gành than sẽ cắt giảm 4.000 lao động

Ngành than sẽ cắt giảm 4.000 lao động

Sau khi cắt giảm trên 5.000 lao động năm 2015, năm nay, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) dự kiến cắt giảm thêm khoảng 4.000 lao động, do tình hình sản xuất - kinh doanh gặp khó khăn. Những lao động ở lại phải thường xuyên nghỉ luân phiên, bởi hầu hết các đơn vị trong ngành phải giảm sản lượng khai thác, chế biến… do còn hơn 10 triệu tấn than tồn đọng.

Đầu tư hiện đại, tạo năng suất cao nhưng cũng đồng nghĩa với ngành than phải cắt giảm lao động.

Đầu tư hiện đại, tạo năng suất cao nhưng cũng đồng nghĩa với ngành than phải cắt giảm lao động.

Bức tranh u ám

Ở vùng mỏ Quảng Ninh, giờ đây, câu chuyện hôm nay hoặc ngày mai lại có những người trong ngành than, thậm chí có thâm niên, xin nghỉ việc đã như cơm bữa.

Anh Trần Trọng Sơn - công nhân một Cty than tại TP. Hạ Long cho biết, việc làm thì ít - một tuần làm 3 - 4 buổi, đồng lương cũng giảm theo (thu nhập chỉ vài ba triệu đồng/tháng), nên nhiều người xin nghỉ, dù không trong diện cắt giảm. Vì thế, theo anh Sơn, con số lao động rời bỏ ngành than có thể còn cao hơn nhiều so với thực tế, ngoài con số chính thức nghỉ việc đã được TKV ấn định giao cho từng Cty thành viên. Ngành than đã trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, nhưng với những người trong nghề, đây là giai đoạn khó khăn nhất bởi quá nhiều nguyên nhân tích tụ lại lâu nay.

Theo Tổng cục Hải quan, chỉ trong 8 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 9,7 triệu tấn than, trong khi trước đó, Bộ Công thương chỉ dự kiến nhập hơn 3 triệu tấn trong cả năm 2016. Trong khi đó, tính đến nay, toàn ngành than, lượng than tồn đọng cũng đã lên tới hơn 10 triệu tấn.

Lý do lượng than nhập tăng, trong khi than sản xuất trong nước lại “ế” rất đơn giản: Giá than nhập về tới đơn vị tiêu thụ rẻ hơn than trong nước từ 300.000 - 400.000 đồng/tấn. Giá thành sản xuất than trong nước hiện nay quá cao, mà theo giới trong nghề, là có phần tính cả vào việc Cty thành viên nào cũng xây trụ sở nguy nga trị giá hàng trăm tỉ đồng. Cùng với đó là tình trạng thất thoát, lãng phí, nâng giá, khai khống…, trong quá trình sản xuất - kinh doanh, mà đã khiến nhiều cá nhân, tập thể rơi vào vòng lao lý.

Giai đoạn thịnh vượng, các Cty thành viên TKV tuyển người vào ào ào, nhất là ở những bộ phận gián tiếp. Có một thời kỳ, rất nhiều Cty thành viên thành lập cả các đội văn nghệ, thể thao để đi thi đấu, giao lưu trong nội bộ và ngoài ngành.

Không chỉ có vậy, TKV còn mở rộng sang một loạt các ngành khác, như: Tài chính, bất động sản… nhưng không hiệu quả và từng bước thoát vốn. Ngoài ra, điều kiện khai thác cũng càng ngày càng khó do phải xuống sâu hơn, nên chi phí cũng tăng.

Đồng loạt cắt giảm

Trong các đợt cắt giảm lao động này, chủ yếu tập trung vào lực lượng phụ trợ, phục vụ và sắp xếp lại các phòng ban, đơn vị gián tiếp.

Ông Bùi Khắc Thất - Giám đốc Cty than Hòn Gai - cho biết, từ năm 2014, Cty đã cơ cấu lại tổ chức, sản xuất nên cũng đã tinh giản được nhiều lao động, nhưng vẫn tiếp tục cắt giảm khoảng 200 lao động trong năm 2016; tuy nhiên, sẽ không động đến thợ lò. Có một nghịch lý ở ngành than hiện nay: Thợ lò thì thiếu - lượng tuyển vào và bỏ nghề cơ bản bằng nhau - thì lực lượng lao động gián tiếp lại quá dư thừa.

“Chúng tôi cố gắng động viên, thuyết phục lao động ở những bộ phận gián tiếp, nhất là những người sắp đến tuổi nghỉ hưu về sớm vì tình hình sản xuất khó khăn. Ai về sớm, ngoài chế độ chính sách, sẽ được công ty hỗ trợ thêm một khoản tiền, hoặc hỗ trợ đóng nốt tiền bảo hiểm để được hưởng 100% lương hưu” - ông Thất chia sẻ.

Theo ông Đỗ Văn Tăng - Chủ tịch CĐ Cty tuyển than Cửa Ông - Cty được giao giảm 142 lao động trong năm 2016, nhưng đã cắt giảm được hơn 200 lao động. “Nhiều người sức khỏe yếu hoặc sắp đến tuổi về hưu tình nguyện xin nghỉ sớm để nhận được sự hỗ trợ về tài chính của TKV và Cty. Hơn nữa, nhiều người sắp về hưu xin nghỉ sớm để đỡ thiệt thòi hơn do cách tính của chế độ bảo hiểm mới dự kiến được áp dụng từ những năm tới” - ông Tăng cho biết.

Tại một số Cty, có tình trạng thợ lò, công nhân bậc cao sẵn sàng xin nghỉ sớm, trong khi lực lượng lao động phụ trợ thì lại không muốn về. Dẫu vậy, theo TKV, lộ trình cắt giảm lao động tại hầu hết các Cty thành viên đều khả quan. Tuy nhiên, lực lượng ở lại cũng gặp nhiều khó khăn vì thu nhập giảm, bởi phải nghỉ làm luân phiên do giảm sản lượng khai thác, chế biến.

Được biết, tỉnh Quảng Ninh và TKV cũng đã bàn nhiều giải pháp, đồng thời kiến nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho ngành than, nhằm giảm giá thành sản xuất để cạnh tranh với các đơn vị khai thác than trong và ngoài nước. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, miễn, giảm thuế, hay xin những ưu đãi khác cũng chỉ là những giải pháp tạm thời, chứ khó giúp ngành than thoát cơn bĩ cực hiện nay.




 

,