Món hời từ biến ki-ốt thành nhà trong Trung tâm thương mại
 

Món hời từ biến ki-ốt thành nhà trong Trung tâm thương mại

Trong lúc thị trường bất động sản lạnh như băng thì khái niệm “nhà trong chợ” không còn là ý tưởng nữa mà đã nhanh chóng trở thành sản phẩm siêu lợi nhuận cho các chủ đầu tư đang đi tiên phong trong cao trào xây TTTM ồ ạt tại nhiều địa phương.

Dù đang xây thô, nhưng hầu hết ki-ôt kiêm nhà ở tại TTTM Vôi (Bắc Giang) đã có chủ
Dù đang xây thô, nhưng hầu hết ki-ôt kiêm nhà ở tại TTTM Vôi (Bắc Giang) đã có chủ

Đặc sản “ki-ốt kiêm nhà ở”

Lựa chọn vị trí đắc địa trên quốc lộ 1A, thuộc hành lang kinh kế Nam Ninh (Trung Quốc) – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng và sát với Chợ Vôi (thị trấn Vôi - Lạng Giang - Bắc Giang), để xây dựng TTTM thị trấn Vôi, Chủ đầu tư là Công ty CP tập đoàn HDB Việt Nam quảng bá sẽ biến nó thành trung tâm giao thương lớn trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, đặc biệt là hàng nông sản cho Hà Nội và các tỉnh thành khác trên cả nước.    

Nhưng kỳ thực chủ đầu tư khá mạnh tay khi chi 157 tỷ đồng là vì điểm nhấn của dự án là siêu sản phẩm: “ki-ốt kiêm nhà ở”. Đến nay, bên cạnh khu chợ trung tâm, một khu ki-ốt nằm liền kề bao quanh các mặt tiền của chợ trung tâm (khoảng 34 ki-ốt được thiết kế 1 tầng rưỡi, diện tích sử dụng khoảng 20m2 và 116 ki-ốt được thiết kế 2 tầng rưỡi, diện tích sử dụng khoảng 60 - 80 m2) đã được xây xong phần thô vơi hình hài là một căn nhà khép kín đầy đủ tiện nghi có chức năng vừa buôn bán vừa ở.

“Giá các ki-ốt giao động từ 600-800 triệu đồng tùy thuộc vào vị trí. Nhưng hiện tại, còn lại không nhiều, nếu các anh không nhanh tay chắc đến hết quý III/2012 muốn mua cũng chẳng có. Khi mua xong, chủ các ki ốt có quyền được chỉnh sửa nội thất bên trong sao cho phù hợp với nhu cầu ở của mình”, nhân viên Phạm Quang H. (Cty CP tập đoàn HDB Việt Nam) khẳng định.

Nhập vai người đang có nhu cầu tìm ki-ốt, chúng tôi được nhân viên Phạm Quang H. (thuộc Công ty CP tập đoàn HDB Việt Nam) giới thiệu khá chi tiết về chức năng đặc biệt của 4 khu ki-ốt được thiết kế 2 tầng rưỡi (khoảng 116 ki-ốt có tổng diện tích từ 60-80 m2) trong dự án. 

Theo lời H. điểm khác biệt của các ki-ốt hiện đại này là chủ nhân của nó có thể dùng tầng một để kinh doanh, 1,5 tầng còn lại để ở vì toàn bộ thiết kế bên trong là giành cho chức năng này. Đúng ra gọi là nhà liền kề, nhưng vì nằm trong khu TTTM nên phải gọi là các ki-ốt cho đúng thuật ngữ. Theo H, mặc dù, mới bước vào giai đoạn 2 của dự án, nhưng với mức giá trung bình từ 600 – 800 triệu đồng, các ki-ốt ở TTTM chợ Vôi đã làm nóng thị trường bất động sản, khi 1/3 sản phẩm “ki-ốt kiêm nhà ở” đã có chủ.

Tuy nhiên, khi thắc mắc về tính pháp lý, H. phân tích, nếu mua chỉ có hóa đơn, hợp đồng mua bán ki-ốt, gian hàng bán hàng có thời hạn 50 năm chứ không có sổ đỏ. Tùy điều kiện kinh tế người mua đóng một lần hoặc chia theo từng đợt tương ứng với tiến độ dự án. Nếu đóng ngay 100% khách hàng sẽ được chiết khấu 15% giá trị hợp đồng.

Dù với tên gọi là Dự án TTTM chợ Vôi, toàn bộ các công trình của dự án này đều phục vụ mục đích duy nhất là kinh doanh. Nhưng khi có trong tay giấy phép xây dựng các ki-ốt chiều cao 2,5 tầng, Công ty CP tập đoàn HDB đã nghĩ ra sáng kiến giới thiệu đến khách hàng công năng của sản phẩm này với giá trị pháp lý hết sức mập mờ. Mặc dù biết rõ, bỏ hàng đống tiền mua một căn nhà nhưng chỉ được gọi là ki-ốt, mà nguyên tắc là ki-ốt không được dùng để ở, nhưng dường như nhiều người vẫn chấp nhận đầu tư mạo hiểm vì giá trị cái lợi trước mắt đang hiện hữu.

Có thể hợp thức ki-ốt thành nhà ở?

Để làm rõ hơn sản phẩm mới này, chúng tôi tiếp tục tìm đến TTTM chợ Lim – nơi điển hình nhất cho món “đặc sản” của Cty CP tập đoàn HDB nghĩ ra. Cách trung tâm Hà Nội gần 30km, khi triển khai TTTM chợ Lim cũng được quảng bá là se trở thành một trung tâm giao thương quốc tế, chợ đầu mối lớn nhất Việt Nam.

“Toàn bộ các sản phẩm của TTTM đã bán hết từ vài năm nay. Vì thế, nếu muốn mua, ông Văn sẽ sẵn sàng làm đầu mối trung gian giới thiệu với những chủ nhân ki-ốt muốn bán với mức giá giao động từ 700-900 triệu đồng/ki-ốt. Ông Văn cũng hứa hẹn, trong thời gian tới, công ty sẽ cố gắng làm sổ hồng cho những ki-ốt có thiết kế đặc biệt này.”-  ông Phạm Tân Văn, Giám đốc Cty Thương mại Dịch vụ chợ Lim. 

Thế nhưng, gần hai năm sau ngày khai trương, không khí kinh doanh khá ảm đạm khiến nó không giống là một trung tâm thương mại mà quang cảnh giống một khu dân cư hơn vì các dãy nhà đều được đặt tên phố, tên đường một cách đầy mời gọi, một số ki-ốt không thấy kinh doanh mà được sử dụng luôn vào mục đích ở, thậm chí trên cửa một số ki-ốt còn công khai treo biển bán nhà, cho thuê nhà.

Theo lời giới thiệu của ông Phạm Tân Văn, Giám đốc Cty Thương mại Dịch vụ chợ Lim (Cty CP tập đoàn HDB) toàn bộ các sản phẩm của TTTM đã bán hết từ vài năm nay. Vì thế, nếu muốn mua, ông Văn sẽ sẵn sàng làm đầu mối trung gian giới thiệu với những chủ nhân ki-ốt muốn bán với mức giá giao động từ 700-900 triệu đồng/ki-ốt. Ông Văn cũng hứa hẹn, trong thời gian tới, công ty sẽ cố gắng làm sổ hồng cho những ki-ốt có thiết kế đặc biệt này.

“Có nhiều loại ki-ốt, loại 2,5 tầng, loại 3,5 tầng, tùy vào nhu cầu sử dụng cũng như kinh doanh mà khách hàng lựa chọn. Mỗi ki-ốt dạng này bán ra chỉ có hợp đồng mua bán, và một hóa đơn xuất một lần. Muốn mua lại của người khác, tốt nhất là qua Công ty xác nhận chứ không thể sang tên, đổi chủ trên giấy tờ được”- ông Văn cho hay. Khi PV đặt câu hỏi, nếu nay mai chính quyền không cho ở trong ki-ốt thì sao thì ông ấp úng không muốn trả lời.

Theo quy định của pháp luật, đất để làm nhà ở là đất được sử dụng lâu dài, còn đất để làm TTTM là đất được sử dụng có thời hạn. Các dự án xây dựng TTTM ban đầu chủ đầu tư được giao theo hình thức thuê đất có thời hạn. Nhưng sau khi hoàn thành có thể chuyển đổi hình thức từ thuê đất sang giao đất, thậm chí chuyển mục đích sử dụng vẫn có thể thực hiện được nếu chính quyền địa phương “bật đèn xanh” giống như cách làm mới đây của UBND tỉnh Thanh Hóa đối với dự án xây dựng TTTM và dịch vụ tổng hợp Bắc Giang tại phường Phú Sơn, TX. Bỉm Sơn.

Theo Pháp Luật VN


 

,