huống dở khóc dở cười khác khi người mua gặp phải.

Đến giờ này người dân đã không còn niềm tin vào thị trường bất động sản mà chỉ còn niềm tin “chủ quan” nơi chính mình. Tuy nhiên điều này lại làm người mua phạm sai lầm trước các cơ hội đầu tư thực sự.

Quả thật là khó khi đứng trước một thị trường mà người mua chỉ còn cách tự bảo vệ chính mình. Và thị trường cứ ngày càng đi xuống.

Trần Thế Nhật


 

,