Bất động sản không sợ tháng ‘cô hồn’ Theo phản ánh của nhiều sàn giao dịch bất động sản, tháng 6 vừa qua là tháng có kết quả giao dịch tệ hại nhất của thị trường Hà Nội kể từ đầu năm. Dù tháng này có không ít tin tốt như lãi suất hạ, đối tượng cho vay mua nhà đất được nới rộng. Một chuyên gia còn thẳng thắn nhận xét thị trường đã “chai lỳ” với thông tin tốt. Bước sang tháng 7, thị trường có dấu hiệu khả quan hơn khi nhiều dự án căn hộ giá rẻ được khởi công hay chào bán như Dự án Đại Thanh ở huyện Thanh Trì hay Dự án Đặng Xá ở huyện Gia Lâm. Tuy nhiên, những động thái trên cũng chỉ như “ném đá ao bèo” và sẽ chấm dứt vào khoảng giữa tháng 8, khi tháng “cô hồn” (tháng 7 âm) của bất động sản chính thức bắt đầu.
Lãnh đạo một sàn giao dịch nhận định: “Cho đến trước thời điểm đó, sẽ có một số giao dịch như đặt cọc, bàn giao nhà hay nhận nhà mới được thực hiện. Nhưng sau đó sẽ không còn vì tâm lý không ai muốn mua nhà, dọn nhà mới trong tháng ‘cô hồn’ cả”. Ông cũng cho biết, mặc dù đội ngũ nhân viên bán hàng của sàn đã giảm hơn 90%, từ gần 60 xuống còn 5 người, nhưng có thể vẫn phải tạm nghỉ trong tháng 7 âm lịch tới. Một số chủ đầu tư do biết tâm lý khách hàng kiêng mua nhà đất trong tháng “cô hồn” nên đã tranh thủ “ra hàng” trong tháng 7 vừa qua. Tuy nhiên, một số người chia sẻ, hiệu quả bán hàng không cao, do khách chủ yếu quan tâm đến những căn hộ đã hoặc sắp hoàn thiện với giá cả phù tầm 15 - 18 triệu đồng mỗi m2. Những dự án chưa khởi công hay động thổ thì họ còn không dám nhận tư vấn bán hàng. Tuy nhiên, một số nhà môi giới bất động sản lâu năm lại tỏ ra tin tưởng vào sự phục hồi của thị trường Hà Nội trong thời gian tới. Đầu tiên là việc Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã hứa tiếp tục hạ trần lãi suất huy động tiền gửi, qua đó kéo lãi suất cho vay xuống. Vì vậy, người có nhu cầu mua nhà ở sẽ có điều kiện tiếp cận nguồn vốn giá rẻ thực sự. Theo phản ánh của nhiều nhà môi giới, hiện người mua nhà vẫn phải chịu lãi suất 17% - 18% mỗi năm. Nếu hạ xuống khoảng 12% sẽ là cơ hội lý tưởng để vay. Tỷ lệ này tương đương với lãi suất tiêu dùng của một số nước trong khu vực. Lý do thứ hai là khi các trường đại học bắt đầu khai vào cuối tháng 9 (đã qua tháng 7 âm lịch), sẽ có một lượng khách không nhỏ từ ngoại tỉnh đổ về Hà Nội tìm mua nhà đất để làm chỗ ở cho con em. Đối tượng này thường nhắm đến các căn hộ hoặc nhà đã xây sẵn để ở được ngay và coi đây như một khoản đầu tư dài hạn cho con em, kể cả khi ra trường sẽ ở lại Hà Nội làm việc. Sau thời gian này, sẽ vẫn có một lượng tiền không nhỏ đổ vào bất động sản, đó là kiều hối từ các nước chuyển về. Theo các cơ quan chức năng, kiều hồi trung bình hàng năm vào khoảng 7 - 8 tỷ USD (tương đương 150.000 tỷ đồng), trong đó có một lượng không nhỏ đổ vào bất động sản. Đây sẽ là một trong những động lực giúp tăng tính thanh khoản của thị trường dịp cuối năm. Ngoài ra, ngân sách và trái phiếu chính phủ được giải ngân vào dịp cuối năm cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án cũng như công trình xây dựng. Chính phủ và các cơ quan chức năng đang chuẩn bị ban hành nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo các chuyên gia, những động thái đó cũng góp phần làm tăng tính thanh khoản của thị trường bất động sản. (Theo ĐTCK) |
,