CPI tháng 7 tiếp tục
giảm 0,29%, sau khi đã giảm 0,26% trong tháng 6. Những con số của Tổng
cục Thống kê cho thấy, sức mua hàng hóa và dịch vụ trong tháng 7 không
tăng mấy so với tháng 6, nghĩa là thực sự cầu tiêu dùng đang yếu. Đã có
người hiến kế rằng Chính phủ cần đưa ra gói kích cầu tiêu dùng tập trung
vào người nghèo và thu nhập thấp, nói nôm na là “phát tiền cho dân
tiêu”. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình, Phó trưởng Bộ môn Tài
chính Ngân hàng, Đại học Quốc tế Bắc Hà, giải pháp này có thể có hại
nhiều hơn lợi.
Có ý kiến cho rằng nên có gói kích cầu tiêu dùng. Theo ông, đề xuất này có hợp lý?
Theo tôi gói kích cầu tiêu dùng này chưa hẳn là cần
thiết. Hiện nay lực cầu giảm mạnh nhất là cầu của doanh nghiệp, tức cầu
các loại nguyên vật liệu, hàng hóa phục vụ cho sản xuất. Lực cầu này
giảm mạnh làm giảm sản lượng quốc gia, giảm tổng sản phẩm nội địa.
Nhưng kích cầu tiêu dùng cũng là cách gián tiếp thúc đẩy cầu sản xuất?
Phải hiểu rằng cầu tiêu dùng sụt giảm chủ yếu là hệ
quả của việc giảm lực cầu sản xuất. Doanh nghiệp giảm sản lượng, cắt
giảm việc làm, dẫn đến thất nghiệp tăng và thu nhập của người dân giảm.
Trước đó, thu nhập thực của dân vốn đã bị bào mòn do lạm phát cao mấy
năm vừa qua, cộng thêm tình hình khó khăn năm nay nên sức mua bị ảnh
hưởng. Lực cầu của khu vực dân cư có tác động đến tổng cầu, nhưng không
nhiều, chủ yếu là giảm đối với nhóm hàng lâu bền như xây nhà, mua nhà,
ôtô, xe máy... Ngược lại, những mặt hàng tiêu dùng cơ bản như lương thực
thực phẩm thì không giảm. Và làm thế nào để hạ giá cả hàng thiết yếu
xuống mới là có lợi cho người nghèo lúc này. Mà kích cầu thì chắc chắn
không thể nào hạ được giá.
Ông có thể phân tích rõ hơn?
Giá sẽ tăng lên khi cầu tăng. Do đó, muốn kích cầu thì
phải nhìn vào yếu tố cung, làm sao để nguồn cung phải rẻ hơn thì người
dân mới mua được hàng hóa rẻ hơn. Đề xuất chỉ kích cầu ở khu vực dân cư
có thu nhập thấp, về mặt xã hội là rất tốt, nhưng liệu Việt Nam có làm
nổi không? Cấp tiền hay trợ cấp cho người nghèo để kích cầu đòi hỏi ngân
sách quốc gia phải mạnh và phải có hệ thống quản lý, kiểm soát chặt
chẽ, điều mà Việt Nam chưa làm được. Đối với người thu nhập thấp, lời
dạy của các cụ “hãy cho họ cần câu, đừng cho họ con cá” luôn còn nguyên
giá trị. Quan trọng nhất là tạo công ăn việc làm cho họ, để họ có thu
nhập tốt hơn.
Ông cho rằng cầu thấp là do lao động mất việc làm, nghĩa là tạo được việc làm mới cũng là cách kích cầu?
Chắc chắn làm được điều này sẽ tạo ra sức cầu. Vì chỉ
một doanh nghiệp đóng cửa có thể khiến cho hàng trăm lao động mất việc,
mất thu nhập, dù họ sẵn sàng làm việc để chi tiêu cho cuộc sống hằng
ngày. Lực lượng này ảnh hưởng rất lớn đến tổng cầu. Còn các hộ nghèo, hộ
thu nhập thấp từ trước đến nay vẫn khó khăn, nay có khó khăn hơn một
chút, nhưng lại không phải là đối tượng chính làm giảm tổng cầu.
Chính phủ đã hạ lãi suất, giãn thuế, lẽ nào vẫn chưa đủ để kích cầu ở khu vực doanh nghiệp?
Đúng là đã có một vài biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp,
nhưng thực tế họ vẫn khó tiếp cận được vốn. Nếu đi khảo sát doanh nghiệp
sẽ thấy số lượng doanh nghiệp tiếp xúc được với khoản lãi suất dưới 15%
là cực kỳ ít. Và mức này chủ yếu mới áp dụng đối với các khoản vay cũ
để giảm các khoản nợ chồng chất; hầu như không thấy áp dụng đối với các
khoản vay mới.
Giảm nợ cũ cũng tốt, nhưng để phát triển sản xuất trở
lại thì phải có những khoản vay mới. Tuy nhiên, doanh nghiệp đã ốm yếu
rồi, nếu ngân hàng vẫn giữ các tiêu chí thẩm định rủi ro cao như hiện
nay thì khó có doanh nghiệp nào vay được.
Nghĩa là nút thắt nằm ở phía ngân hàng?
Một phần nằm ở các ngân hàng, một phần ở cơ chế của
Chính phủ. Lúc này cần định hướng xem khu vực nào cần phát triển, cần
cứu trợ. Khi xác định rõ các đối tượng này rồi thì phải có chính sách
tăng cường cho khu vực ưu tiên đó tiếp cận tín dụng. Hiện nay chúng ta
mới nói chung là giảm lãi suất, cào bằng, nhưng tín dụng chưa tăng. Đó
là điều cần phải suy nghĩ.
Trần lãi suất huy động ngắn hạn hiện nay
khoảng 9%, lãi suất đầu ra các ngân hàng công bố chỉ 13-15%. Như thế đã
đủ rẻ chưa hay phải giảm tiếp?
Nếu tỉ lệ lạm phát khoảng 6-7%, lãi suất ngân hàng
12-13% là hợp lý, trong điều kiện nền kinh tế hoạt động bình thường.
Nhưng hiện nay nền kinh tế vừa trải qua một cú sốc về đầu tư: đầu tư quá
nhiều vào bất động sản, vào hạ tầng, khiến quá trình đầu tư vào sản
xuất kinh doanh xuống thấp. Và nguồn lực đầu tư đó rõ ràng đã bị lãng
phí khi thị trường bất động sản đóng băng. Trong lúc này, tiếp tục giảm
lãi suất cho khu vực sản xuất, tạo điều kiện cho khu vực này phát triển
thì mới dần dần đẩy nền kinh tế đi lên được.