Luật không cho phép xả thải ngầm dưới đáy biển Làm việc với lãnh đạo Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS), Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định: “Đối với pháp luật VN, hệ thống xả thải mà lắp đặt ngầm là không cho phép. Chúng tôi đề nghị phải có biện pháp để giám sát, tiếp cận và quan sát hệ thống này”. Theo ông Hà, đến nay chưa có bằng chứng nào về mối quan hệ giữa xả thải của dự án Formosa với vấn đề thảm họa môi trường biển. “Nhưng chúng tôi cho rằng, về gián tiếp có vấn đề liên quan. Khi đánh giá chúng ta chưa tính hết”, Bộ trưởng nói. Ông Hà cũng cho biết, sắp tới sẽ chỉ đạo các cơ quan phối hợp với Sở TN-MT Hà Tĩnh trực tiếp làm việc với FHS để xem xét một số vấn đề về hệ thống xử lý nước thải của nhà máy. Tại đây hiện đã có hệ thống quan trắc tự động 6 thông số, Bộ trưởng đề nghị FHS phối hợp với Sở TN-MT Hà Tĩnh cung cấp số liệu trực tuyến để sở này theo dõi, giám sát thường xuyên. Hỗ trợ ngư dân Kiểm tra hiện tượng cá biển chết hàng loạt, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã chia sẻ khó khăn với ngư dân miền Trung. Ông nói: “Đây là một sự cố thảm họa rất lớn, lần đầu tiên xuất hiện tại VN. Phải thừa nhận rằng, các bộ ngành, các cơ quan nghiên cứu khoa học dù đã rất nỗ lực nhưng việc điều phối, triển khai trước các thảm họa như thế này còn lúng túng, chưa khoa học, chậm, chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của bà con và công luận. Với tư cách là người đứng đầu của Bộ, tôi xin nhận khuyết điểm về vấn đề này”. Hiện nay việc đánh giá cá chết, chất lượng cá có ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân hay không, Bộ trưởng cho biết, Bộ NN-PTNT đã và đang kiểm tra, chờ kết quả xử lý các mẫu vật. Khi có kết quả, Bộ sẽ công bố công khai và hướng dẫn ngư dân đánh bắt và sử dụng hải sản.
Trong một diễn biến khác, những ngày gần đây có tin đồn cá chết do nhiễm độc tại các tỉnh miền Trung được các thương lái thu mua, đóng thùng vận chuyển vào TP.HCM tiêu thụ. Trả lời Thanh Niên, ông Trần Đình Vĩnh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP.HCM, cho biết đã chủ động tăng cường cán bộ kiểm soát nguồn cá từ các tỉnh nhập về các chợ. Hiện chưa phát hiện được cá chết từ các tỉnh miền Trung chuyển vào. Loại nguyên nhân cá chết do thủy triều đỏ Đó là ý kiến của hầu hết các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu về tảo biển sau thông báo của Bộ TN-MT về việc cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh ven biển miền Trung những ngày qua có thể xuất phát từ hiện tượng tảo nở hoa hay còn gọi là thủy triều đỏ. Theo các chuyên gia, thủy triều đỏ là tên gọi chung của những hiện tượng bùng phát tảo biển nở hoa, thường xảy ra vào tháng 3 đến tháng 9 hằng năm hoặc ở những vùng biển ô nhiễm chất hữu cơ. Hiện tượng này gây ra do một số loại tảo sống và nở hoa mang đến màu nâu hoặc màu đỏ, đôi khi không có màu. Tảo nở hoa thường xảy ra ở các cửa sông, cửa biển hoặc tảo nước ngọt tích lũy nhanh chóng trong các cột nước. Thủy triều đỏ dễ dàng nhận biết bằng trực quan do nước biển thường có mùi tanh hôi, chất dính trong nước nhiều, hình thành những đám dày đặc, mảng vệt trên mặt nước. Nếu tập trung mật độ cao, nước sẽ đổi màu hay xỉn lại, chuyển từ tím đến gần giống màu hồng, màu đỏ, xanh lá cây... Thủy triều đỏ gây ra độc tố tự nhiên, giảm hòa tan ô xy trong nước có thể làm chết sinh vật biển như tôm, cá, động vật có vú... Trên thế giới, nhiều nước từng xảy ra hiện tượng này. Ở VN, vùng biển Bình Thuận, Ninh Thuận từng có thủy triều đỏ vào năm 2001, dài 25 km, rộng 5 km... “Bộ TN-MT cần xem xét lại sự đúng đắn khi đưa ra nguyên nhân cá chết do tảo nở hoa, hay còn gọi là thủy triều đỏ”, PGS-TS Lê Xuân Cảnh, Viện trưởng Viện Sinh thái tài nguyên sinh vật, nói. Theo ông, thủy triều đỏ là hiện tượng thường xảy ra ở bề nổi, không thể gây ra chết các loài sinh vật ở lớp đáy. Tuy nhiên, trong số cá chết mà ngư dân vớt được từ đầu tháng 4 đến nay, có nhiều loài sống ở tầng đáy biển. Hơn nữa, thủy triều đỏ cũng không thể gây ra hiện tượng cá chết nhiều, lâu ngày như đang xảy ra ở ven biển miền Trung. Nếu đúng thủy triều đỏ làm cá chết thì nước biển tại những vùng có cá chết phải có bốc mùi tanh hôi, có chất dính. Còn ở vùng biển từ Hà Tĩnh vào đến Thừa Thiên-Huế, đều chưa ghi nhận thấy dấu hiệu giống hiện tượng này. GS-TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, cũng nói thẳng: Bộ TN-MT cần phải loại bỏ nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết ở 4 tỉnh miền Trung do hiện tượng thủy triều đỏ. Vì theo diễn biến thực tế, hiện tượng cá chết hàng loạt đầu tiên diễn ra ở Hà Tĩnh. Sau đó vài ngày mới lan vào các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. “Theo khảo sát của tôi thời còn công tác, vùng biển miền Trung có dòng hải lưu ngầm chảy từ Hà Tĩnh vào các tỉnh miền trong. Rất có thể, độc tố hóa học xuất phát từ Hà Tĩnh, sau đó cuốn vào vùng biển các tỉnh miền trong, gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt lan rộng”, GS-TS Hồng nói. Tập trung hướng cá chết do chất độc Chiều qua ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá VN ký công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ TN-MT, Bộ NN-PTNT và Bộ Tài chính, bày tỏ quan điểm chính thức của Hội Nghề cá VN liên quan đến quá trình điều tra nguyên nhân cá chết hàng loạt trên diện rộng ở ven biển miền Trung. Trả lời báo chí, ông Thắng cho biết Hội Nghề cá VN đồng tình nguyên nhân cá chết có thể là do độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người (1 trong 2 nguyên nhân Bộ TN-MT đưa ra), bởi cá chết chủ yếu là loài sống tầng đáy. Hiện tượng cá chết được phát hiện đầu tiên ở ven biển Kỳ Anh, sau đó có thể độc chất theo dòng hải lưu chảy theo hướng từ bắc xuống nam tiếp tục gây cá chết ở Quảng Bình, Quảng Trị và phía bắc Thừa Thiên-Huế. Chủ tịch Hội Nghề cá VN cũng bày tỏ kiến nghị nên loại trừ nguyên nhân thủy triều đỏ (tảo độc) khiến cá chết. Vì các hiện tượng đặc trưng của thủy triều đỏ đã không được ghi nhận. Qua theo dõi thực tế cũng chưa có bằng chứng nào về các hiện tượng động đất, sóng thần, núi lửa… dẫn tới nhận định đáy biển sinh ra độc tố gây chết cá tầng đáy. Từ đó, giả thuyết về nguyên nhân do chất độc mà con người gây ra là có cơ sở. Hội Nghề cá VN và người dân hành nghề cá mong muốn cơ quan chức năng làm rõ, ở vùng biển Kỳ Anh, nơi phát sinh cá chết có bao nhiêu đường ống từ các nhà máy xả trực tiếp ra biển; làm rõ 300 tấn hóa chất Formosa đã nhập về và được sử dụng ra sao. Hóa chất sau khi qua sử dụng có được xả thải qua đường ống ra biển. Quá trình truy tìm chất độc gây chết cá, có thể lấy mẫu đất ở cuối nguồn các ống xả và đối chiếu với kết quả lấy mẫu từ mang và dạ dày cá chết. Khi có hai kết quả này có thể kết luận cá chết do độc tố hay không và tiếp tục truy tìm nguồn xả phát tán chất độc. Trong trường hợp phân tích cho thấy, cá chết không phải do độc tố, các nhà máy ở H.Kỳ Anh không thải chất độc hoặc có thải chất độc nhưng không làm chết cá thì tiếp tục chuyển sang truy tìm nguyên nhân theo hướng khác. Thanh Nien |
,