Hà Nội: Đất công, ai xót?

Hà Nội: Đất công, ai xót?

UBND TP.Hà Nội đang tiến hành đợt giám sát về tình hình quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công trên địa bàn. Kết quả bước đầu cho thấy rất nhiều khu đất "vàng” trong nội thành đã và đang bị bỏ hoang lãng phí bởi những dự án chưa được triển khai, còn câu chuyện quản lý quỹ nhà chuyên dụng trên địa bàn thì còn quá nhiều bất cập.

Nhiều khu đất "vàng” trong nội thành đã và đang bị bỏ hoang lãng phí Ảnh: Hoàn Long
 
Đất "vàng” để cỏ mọc
 
Qua giám sát cho thấy, hiện rất nhiều diện tích đất nằm ở những vị trí đắc địa trên địa bàn vẫn đang bị đắp chiếu vì giải phóng mặt bằng. Chủ tịch UBND phường Nhân Chính Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, rất nhiều dự án không triển khai được dù chính quyền đã ứng tiền ngân sách để giải phóng mặt bằng. Đơn cử như dự án hơn 13ha đất nằm giáp đường giao thông thuận tiện, nối giữa khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính với đường vành đai 3, quy hoạch xây dựng công viên hồ điều hòa Nhân Chính tạm dừng vì giải phóng mặt bằng. Ngoài dự án trên, hiện trên địa bàn quận Thanh Xuân còn 3 dự án khác chậm được triển khai, vi phạm Luật Đất đai, trong đó ô đất nhỏ nhất cũng có diện tích gần 1ha. Còn tại Ba Đình, nhiều dự án cũng trong tình trạng đáng báo động.
 
Nói về những nguyên nhân khiến các diện tích đất treo lơ lửng nhiều năm, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Lê Văn Hoạt cho biết: Dự án dừng phần lớn là do gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Nhiều chủ đầu tư đã thiếu trách nhiệm, thậm chí còn dễ làm khó bỏ. Thiếu nhà tái định cư cũng là nguyên nhân khiến không ít dự án quan trọng chậm tiến độ... Tuy nhiên, ngoài những lý do khách quan trên thì trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là rất lớn. Các thành viên đoàn giám sát cho rằng, đã có sự "xé rào" ngay từ thủ tục giao dự án cộng với sự thiếu kiểm tra, giám sát chặt chẽ, quyết liệt của chính quyền cơ sở đã dẫn đến dự án bỏ hoang trong suốt nhiều năm qua. Mặt khác, không ít địa phương vẫn cho rằng dự án của cấp nào thì cấp đó phải có trách nhiệm quản lý mà vô tình sao nhãng trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương đối với các dự án trên địa bàn.
 
Thất thoát là do cơ chế
 
Vấn đề quản lý quỹ nhà chuyên dụng thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn cũng đã được đoàn giám sát chỉ ra nhiều bất cập. Theo báo cáo của Sở Xây dựng, tổng quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước hiện đang cho các tổ chức thuê để sử dụng vào mục đích kinh doanh, dịch vụ và các mục đích khác không phải để ở trên địa bàn thành phố là 1.075 địa điểm. Mức giá cho thuê được tính toán theo cơ chế bao cấp, với giá áp dụng từ năm 2008 đến nay là 80.000 đồng/m2/tháng. Trong số các đơn vị được thuê nhà, có 284 địa điểm do cơ quan hành chính đang sử dụng, 286 địa điểm doanh nghiệp nhà nước sử dụng, còn lại 505 địa điểm do các thành phần kinh tế khác sử dụng. Trong quá trình thuê, sử dụng, nhiều đơn vị đã vi phạm hợp đồng thuê nhà, như chuyển nhượng nhà thuê, cho thuê lại để hưởng chênh lệch, giao khoán cho cá nhân sử dụng, chuyển sang làm nhà ở, không trả tiền thuê…, tập trung chủ yếu ở các đơn vị hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp nhà nước đã có sự thay đổi về tổ chức...
 
Không đồng tình với cách quản lý lỏng lẻo của các đơn vị chức năng với khối tài sản khổng lồ này, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Nguyễn Hoài Nam cho rằng: Nhà chuyên dụng ở Hà Nội tập trung phần lớn tại 2 quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng, đây là khu vực có vị trí đắc địa phục vụ kinh doanh dịch vụ nhưng thành phố lại cho thuê với giá bao cấp 80.000đồng/m2 là quá thấp so với giá thực tế. Hiện có rất nhiều đơn vị đã thuê nhà với giá bao cấp rồi cho doanh nghiệp khác thuê lại với giá thuê nhà lên đến cả hàng trăm USD mỗi tháng, cao gấp 30-40 lần. Vậy "số tiền chênh lệch đã chảy vào túi ai đó. Nhìn sơ bộ đã thấy Nhà nước đã để thoát thoát một số tiền khổng lồ”.
 
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Hồ Quang Lợi cũng cho rằng: Tình hình quản lý nhà cho thuê đã nổi cộm kéo dài nhiều năm rồi. Chúng ta phải thừa nhận với nhau rằng quản loại nhà này rất lộn xộn dẫn đến hậu quả nhãn tiền là lãng phí, thất thoát. Rõ rằng số tiền TP thu lại quá nhỏ so với khối tài sản khổng lồ chúng ta đang quản lý. Vì vậy, cần phải rà soát toàn bộ quỹ nhà này và nhanh chóng tìm ra cách quản lý hiệu quả nhất.
 
Phó Chủ tịch HĐND TP, ông Lê Văn Hoạt yêu cầu Sở Xây dựng giải trình rõ việc xây dựng cơ chế giá cho thuê nhà chuyên dụng cũng như quy chế quản lý sử dụng quỹ nhà này để tránh thất thoát cho thành phố…

Theo Lục Bình ( DĐK


 

,