"Mở room" cho tín dụng: Lo lạm phát, ngại "hấp thụ"
 

"Mở room" cho tín dụng: Lo lạm phát, ngại "hấp thụ"

Hàng loạt ngân hàng thương mại như OceanBank, HDBank, MB... vừa được Ngân hàng Nhà nước cho phép nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng quanh mức từ 15, 17% lên mức thành 25, 27 thậm chí là 30% cho cả năm nay.

Khách hàng giao dịch tại Agribank Bắc Giang. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN).

Điều này khiến nhiều chuyên gia e ngại các nhà băng khó sử dụng hết mức tín dụng vừa xin vì nền kinh tế vẫn đang trong tình trạng khó hấp thu vốn. Sức mua của thị trường giảm khiến doanh nghiệp không còn mặn mà với việc vay vốn kinh doanh, đầu tư mới.

E ngại khó hấp thụ vốn...

Các chuyên gia đặt câu hỏi tại sao các ngân hàng thương mại lại đồng loạt xin nới rộng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng vào thời điểm này, trong khi việc cho vay ra không phải là dễ vì tăng trưởng tín dụng cho toàn hệ thống đến cuối tháng 7 vừa qua mới chỉ đạt trên 1%?

Lãnh đạo các nhà băng giải thích rằng họ xin điều chỉnh dựa trên kết quả kinh doanh, các tiêu chí an toàn tài chính hợp lý và hứa hẹn sẽ đẩy mạnh cho vay các đối tượng ưu tiên như khách hàng có hoạt động xuất khẩu, vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, sản xuất kinh doanh, công nghiệp phụ trợ… Và hầu như ngân hàng nào cũng tin rằng mình sẽ sử dụng hết hạn mức mới này.

Ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó Tổng giám đốc OceanBank cho biết, OceanBank cũng đã định hướng một số ngành nghề trọng tâm trong nền kinh tế để cho vay như sản xuất, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ và hỗ trợ nông thôn.

Còn ông Lê Thành Trung, Phó Tổng giám đốc HDBank cũng cho biết, tăng trưởng tín dụng trong các tháng còn lại của cuối năm nay là hoàn toàn khả thi, đặc biệt khi mức lãi suất hợp lý thị sự hấp thụ vốn của nền kinh tế sẽ được quay trở lại.

Trên thực tế, tính đến ngày 30/7/2012, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng mới tăng trên 1% so với 31/12/2011. Nền kinh tế vẫn đang trong tình trạng khó hấp thu vốn. Sức mua của thị trường giảm khiến doanh nghiệp không còn mặn mà với việc vay vốn kinh doanh, đầu tư mới. Điều này khiến nhiều chuyên gia e ngại các nhà băng khó sử dụng hết mức tín dụng vừa xin. Còn nếu gắng gượng sử dụng hết thì cũng sẽ kéo theo nhiều hệ lụy.

Chuyên gia Vũ Đình Ánh đặt câu hỏi: "Tăng quy mô lớn để làm gì trong khi việc sử dụng tín dụng không hiệu quả là một trong những nguyên nhân cơ bản làm bất ổn vĩ mô?".

Ông Ảnh chỉ ra, vấn đề mấu chốt hiện nay là chỉ số hàng tồn kho cao, nhưng chưa có một con số thống kê cụ thể lượng tồn kho chiếm quy mô bao nhiêu so với nền kinh tế. "Nếu nới và bơm tín dụng ồ ạt, có thể có những doanh nghiệp làm liều nhắm mắt vay. "Rất có thể họ vay không vì mục tiêu sản xuất kinh doanh mà để đổ vào xử lý rủi ro cho việc đầu tư chứng khoán, bất động sản trong quá khứ," ông Ánh cảnh báo.

Tuy nhiên, một chuyên gia tài chính khác lại cho rằng việc nới lỏng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước phát đi tín hiệu cho thấy Ngân hàng Trung ương sẵn sàng tạo điều kiện cho tín dụng đi vào nền kinh tế.

Cũng theo vị chuyên gia này, với những ngân hàng nhỏ có quy mô vài chục nghìn tỷ đồng, việc tăng trưởng tín dụng 30-40% không bằng các ngân hàng lớn tăng vài phần trăm, nên cũng không gây tác động nhiều đến nền kinh tế cũng như nguy cơ lạm phát.

“Vấn đề là chất lượng của khoản vay. Ngân hàng Nhà nước cũng phải có quy định cho thấy tạo điều kiện vay vốn cho lĩnh vực nào và không tạo điều kiện cho lĩnh vực nào,” chuyên gia này nói.

... Và lo lạm phát quay lại

Cũng liên quan đến vấn đề xin nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, các chuyên gia cũng tỏ ra lo ngại việc này sẽ ảnh hưởng đến việc lạm phát sẽ quay trở lại.

Lý giải lo lắng này, ông Ánh cho rằng, nếu Ngân hàng Nhà nước ép bằng được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 8 – 10% trong bối cảnh hiện nay, dễ dẫn tới một cuộc đua trong hệ thống ngân hàng vì nhiều lẽ. Một mặt, các ngân hàng đưa lãi suất cho vay vốn xuống thấp để cạnh tranh khách vay vốn; mặt khác tăng lãi suất huy động để thu xếp nguồn. Khi đó, lạm phát sẽ có nguy cơ quay trở lại. Thực tế hiện nay cho thấy, xu hướng lạm phát giảm có dấu hiệu đảo chiều trong tháng 8 này và trong thời gian tới do tác động dây chuyền bởi giá điện, giá xăng dầu tăng.

Đồng tình với những băn khoăn trên, ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng, khả năng tăng trưởng tín dụng cả hệ thống đạt 8 – 10% cũng khó nên việc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng nhằm mục tiêu đẩy nhanh dòng vốn ra nền kinh tế. Ông Kiêm cho rằng, có một số ngân hàng có được lượng khách hàng tốt nên có nhu cầu nới hạn mức tín dụng, song không loại trừ việc xin chỉ tiêu để “phòng xa”.

Ông Kiêm lưu ý, Ngân hàng Nhà nước phải chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát chặt chẽ, để phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời một số tổ chức tín dụng, khi có chỉ tiêu trong tay sẽ cho vay "vung vít," khiến nợ quá hạn, nợ xấu càng gia tăng mạnh.

Nhằm giải đáp những khúc mắc trên của các chuyên gia và đại biểu Quốc hội, chiều 21/8, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, tăng trưởng tín dụng hiện khoảng 1,6% và cả năm sẽ không quá 8%.

Theo lý giải của Thống đốc, vào đầu năm các chỉ tiêu tín dụng được đưa ra là khoảng 15% dựa vào các dự báo, mục tiêu về vĩ mô như tăng trưởng kinh tế và lạm phát (tăng trưởng kinh tế khoảng 6%, lạm phát dưới 10%).

Tuy nhiên, hiện nay lạm phát có thể đưa xuống thấp hơn nữa (khoảng 6%), tăng trưởng kinh tế trên 5% thì sẽ phải điều chỉnh tăng trưởng tín dụng.

"Sau khi đánh giá lại, vào thời điểm hiện nay có tổ chức tín dụng có thể tăng trưởng thêm, nhưng cũng có đơn vị không có khả năng tăng trưởng tín dụng. Ngân hàng Nhà nước cũng xem xét các phương án nếu khả thi mới cho các tổ chức tín dụng, song chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống năm nay không vượt quá 15%," ông Bình nhấn mạnh.

Thống đốc khẳng định, việc điều chỉnh tăng trưởng tín dụng này không ảnh hưởng tới mục tiêu đưa lạm phát về 5-6%./.

Theo Vietnam Plus


 

,