Hàng loạt dự án ở TP.HCM ngưng trệ Hàng loạt dự án ở TP.HCM ngưng trệThị trường bất động sản (BĐS) liên tục gặp khó khăn, khiến hàng loạt dự án ở TP.HCM thi công dở dang, phải tạm ngừng triển khai.
Tại quận Thủ Đức, các dự án, như Sông Đà River Side ở phường Hiệp Bình Chánh; Căn hộ Green House ở phường Linh Tây... đều rơi vào tình trạng này. Do Công ty cổ phần Bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVL) làm chủ đầu tư, Dự án Căn hộ Green House được khởi công xây dựng từ giữa năm 2010, sau khi xây dựng xong phần móng và chính thức công bố bán từ đầu năm 2011, song nay đã ngừng thi công. Tương tự, Dự án Cao ốc căn hộ cao cấp BMC - Hưng Long (tại quận 7, TP.HCM) do Công ty Vật liệu xây dựng và Xây lắp thương mại BMC làm chủ đầu tư được khởi công tháng 7/2007, dự kiến bàn giao căn hộ cuối năm 2009, nhưng đến nay, vẫn ở tình trạng dở dang và tạm dừng thi công. Ngay gần đó là Dự án Căn hộ cao cấp Quốc Cường Gia Lai 2 trên đường Phạm Hùng (huyện Bình Chánh) do Công ty Quốc Cường Gia Lai làm chủ đầu tư. Dự án đã xây phần thô đến tầng 30, nhưng đã ngừng xây dựng từ nhiều tháng qua. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở các quận Tân Phú, Bình Tân, Gò Vấp, quận 9, Nhà Bè… Ông Phùng Văn Năng, Tổng giám đốc Công ty BĐS Nam Việt nhận xét, thật là xót xa và lãng phí khi thấy bao nhiêu tiền đổ vào hàng loạt dự án căn hộ, giờ hoàn toàn nằm... bất động. Không chỉ phân khúc căn hộ, mà các dự án phân khúc văn phòng có quy mô lớn cũng đang chịu chung số phận hẩm hiu. Dự án Trung tâm Tài chính Việt Nam (VFC) do Công ty TNHH Trung tâm tài chính Việt Nam Berjaya (thuộc Tập đoàn Berjaya – Malaysia) làm chủ đầu tư là một ví dụ. VFC là dự án có tổng vốn đầu tư lên đến 930 triệu USD, với kế hoạch xây dựng khu đất rộng 6,8 ha tại góc đường Lê Hồng Phong - Ba Tháng Hai (quận 10, TP.HCM) thành một khu phức hợp năm tòa tháp cao từ 39 đến 48 tầng. Được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ đầu năm 2008, nhưng đến nay, Dự án này vẫn chưa khởi công. Một dự án khác cũng do Tập đoàn Berjaya làm chủ đầu tư là Dự án Khu đô thị đại học quốc tế (VIUT) tại huyện Hóc Môn có vốn đầu tư 3,5 tỷ USD. VIUT được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 7/2008, dự kiến được khởi công vào đầu năm 2009, nhưng đến nay mới dừng lại ở khâu chuẩn bị. Đầu năm nay, Chủ tịch UBND TP. Lê Hoàng Quân đã cảnh báo, nếu chủ đầu tư Dự án VFC tiếp tục trì hoãn, không hoàn thành các thủ tục đầu tư theo cam kết, thì UBND TP.HCM sẽ xem xét thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Tương tự, Ban Quản lý Khu đô thị Tây Bắc và các cơ quan quản lý nhà nước đã nhiều lần kiến nghị UBND TP.HCM xem xét thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của VIUT, với lý do chủ đầu tư hạn chế về năng lực tài chính. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng giám đốc Berjaya Việt Nam thừa nhận, tiến độ của 2 dự án này chậm so với cam kết ban đầu, song chủ yếu do nguyên nhân khách quan, thị trường. Ông Nam cho biết, hiện chủ đầu tư Dự án VFC đã bỏ ra trên 1.000 tỷ đồng tiền để hoàn tất khâu đền bù giải tỏa và đang chờ giấy phép xây dựng, nếu không có gì thay đổi đầu năm 2013, sẽ khởi công. |
,