Sẽ phải gánh hậu quả nếu vẫn ồ ạt xây trung tâm thương mại

Sẽ phải gánh hậu quả nếu vẫn ồ ạt xây trung tâm thương mại

Thứ bẩy, 11/08/2012, 08:58 GMT+7
Để tình trạng chuyển đổi chợ thành TTTM rồi bỏ hoang hay việc biến tướng các ki-ốt thành nhà ở, trước tiên trách nhiệm thuộc về chính quyền cấp tỉnh bởi sự dễ dãi trong cơ chế “xin – cho” hiện nay, đó là nhận định của GS. TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ TN&MT.
>>Gánh hậu quả vì ồ ạt xây trung tâm thương mại
Sẽ phải gánh hậu quả nếu vẫn ồ ạt xây trung tâm thương mại | ảnh 1
GS. TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ TN&MT

Thưa ông, qua điều tra của PLVN, ở một số dự án núp bóng xây dựng TTTM nhưng bên trong thì có biểu hiện biến tướng ki-ôt thành nhà ở để bán thu lợi bất chính, dường như chính quyền các tỉnh còn quá dễ dãi trong việc cáp phép đầu tư loại dự án này?

- Chúng ta đã có quy định về việc tham vấn cộng đồng khi triển khai dự án. Tuy nhiên, đó là một khái niệm đang bị bỏ qua ở rất nhiều tỉnh thành, bởi một nguyên nhân cơ bản là do cơ chế “xin - cho” quá dễ dãi. Một ví dụ điển hình là ở Hàn Quốc, khi chính quyền triển khai bất cứ dự án, nếu không được 75% người dân đồng thuận thì không được triển khai, còn nếu đạt con số này thì 25% còn lại phải tuân theo. Chúng ta non tay xử lý, ngày nào đó nó sẽ trở thành một mớ lộn xộn trong việc sử dụng đất và gây tác hại rất lớn.

Đối với vấn đề mà Báo PLVN nêu, thì luật đã quy định đất để làm nhà ở là đất được sử dụng lâu dài, còn đất để làm TTTM là đất được sử dụng có thời hạn, đó là hai điểm khác biệt quan trọng nhất. Nếu làm TTTM thì phải có dự án, trong đó sẽ xin TTTM này có thời hạn sử dụng đất là bao nhiêu, ví dụ như 30 năm, 50 năm hay thậm chí có nơi có thể cho đến 70 năm ở những nơi khó khăn. Nhưng nên nhớ, đất này là đất có thời hạn. Còn đất ở, trong mọi trường hợp đều được sử dụng vô thời hạn, chính vì vậy mà việc người ta có thể lợi dụng một TTTM để gắn với nhà ở đã được dự báo từ những năm 2004 khi thực tế cho thấy, khung giá của nhà nước, giá cao nhất về đất sản xuất kinh doanh là 67 triệu đồng/m2, đất ở là 81 triệu đồng/m2. Tức là giá tiền đất để làm TTTM chỉ chiếm khoảng 2/3 tiền đất ở.

Sẽ phải gánh hậu quả nếu vẫn ồ ạt xây trung tâm thương mại | ảnh 2

Phải chăng  quy định của luật còn có quá nhiều kẻ hở, thưa ông?

- Trong Nghị định 181 có quy định một điều rất cốt lõi mà hiện nay nhiều địa phương vi phạm, tức là muốn làm một cái nhà vừa sử dụng hỗn hợp vừa kinh doanh vừa ở thì nguyên tắc đất đó phải là đất ở. Khi đất ở thì anh có thể cắt một phần sang làm TTTM, làm văn phòng cho thuê, nhưng ngược lại thì không, tức là chuyển đất TTTM sang đất ở thì không được. Tuy nhiên, quy định này thường không được các địa phương thực hiện nghiêm túc, mà chính ngay Hà Nội chứ không phải đâu xa, rất nhiều nơi doanh nghiệp xin xây dựng TTTM, sau đó một phần được bán làm chỗ ở.

Việc biến tướng ki-ốt thành nhà ở để bán và mua ki-ốt để làm nhà ở, cơ quan quản lý sẽ không dễ phát hiện và cực khó trong xử lý, thưa ông?

- Việc giám sát thực thi pháp luật, việc thực hiện sử dụng đất, nếu như nó biến tướng sang làm nhà ở với việc người dân sinh hoạt, ở đấy thì chắc chắn chính quyền xã, phường, thị trấn phải có trách nhiệm phát hiện và có thể xem đó là những trường hợp sử dụng sai mục đích. Bởi bản thân nó được duyệt là một ki-ốt có công năng sử dụng để bán hàng, thậm chí có thể sử dụng làm cơ sở của một công ty, nhưng nếu biến tướng thành chỗ ở cho hộ gia đình thì phải xử lý.

Các nhà đầu tư nhà ở thương mại sẽ phải kêu lên khi thấy việc này, vì khi họ xin triển khai dự án, bao giờ cũng phải rằng buộc nhiều điều kiện như xây dựng trường học, bệnh viện, công viên,... còn những chủ đầu tư xây TTTM không bị điều này rằng buộc và như thế sẽ hưởng lợi hơn rất nhiều?

- Điều này có thể thấy ngay là các chủ đầu tư đang lách luật để tạo ra sự bất công bằng trong môi trường đầu tư. Chủ đầu tư xây dựng nhà ở sẽ phải tốn kém hơn rất nhiều và bán giá sẽ cao, còn ông đầu tư theo kiểu lấy đất sản xuất kinh doanh để xây dựng nhà ở thì chắc chắn có lợi thế hơn rất nhiều.

Vậy trách nhiệm để xẩy ra những việc làm gây thất thoát tiền của nhà nước như trên thuộc về ai?

- Trách nhiệm thứ nhất là pháp luật vẫn còn có lỗ hổng, đó là nói pháp luật chung, kể cả việc định nghĩa cụ thể thế nào là một ki-ốt, việc này đang tạo ra các cơ cho nhà đầu tư lách luật. Thứ hai, để xẩy ra chuyện chuyển mục đích chính thức, không chính thức hoặc dự án xen lẫn nhà ở với cơ sở sản xuất kinh doanh, trách nhiệm thuộc về chính quyền cấp tỉnh đầu tiên. Bởi việc xét duyệt dự án, giao đất cho nhà đầu tư là cấp này cụ thể là sở Xây Dựng, sở KH&ĐT và liên quan đến TTTM còn có Sở Công thương.

Tiếp theo là UBND cấp xã, phường, thị trấn, Luật Đất đai đã giao cho cấp này trách nhiệm rất nặng, mặc dù không có thẩm quyền quyết định về đất, nhưng trách nhiệm cao nhất về theo dõi mục đích sử dụng đất của dự án sao cho đúng. Nếu cấp này phát hiện ra sai phạm, phải ngăn chặn ngay, không ngăn chặn được, trong vòng một ngày phải báo cáo lên cấp huyện để xử lý, hoặc có thể báo cáo thẳng lên cấp tỉnh. Nhưng nói là vậy nhưng thực tế nó vẫn chỉ là những chuyện trên mây thôi.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!.

“Đất ở, trong mọi trường hợp đều được sử dụng vô thời hạn, chính vì vậy mà việc người ta có thể lợi dụng một TTTM để gắn với nhà ở đã được dự báo từ những năm 2004 khi thực tế cho thấy, khung giá của nhà nước, giá cao nhất về đất sản xuất kinh doanh là 67 triệu đồng/m2, đất ở là 81 triệu đồng/m2. Tức là giá tiền đất để làm TTTM chỉ chiếm khoảng 2/3 tiền đất ở. Đó là món hời lớn”- GS. TSKH Đặng Hùng Võ Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ TN&MT

(Theo PLVN)


 

,