Chung cư giá rẻ và những rủi ro khó lường Chung cư giá rẻ và những rủi ro khó lườngNgười dân cần hết sức thận trọng khi quyết định mua nhà giá rẻ. Phải chờ đợi quá lâu, trục trặc về giấy tờ, chất lượng nhà không như mong muốn… đó là những kết cục hoàn toàn có thể xảy ra… Lượng người ngoại tỉnh đổ xô về các thành phố lớn sống và làm việc ngày một đông kéo theo nhu cầu về nhà ở cũng ngày một lớn. “Lộ trình” tiến tới một “ngôi nhà trong mơ” của những cư dân này đầu tiên là thuê nhà, sau một thời gian tích cóp, có chút tiền bắt đầu nghĩ tới việc sở hữu một căn hộ chung cư giá rẻ và cuối cùng, khi kinh tế cho phép, họ có thể mua những căn hộ khác khang trang hơn hoặc tậu một mảnh đất nho nhỏ ven đô để xây ngôi nhà “có đất, có trời”, không phải chịu sự phiền toái như sống tại những khu chung cư. Đó là viễn cảnh của những người “ăn nên làm ra”, có “bát ăn bát để”, còn trên thực tế, để có tiền mua một căn hộ giá rẻ vào thời điểm này là mơ ước của số đông những người làm công ăn lương và có nhu cầu thật về nhà ở. Mốc tối thiểu để sở hữu một căn hộ giá rẻ tạm lấy con số là một tỷ đồng. Rõ ràng, vào những tháng cuối năm 2012, mặc dù thị trường bất động sản được coi là chạm đáy và chưa có dấu hiệu ấm lên, song phân khúc nhà giá rẻ với mức trên dưới một tỷ đồng vẫn khiến nhiều người rất quan tâm. Liên tục trên các phương tiện thông tin thời gian qua, những chung cư giá rẻ được chào bán tại Hà Nội như: dự án The Sun Garden, chung cư Đại Thanh, Tân Tây Đô, khu đô thị Xa La hay một số chung cư với giá chào bán dao động từ 14 - 16 triệu đồng/m2. Thử làm một phép tỉnh nhẩm, với mức 14 triệu đồng/m2, giá của căn hộ 1 phòng ngủ khoảng 45m2 là 630 triệu đồng, căn hộ 65m2 có 2 phòng ngủ có giá 910 triệu đồng. Đó là cái giá chấp nhận được với nhiều người bởi ngoài số tiền tích lũy, họ còn có thể “vay nóng” từ bạn bè, người thân hoặc được hưởng chính sách vay ưu đãi từ các ngân hàng. Song, khi người dân thật sự vào cuộc và lùng mua căn hộ một tỷ đồng thì lại hoàn toàn không đơn giản bởi chủ dự án sẽ cho họ biết những căn hộ đó đã chào bán hết, nếu nhiệt tình mua thì phải trả tiền chênh lệch với số tiền không nhỏ, thường là gấp rưỡi giá gốc. Thậm chí, tại một số khu đô thị, người mua nhà dài cổ chờ sổ đỏ nhưng không biết bao giờ mới được nhận bởi tính pháp lý của những căn hộ thương mại dưới 45m2 vẫn còn chưa ngã ngũ. Và như thế, họ chỉ còn nước chờ Luật Nhà ở bổ sung, sửa đổi trong thời gian tới thì may ra mới được cấp sổ đỏ. Một số dự án chung cư khác tại Hà Đông cũng được chào bán với giá rất mềm, chỉ 14-16 triệu đồng/m2 với diện tích trung bình từ 65-100 m2. Không ít người háo hức nộp tiền với hy vọng hai năm nữa sẽ được nhận nhà. Điều đáng nói là những dự án này có kế hoạch khởi công từ tháng 2/2012 nhưng đến thời điểm này, khi chỉ còn mấy tháng nữa là hết năm vẫn chưa thấy động tĩnh gì từ các dự án đó. Rõ ràng, kiểu mua nhà trên giấy này khá mạo hiểm, đồng nghĩa với việc gặp nhiều rủi ro bởi không biết đến bao giờ mới được sống trong ngôi nhà của mình. Thực tế cho thấy không ít người mua nhà đã thuê luật sư khởi kiện chủ dự án ra tòa chỉ vì họ đổ tiền vào việc mua nhà nhưng chờ mãi mà dự án vẫn chỉ là những khoảng đất trống, cỏ dại mọc um tùm. Bài học nhỏ nhưng vô cùng bổ ích từ những giao dịch này chính là việc người dân cần hết sức thận trọng khi quyết định mua nhà giá rẻ. Phải chờ đợi quá lâu, trục trặc về giấy tờ, chất lượng nhà không như mong muốn… đó là những kết cục hoàn toàn có thể xảy ra. Chính vì thế, việc lựa chọn và quyết định mua nhà giá rẻ cũng đòi hỏi người mua phải có sự hiểu biết nhất định về thị trường bất động sản cũng như năng lực thực tế của chủ dự án để không phải trả giá đắt cho những quyết định sai lầm của mình |
,