Mưu sinh trên đất... nghĩa trang
 

Nương tựa nhà mồ

Khi thăm nghĩa trang Phú Hòa Đông, chúng tôi gặp vợ chồng anh Bé sống trong một căn chòi lụp xụp ngay giữa nghĩa trang. Anh Bé tên thật là Nguyễn Văn Hoàng, bị dị tật từ nhỏ khiến cơ thể anh, đặc biệt là hai chân anh teo tóp và khoành lại. Anh đang loay hoay quét lá từng ngôi mộ. Chị Bé với gương mặt hốc hác lam lũ đang líu ríu với ba đứa con, một đứa còn ẵm ngửa trên tay, đứa bập bẹ tập nói, đứa chập chững tập đi. Thấy người lạ, hai đứa bé mắc cỡ quấn quanh chân mẹ. Chị Bé la, hai đứa bèn… núp sau mấy ngôi mộ. Với chúng, chắc hẳn ánh nhìn từ những bia mộ quen thuộc thân thiết hơn nhiều so với ánh mắt của người khác.

Chị Bé ở nghĩa trang Phú Hòa Đông đã gần 20 năm. Còn anh Bé từ nhỏ đi chăn bò cho người ta, rồi chủ khu mộ này thương tình cho về đây ở rồi trông giúp luôn mộ của họ. Họ gặp nhau và thành cặp cách đây năm năm, được ba mặt con. Hiện anh và chị nhận chăm sóc thêm một số mộ xung quanh, mỗi chủ mộ cho vài trăm ngàn mỗi bận thăm mộ vào dịp tết, Thanh minh. Hai anh chị vun vén để kiếm thêm rau cháo qua ngày. Hỏi chị vài ba năm nữa mấy đứa con lớn thêm, đến tuổi học hành rồi sao, chị bâng quơ: “Thì ráng lo cho tụi nó thôi…”.

Mưu sinh trên đất... nghĩa trang, Tin tức trong ngày, dat nghia trang, nghia trang, nghia dia, phan mo, kinh doanh nghia trng, nghia trang binh hung hoa, mo ma, ngoi mo, bao, tin tuc, tin hot, tin hay

Chú Hoành thu dọn quầy hàng nhỏ bé sau một ngày vắng khách 

Dưới tán cây bã đậu hơn bốn mươi tuổi ngay giữa nghĩa trang Bình Hưng Hòa lúc nào cũng có năm sáu người ngồi bàn chuyện rôm rả ngay quán nước của chú Hoành. Cái quán chỉ có vài ghế nhựa, một cái bàn nhựa, một tủ thuốc lá nhỏ, một bó nhang to và hai cái xô một đựng hoa cúc vàng một đựng cúc trắng. Quán là nơi bà Bảy giữ mộ uống ly nước trà sau một buổi lau chùi mộ, cũng là nơi ông Cụt, chỉ còn một chân chạy chiếc xe Chaly lùn, ngang qua gọi một điếu thuốc, mồi lửa rồi lại rảo tiếp tìm sắt vụn. Quán là nơi anh xe lăn bán vé số sau một vòng nghĩa trang, mỏi tay lại ghé về chờ khách… Chú Hoành cho biết: “Giờ thì đìu hiu vậy chứ hồi trước vui lắm, người ta đi thăm mả nhiều, mua nhang mua hoa tấp nập. Quán này bán được thì mấy người giữ mả, bán vé số cũng làm ăn được”.

Nhà chú Hoành ở ngay mé trong nghĩa trang, hồi trẻ chú đạp xích lô, quán này của mẹ chú dựng lên từ hơn hai mươi năm trước. Cách đây sáu năm mẹ chú bị té nặng phải về nằm nghỉ dưỡng, chú Hoành bỏ nghề xích lô thay mẹ làm chủ cái quán nhỏ giữa ngã ba đường xung quanh toàn mồ mả này. Lúc đầu chú cũng chỉ tính duy trì cái quán để giữ mối khách cho mẹ, nhưng riết rồi chú bỏ nghề đạp xích lô để ra bán quán luôn. Nghĩa trang Bình Hưng Hòa đóng cửa, quán nước của chú Hoành ngày càng vắng khách, quanh đi quẩn lại chỉ còn những người giữ mộ ngồi nhắc lại lịch sử từng ngôi mộ, thân thế… cho đến chuyện rồi đây khi nghĩa trang giải tỏa sẽ làm gì để mưu sinh.

Mưu sinh trên đất... nghĩa trang, Tin tức trong ngày, dat nghia trang, nghia trang, nghia dia, phan mo, kinh doanh nghia trng, nghia trang binh hung hoa, mo ma, ngoi mo, bao, tin tuc, tin hot, tin hay

Bà Hai tranh thủ buổi trưa đi hái bông sứ về phơi khô

Ba thế hệ sống nhờ nghĩa trang

Chúng tôi tới nghĩa trang Phước Kiến (xã Hóa An, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) vào buổi trưa mưa vừa ráo tạnh. Hơi đất và đá còn bốc lên hừng hực dưới cái nắng tháng 7 miền Đông. Bóng bà Hai nhỏ thó đang lúi húi quét mộ giữa khu nghĩa trang người Việt với đủ kiểu dáng kiến trúc. Quét lá xong, bà Hai chuyển sang trét đất nhão đắp cho một ngôi mộ mới chôn chưa lâu. Tay bỏ xô đất xuống, bà lại xách xô nước và giẻ lau lụi cụi lau chùi mấy ngôi mộ vừa bị mưa làm văng đất lấm lem...

Lâu rồi bà Hai không dùng đến tên thật của mình là Trần Thị Tán. Hỏi tuổi thì bà bấm đốt ngón tay lẩm bẩm Tí, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tị, Ngọ... mới tính ra năm nay mình đã 64 tuổi. “Mới đó mà tôi đã làm người giữ mộ được 37 năm rồi, như vậy cũng trọn một đời người rồi hả chú”. Bà Hai bắt đầu coi sóc và giữ mộ ở nghĩa trang Phước Kiến từ năm 1975, khi còn là cô gái tươi tắn, yêu đời đến nay mắt đã mờ đục, da dẻ nhăn nheo, sạm đen khắc khổ. Bà kể về cái duyên đưa đẩy mình sống gần người đã khuất thật bình dị. Chớm tuổi đôi mươi, bà đi làm cho một lò gạch trong vùng, thời kỳ đất nước còn loạn lạc nên kiếm được một việc làm tốt không phải dễ dàng. Làm gạch cực vậy nhưng rồi bà cũng mất việc. Cha bà lúc đó đang làm công việc chăm mồ mả trong nghĩa trang Phước Kiến nên bà chuyển sang phụ việc lặt vặt, bưng bê cát, vữa cho thợ xây ở nghĩa trang. “Đến khi ba tôi mất thì tôi chuyển hẳn qua nối nghiệp cha. Ban đầu làm cũng sợ, nhưng làm riết rồi cũng thấy bình thường”, bà Hai nhớ lại.

Dở dang hai đời chồng, có một người con gái nhưng bà Hai không lo nổi đành để con nối nghiệp mình làm nghề canh giữ mộ. Nhưng đời thêm một lần nghiệt ngã, con bà lấy chồng, sinh được đứa cháu thì chồng mắc bệnh hiểm nghèo qua đời. Thế là ba bà cháu đùm bọc nhau sống đạm bạc giữa nghĩa trang này.

Từng đó năm trong nghề, thời gian ở bên người chết nhiều hơn với người sống nên bà Hai hiểu ngay cả cách viếng mộ cũng nói lên tính cách của nhiều người. “Coi cung cách cúng viếng thì biết tính cách thân nhân của họ. Có người tới chăm mộ thường xuyên, có người cả năm tới một lần cắm nắm nhang chưa kịp cháy hết đã bỏ ra về” - bà Hai nhận xét.

“Nhưng nghề nào cũng phải chịu khó mới sống được chú ạ. Với tôi, chăm nom mồ mả là một cái nghề đáng quý trọng. Tôi làm nghề giữ hương hỏa cho người chết riết rồi quen. Đi đâu là nhớ mùi nhang khói lại muốn quay về. Người bình thường thường sợ vong hồn, ma quái nghĩa trang, còn tôi không hề sợ vì mình đang làm công việc chăm nom giấc ngủ của người đã khuất!” - bà Hai tâm sự về cái nghề trời định của mình.

Sang quyền giữ mộ 100 triệu đồng

Cách đây không lâu, dân tình ở “khu phố 7” (là cách người dân phường Bình Chiểu gọi nghĩa trang Gò Dưa - phường này chỉ có sáu khu phố) xôn xao chuyện một người tên T. sang lại quyền giữ mộ của một khu nghĩa trang tư nhân trị giá 100 triệu đồng. Chủ đất và T. làm giấy sang nhượng quyền giữ mộ nhờ ban quản lý nghĩa trang ký làm chứng. Người thì nói T. không bình thường, có 100 triệu đồng làm vốn, không có nghề thì mở tiệm tạp hóa bán cũng có lời, chỉ có những người nghèo khó, không nghề nghiệp, không vốn liếng mới đâm đầu vào cái nghề giữ mộ. Người rành chuyện cho biết T. tính toán “hơn người”, vụ làm ăn này chắc chắn lời chứ không lỗ. Khu đất mộ trên có khoảng 300 ngôi mộ, mỗi chủ mộ chỉ cho 200.000 đồng mỗi năm thì T. thu được khoảng 60 triệu đồng/năm. Chưa hết, T. còn nhận xây mộ, làm mối cho chủ đất bán huyệt để hưởng chênh lệch. Chỉ một năm là lấy lại vốn, những năm còn lại thì được lãi dài dài. Tính ra, thu nhập của nghề giữ mộ như T. là mơ ước của nhiều người làm ăn lương thiện.
 

,