Lời hứa giảm lãi suất cho vay bị thách thức Mới đây, bốn "ông lớn" nắm thị phần chi phối của hệ thống ngân hàng gồm BIDV, Vietcombank, Vietinbank và Agribank vừa đồng loạt giảm lãi suất cho vay 0,3-0,5% một năm và áp dụng mức lãi suất trung - dài hạn không quá 10% một năm đối với những khách hàng tốt. Sau đó, một số ngân hàng khối cổ phần như TPBank, SHB cũng cam kết sẽ cho vay lãi suất tối đa 10% với khoản trung dài hạn hoặc là dành 5.000 tỷ đồng để cho vay ưu đãi 6,9% một năm...
Động thái trên là bước khởi đầu cho "lời hứa" giảm lãi suất của người đứng đầu ngành ngân hàng. Trước đó, trong cuộc gặp giữa Thủ tướng với doanh nghiệp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng truyền đi thông điệp dù khó khăn nhưng ngành ngân hàng vẫn phấn đấu giảm khoảng 1% lãi suất trong năm nay. Bản thân các nhà băng lớn cũng cam kết sẽ tiết giảm hàng trăm tỷ đồng chi phí quản lý để tạo dư địa giảm lãi suất. Giới chuyên gia nhìn nhận, việc giảm lãi suất cho vay này là tin vui đối với cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh có ít nhân tố hỗ trợ. Tuy nhiên, các ý kiến này cũng lo ngại vì nhìn vào thực tế hiện nay cũng như thời gian tới, có quá nhiều yếu tố gây sức ép, khiến lãi suất cho vay khó giảm thêm. Lạm phát năm nay dự báo ở mức 3-5%, khá cao so với mức 0,63% năm 2015. Lạm phát tăng thì người dân sẽ kỳ vọng lãi suất huy động cao nên ngân hàng khó giảm giá vốn đầu vào. Thực tế là sau khi đẩy lãi suất huy động dài hạn lên 8% một năm, gần đây, một số ngân hàng, trong đó có cả ngân hàng khối quốc doanh đã niêm yết kịch trần lãi suất 5,5% tại các kỳ hạn dưới 6 tháng. Cụ thể như Vietinbank, hiện lãi suất kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 6 tháng là 5,5% một năm. So với mặt bằng chung, lãi suất huy động VietinBank đang ở mức cao, trong đó 6-9 tháng là 5,8% một năm, 24-36 tháng tăng lên 6,8%, trên 36 tháng 7% một năm. BIDV cũng vừa tăng lãi suất huy động khoảng 0,3%, đưa mức dưới 6 tháng chạm kịch trần 5,5%. Và mức lãi tiền gửi cao nhất tại ngân hàng này là kỳ hạn 36 tháng với 7,2% một năm. Gần đây, Vietcombank đã tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn khoảng 0,2% so với cuối tháng 3. Theo đó, kỳ hạn 2 và 3 tháng hiện ở mức lần lượt 4,8% và 5% một năm; 6 tháng 5,4%; còn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,5% mỗi năm. Các ngân hàng cho rằng, việc tăng lãi suất tiền gửi này chủ yếu để dự trù nguồn vốn cho vay ở một số đơn vị, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh cũng như cân đối lại nguồn vốn. "Một khi mặt bằng lãi suất huy động ở mức cao và có xu hướng tăng thì tất yếu sẽ gây áp lực tăng lãi suất cho vay", một chuyên gia đánh giá. Một yếu tố quan trọng khác là lãi suất ngân hàng đang phải cạnh tranh với trái phiếu Chính phủ. Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch BIDV cho rằng, để giảm áp lực lãi suất trung và dài hạn, Chính phủ nên điều chỉnh giảm tỷ lệ phát hành trái phiếu và siết chặt quản lý chi tiêu công. Hiện các ngân hàng thương mại vẫn là những thành viên chủ yếu tham gia mua trái phiếu trên thị trường. Theo ông Hà, cần giảm khoảng 10% khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ. Ngoài ra, một nguyên nhân không nhỏ ảnh hưởng đến việc giảm lãi suất cho vay đó là áp lực lợi nhuận trước cổ đông. Trong mùa đại hội cổ đông năm nay, cổ đông nhiều ngân hàng bức xúc và yêu cầu phải có cổ tức sau nhiều năm không được nhận hoặc nhận mức "bèo bọt". Nhưng muốn đáp ứng được việc này, các ngân hàng thương mại bắt buộc phải tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, nhiều nhà băng lại than phiền rằng hiện lãi biên (NIM) của hệ thống ngân hàng đã ở mức rất thấp, giảm lãi suất cho vay sẽ khiến lợi nhuận của họ ngày càng teo tóp. Theo Chủ tịch BIDV, với mức lãi suất cho vay bình quân 8,5% một năm, mức biên lợi nhuận (NIM) của các ngân hàng rất thấp. "Hiện giá vốn là 7,8%, trong đó lãi suất huy động 4,9%, dự phòng rủi ro 1,22%, dự trữ thanh toán 0,5%, chi phí quản lý hoạt động ngân hàng là 1,75%, NIM ròng chỉ 0,69% trong khi đó tỷ lệ này của các ngân hàng trong ASEAN từ 2,2-2,5%", ông Hà nói. Do đó, các ngân hàng cho rằng, để có thể tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới cần phải có một số chính sách hỗ trợ chứ không chỉ mỗi ngân hàng mà làm được. Một trong những "điều kiện" đó là giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng. Theo ông, nên tiết giảm 1% tỷ lệ dự trữ bắt buộc với VND và 3% với ngoại tệ. Tỷ lệ dự trữ thanh toán cũng nên là 8% thay vì là 10% như theo Dự thảo Thông tư 36. Dù thừa nhận diễn biến tiền tệ đang nổi lên một số thách thức như tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chậm lại; CPI có xu hướng tăng nhanh hơn các năm gần đây đòi hỏi phải kiểm soát lạm phát, nhưng Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, Ngân hàng Nhà nước cam kết giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay trong thời gian tới. "Hiện nay lãi suất cho vay đã giảm mạnh và chỉ bằng 40% so với thời điểm 2011, nhưng công cụ điều hành lãi suất cũng phải dựa vào các chính sách vĩ mô và lạm phát nên Ngân hàng Nhà nước phải hết sức thận trọng", Thống đốc chia sẻ. Hoài Thu |
,