Hàng loạt công ty chứng khoán sẽ đóng cửa vào quý I/2013

Kể từ ngày 1/12, Thông tư số 165/2012/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 226/2010/TT-BTC quy định chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính, sẽ chính thức có hiệu lực.

Với nhiều quy định bổ sung mới, cuộc "đại phẫu" khối công ty chứng khoán sẽ quyết liệt hơn và hiệu quả hơn. Theo đó, rất có thể hàng loạt công ty chứng khoán sẽ có nguy cơ bị đóng cửa vào quý I/2013.

Hơn một năm nay, bên cạnh báo cáo tài chính hàng quý, bán niên và cả năm của các công ty chứng khoán, cơ quan quản lý đã có thể biết rõ và sâu hơn “sức khỏe” của công ty chứng khoán qua báo cáo về tỷ lệ an toàn tài chính.

Với Thông tư 226, hàng tháng các công ty chứng khoán đã thực hiện việc tính toán một cách tự nguyện tỷ lệ an toàn tài chính của doanh nghiệp mình thông qua tỷ lệ vốn khả dụng (tỷ lệ vốn khả dụng được tính trên cơ sở vốn khả dụng và tổng giá trị rủi ro) và báo cáo lên Ủy ban chứng khoán. Những trường hợp không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính sẽ bị cơ quan quản lý đưa vào tình trạng kiểm soát hoặc kiểm soát đặc biệt.

Tuy nhiên, theo các tính toán tự nguyện về tỷ lệ an toàn tài chính mà các công ty chứng khoán gửi lên Ủy ban chứng khoán trong thời gian qua, con số 7 công ty rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt dường như khá cách xa so với thực tế đang diễn biến.

Trong số các công ty bị kiểm soát đặc biệt đó không hề có tên những công ty lỗ có nguy cơ phá sản, những công ty liên tục lâm vào tình trạng mất thanh khoản...

Thậm chí, có công ty chứng khoán đã “trốn” bị kiểm soát đặc biệt khi dùng “chiêu” không nộp báo cáo, bởi trên thực tế Thông tư 226 chỉ áp dụng với công ty nộp báo cáo, còn công ty không nộp báo cáo thì chưa có chế tài.

Chính vì vậy, nhiều người cũng tỏ ra nghi ngờ về tính hiệu quả của phương án để công ty tự nguyện tính toán.

Hai trong số bốn điểm sửa đổi cơ bản nhất của Thông tư 165 liên quan đến các quy định về các trường hợp kiểm soát đặc biệt.

Theo đó, bên cạnh 2 trường hợp như quy định cũ (tỷ lệ vốn khả dụng dưới 120%, gồm cả trường hợp tỷ lệ vốn khả dụng do công ty tự tính và tỷ lệ vốn khả dụng sau khi đã được soát xét, kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận; hoặc không khắc phục được tình trạng kiểm soát trong thời hạn 12 tháng), quy định mới đưa thêm 2 trường hợp khác vào diện kiểm soát đặc biệt như: không thực hiện báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính trong 2 kỳ báo cáo liên tiếp, hoặc không công bố thông tin về báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính đã được soát xét, kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận hoặc Báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính mà tổ chức kiểm toán được chấp thuận đưa ra ý kiến không chấp nhận (hoặc ý kiến trái ngược), từ chối đưa ra ý kiến (hoặc không thể đưa ra ý kiến), ý kiến ngoại trừ một số các chỉ tiêu của báo cáo này mà nếu trừ các ảnh hưởng ngoại trừ ra khỏi vốn khả dụng sẽ dẫn tới tỷ lệ vốn khả dụng dưới 120%.

Như vậy, với các quy định mới, các công ty chứng khoán sẽ không trốn được kiểm soát đặc biệt nhờ sử dụng “chiêu” không nộp báo cáo, không công bố thông tin như trước đây.

Giới phân tích dự báo, khi quy định mới chính thức có hiệu lực từ 1/12, danh sách các công ty chứng khoán bị kiểm soát đặc biệt sẽ không chỉ dừng ở con số khiêm tốn là 7 như hiện nay, mà tăng mạnh trong qúy I/2013, nhất là 40 công ty chứng khoán đang bị cơ quan quản lý nghi ngờ về tính chính xác của tỷ lệ an toàn tài chính trên báo cáo tài chính soát xét bán niên năm nay và những công ty lỗ nặng có nguy cơ phá sản, những công ty liên tục lâm vào tình trạng mất thanh khoản.

Với việc bổ sung thêm các quy định theo hướng chặt chẽ và đối tượng bị chế tài xử lý sẽ được mở rộng hơn, cơ quan quản lý khẳng định rằng, các trường hợp “lách” kiểm soát đặc biệt thông qua hành vi chây ỳ không nộp báo cáo, hoặc tính không đúng, không đủ, sẽ không còn nữa. Quan trọng hơn, việc sửa đổi Thông tư 226 sẽ buộc công ty chứng khoán sẽ phải nâng cao sức khỏe của chính mình.

Một điểm mới bổ sung rất quan trọng liên quan đến “cái chết” rất nhanh của các công ty chứng khoán. Theo đó, cùng với việc siết chặt hơn tiêu chí, thì thời gian kiểm soát đặc biệt cũng sẽ được rút xuống còn 4 tháng, thay vì 6 tháng như hiện nay.

Công ty chứng khoán sẽ bị đình chỉ hoạt động nếu sau khi hết thời hạn kiểm soát đặc biệt vẫn không khắc phục được tình trạng kiểm soát đặc biệt và có lỗ gộp (chỉ tiêu lợi nhuận chưa phân phối trên bảng cân đối kế toán) đạt mức 50% vốn điều lệ trở lên.

Ủy ban chứng khoán sẽ yêu cầu công ty chứng khoán tạm ngừng hoạt động nếu sau khi hết thời hạn kiểm soát đặc biệt vẫn không khắc phục được tình trạng kiểm soát đặc biệt và có lỗ gộp (chỉ tiêu lợi nhuận chưa phân phối trên bảng cân đối kế toán) dưới 50% vốn điều lệ hoặc không bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về phá sản doanh nghiệp.

Trên thực tế hiện nay, theo quy định cũ tại Thông tư 226, việc “xóa” tên công ty chứng khoán không dễ, bởi theo quy định của Luật chứng khoán, giấy phép thành lập và hoạt động của công ty chứng khoán đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Do đó, nếu rút giấy phép thành lập và hoạt động, thì pháp nhân là công ty chứng khoán không còn tồn tại. Khi đó, việc trả nợ của công ty chứng khoán cho các bên liên quan sẽ rất phức tạp và việc đình chỉ hoạt động của công ty chứng khoán nếu vi phạm quy định về an toàn tài chính rất khó khăn, do đó, Ủy ban chứng khoán đã xử lý theo cách rút nghiệp vụ môi giới- vốn được coi là “linh hồn” của các công ty chứng khoán.

Và nếu không còn nghiệp vụ môi giới, công ty chứng khoán chỉ còn tồn tại tên gọi, thực tế gần như không hoạt động, không giao dịch với nhà đầu tư.

Theo VnEconomy


 

,